- Mặc dù tôi rất chú ý chăm sóc cháu không để cháu bị lạnh. Xin hỏi tại sao trẻ hay bị bệnh này? Phòng tránh thế nào? Nguyễn Thị Ngoãn (Hà Nội)
- Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Đó là vì đặc điểm về cấu tạo giải phẫu vùng mũi họng của trẻ: họng là ngã tư của đường ăn uống và hô hấp.
Trong họng có rất nhiều tổ chức lympho phát triển, đặc biệt là nhóm lympho ở vòm mũi họng (vegetation Adenoide gọi là VA). Hơn nữa ở trẻ càng nhỏ thì hốc mũi càng hẹp, khi bị viêm nhiễm, chất nhày sẽ tăng tiết hơn càng làm hốc mũi hẹp hơn, thở bằng mũi khó khăn hơn, khi đó trẻ phải thở bằng miệng.
Vì thế, không khí sẽ không được lọc sạch và không được sưởi ấm trước khi vào phổi. Điều này lý giải tại sao trẻ bị viêm mũi họng thì sẽ rất dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Biểu hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính: sốt cao hoặc vừa, ho, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, khàn giọng...
Ở trẻ dưới 1 tuổi, đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ rực, nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, bệnh tiến triển nặng lên gây viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt bị bội nhiễm liên cầu khuẩn nếu không được điều trị đúng sẽ có nguy cơ biến chứng thấp tim, việc điều trị sẽ lâu dài, tốn kém và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Vì vậy, với những trẻ có tiền sử hay nhiễm khuẩn hô hấp cần phải được giữ gìn để tránh tái phát. Đối với trẻ bệnh cần được chăm sóc, theo dõi chu đáo như hút sạch dịch mũi, nhỏ thuốc sát khuẩn mũi; dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.