Ngày 3/11, Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận nam bệnh nhân, 46 tuổi, trong tình trạng nguy kịch, mạch còn 30 nhịp/phút, huyết áp tụt.
Theo bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội Tim mạch Người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E), kết quả điện tâm đồ và hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thất phải, liên thất phải tắc hoàn toàn, liên thất trái hẹp 80%.
Bệnh nhân làm nghề lái xe cho một trường tiểu học tại Hà Nội. Sáng cùng ngày, người đàn ông thấy đau ngực, vã mồ hôi và khó thở khi đang đưa học sinh đến trường. Với tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm, ông nhanh chóng dừng xe bên vệ đường và được đưa tới trạm xá gần đó.
Bác sĩ Lê Ngọc Thành thăm khám cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vừa thoát chết. Ảnh: Văn Phong. |
Sau đó, ông tiếp tục được chuyển tới một bệnh viện tại Hà Nội. Với sự trợ giúp qua điện thoại từ bác sĩ Bệnh viện E, đội ngũ y tế tại đây đã lập tức sơ cứu cho bệnh nhân.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, giải thích: "Việc dùng thuốc gì, truyền dịch ra sao trong sơ cứu cho người mắc bệnh tim mạch, sọ não rất nhạy cảm. Đôi khi, một hành động xử lý sai có thể khiến bệnh nhân tử vong".
Khi ổn định hơn, ông được đưa tới Bệnh viện E. Sau khoảng 20 phút dưới sự can thiệp của các bác sĩ, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và hồi phục tốt.
Theo Giáo sư Thành, khoảng thời gian từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau ngực đến thời điểm có mặt tại Bệnh viện E chỉ 30 phút. Ông nhận định nếu không được sơ cứu kịp thời và nhập viện chậm vài phút, nguy cơ tử vong của bệnh nhân sẽ rất cao.
Bác sĩ Phan Thảo Nguyên cho biết nhồi máu cơ tim khiến các tế bào cơ tim bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được can thiệp sớm, chức năng tim sẽ hồi phục gần như toàn bộ trong thời gian ngắn.