Từ thời điểm TP.HCM bùng phát đợt dịch thứ 4, chiếc xe cứu thương vốn được dùng để phục vụ công tác y tế tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã trở thành phương tiện phục vụ chung cho cộng đồng.
Cùng với hàng trăm xe cứu thương khác khắp thành phố, chiếc xe đã giúp đỡ những bệnh nhân Covid-19 được đến bệnh viện nhanh chóng và kịp thời hơn.
Những nhân viên nhà máy trở thành tài xế
Chia sẻ với Zing, anh Phạm Công Hoan (Phòng Chính trị, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn) cho biết đội lái xe cứu thương có 5 thành viên là chiến sĩ và cán bộ công nhân viên của công ty. Mỗi ngày, họ luân phiên nhau chạy xe đưa đón người bệnh từ mọi nơi trên địa bàn thành phố.
"Các anh em tiếp nhận cuộc gọi từ bệnh nhân hoặc cán bộ y tế địa phương, chở các F0, F1 đến bệnh viện và khu cách ly. Có những ngày cao điểm, đội chở đến 40 người bệnh", anh Hoan nói.
Các thành viên khử khuẩn xe trước và sau mỗi chuyến chở bệnh nhân. |
Những thành viên của đội xe trước đây là nhân viên tại công ty, hầu hết chỉ tham gia hoạt động sản xuất kinh tế. Khi nhận nhiệm vụ lái xe đưa đón bệnh nhân, họ tự hướng dẫn nhau các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, dặn dò nhau những quy tắc khi tiếp xúc nguồn bệnh.
Trước mỗi chuyến xe, các thành viên đều mặc trang phục bảo hộ y tế, mang theo mình dung dịch sát khuẩn. Sau mỗi lần chở F0, họ lại khẩn trương khử khuẩn xe, chuẩn bị đón những người bệnh tiếp theo.
"Công ty trang bị cho anh em đầy đủ đồ dùng, thiết bị cần thiết cho công việc. Ngoài ra, cấp lãnh đạo cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên. Chúng tôi hiểu rất rõ nỗi vất vả của từng thành viên, mong các anh giữ sức khỏe và tinh thần tốt", anh Hoan chia sẻ.
Hết mình giúp đỡ người bệnh
Những ngày TP.HCM nắng nóng gay gắt, các thành viên của đội xe cứu thương mệt mỏi và mất sức nhiều hơn. Tuy vậy, các anh lại không dám uống nhiều nước, lo ngại việc phải cởi đồ bảo hộ đi vệ sinh sẽ bất tiện và không đảm bảo an toàn.
Anh Nguyễn Bá Sỹ, một trong 5 thành viên của đội chia sẻ: "Mỗi lần chở các bệnh nhân đến khu cách ly tập trung, chúng tôi phải chờ 15 phút đến 2-3 tiếng đồng hồ. Mệt lắm, nhưng nhiều lần như vậy, chúng tôi quen dần".
Điều anh Sỹ ghi nhớ nhất trên mỗi hành trình đó chính là hoàn cảnh của bệnh nhân. Có những F0 là người cao tuổi, lại có cả những em bé sơ sinh. Mỗi người lên xe đều mang theo nỗi lo lắng và do dự. Thậm chí, có bệnh nhân khi gần đến bệnh viện lại yêu cầu xuống xe bởi quá sợ hãi.
"Tôi nhớ có một em bé lên xe và hỏi tôi rằng 'Chú lái xe ơi, đi cách ly rồi còn có cơ hội được về không?'. Tôi thương nhất là những em bé còn rất nhỏ phải mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, nhìn bước chân của các em vào khu cách ly thật sự rất xót xa.
Tôi cũng chứng kiến cả những bệnh nhân cao tuổi từng bị tai biến hoặc có nhiều bệnh nền. Họ rất khổ, vào khu cách ly không thể có người nhà sát sao chăm sóc. Nhìn biết bao câu chuyện như vậy, tôi nhận ra bây giờ không có gì quan trọng hơn sức khỏe", anh nói.
Đại tá Phạm Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty thăm, động viên tổ xe cứu thương. |
Cùng tham gia trong đội xe cứu thương còn có Đại úy Vũ Văn Cương và các anh Nguyễn Văn Khoa, Đinh Văn Tám, Lưu Văn Nhì. Từ lúc tham gia nhiệm vụ, các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng, cứ có cuộc gọi điều động là lên đường.
Hơn 2 tháng tham gia nhiệm vụ chở bệnh nhân Covid-19 cũng là thời gian các anh chưa về thăm gia đình, mặc dù đơn vị chỉ cách nhà từ 7 đến 15 km. Mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc, các anh đều gọi điện về chia sẻ cùng gia đình.
"Tôi đã có kinh nghiệm hơn 20 năm lái xe, nhưng những ngày đầu lái xe cứu thương chở bệnh nhân tôi vẫn rất run.
Gia đình tôi lo lắng nhiệm vụ này nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, tôi hiểu mọi người lo lắng nhưng chỉ nghĩ rằng mình có sức khoẻ, có tuổi trẻ. Thời điểm này, những người như chúng tôi còn sợ thì ai dám giúp cộng đồng?", anh Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Khoa chuẩn bị lên đường chở bệnh nhân Covid-19. |
Tối 8/8, theo bản tin của Bộ Y tế, Việt Nam có 4.860 bệnh nhân khỏi Covid-19. Đây là con số xuất viện cao nhất tại nước ta từ khi dịch bùng phát cho đến nay. Hiện tổng số người được chữa khỏi và xuất viện tại Việt Nam là 71.497.
Bộ Y tế quy định sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.
Từ 28/7, số bệnh nhân được xuất viện tại nước ta luôn ở mức từ 3.500 đến hơn 4.500 người mỗi ngày. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu tốt cho hệ thống điều trị Covid-19 tại Việt Nam.