Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), những trường hợp tương tự đã được y văn thế giới ghi nhận.
Y văn thế giới đã ghi nhận một số cặp sinh đôi nhưng không cùng cha.
Ảnh: Alamy/Telegraph. |
Bác sĩ Dung cho biết, thông thường mỗi phụ nữ chỉ rụng một trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt, nhưng có những trường hợp rụng 2 trứng hoặc nhiều hơn. Đó là lý do dẫn tới sinh đôi, sinh ba. Nếu người mẹ quan hệ cùng một người đàn ông, cặp song sinh sẽ cùng bố.
Nếu cùng thời điểm, người mẹ quan hệ với nhiều hơn một người đàn ông sẽ dẫn tới việc các bào thai không cùng huyết thống bởi mỗi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng của một người khác nhau.
"Ở Việt Nam, việc rụng trứng nhiều và thụ thai tới hai lần tương đối hiếm gặp. Nhưng điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra”, bác sĩ Dung khẳng định.
Đồng quan điểm, TS.BS Lê Vương Văn Vệ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng cho hay, việc sinh đôi khác bố là có cơ sở khoa học. Trong trường hợp này, người phụ nữ rụng tới 2 trứng thay vì rụng một trứng và có quan hệ với 2 người khác nhau.
Thực tế, phụ nữ phải dùng thuốc mới có thể rụng tới 2-3 trứng. Ngược lại, một số người rụng trứng nhưng không chứa noãn - lý do nhiều người quan hệ đúng ngày rụng trứng nhưng không thụ thai.
Về trường hợp sinh đôi cùng mẹ khác bố, TS Vệ cho biết, hay gặp trong trường hợp người mẹ bị cưỡng hiếp tập thể hoặc có quan hệ với nhiều người, có thể cùng thời điểm hoặc cách ngày. Nhưng nguyên tắc, một trứng chỉ thụ tinh được một lần. Khi đó, một tinh trùng duy nhất có thể kết hợp với trứng. Điều này là ngẫu nhiên. Do đó, chỉ có thể xét nghiệm ADN mới xác định chính xác đứa con là của người đàn ông nào.
Trước Tết, một người đàn ông tại Hòa Bình đến Trung tâm phân tích ADN và di truyền Hà Nội nhờ xác minh ADN do những nghi vấn về huyết thống một trong hai đứa trẻ sinh đôi (vì ngoại hình không giống bố như bé còn lại... ). Kết quả, cả hai đứa trẻ đều là con của người mẹ nhưng một trong số chúng lại không phải là con của người bố.