Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài xế đưa đón học sinh tại Mỹ: Không yêu trẻ con thì đừng làm

Trước sự việc bé trai học lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón đi học, trách nhiệm của người tài xế được nhiều người đặt dấu hỏi.

Về vụ việc nam sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón của nhà trường, nhiều người không khỏi phẫn nộ vì sự tắc trách của người tài xế và nhân viên phụ trách học sinh.

Trên thế giới, không hiếm trường hợp vì sự bất cẩn của người lớn, trẻ nhỏ bị nhốt trong những chiếc xe đóng kín trong thời gian dài, khi phát hiện ra thì đã quá muộn.

Để phòng ngừa trường hợp trẻ em gặp nguy hiểm về tính mạng khi bị bỏ quên trên xe, các đơn vị quản lý xe buýt quốc gia tại Mỹ đã đề ra các giải pháp cho vấn đề.

Trong đó, trách nhiệm của người lái xe được đặt lên hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn cho mọi đứa trẻ từ lúc đón tại bến xe cho đến lúc chúng bước chân vào trường.

Các tài xế phải trải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bắt đầu vào nghề cũng như đào tạo nhiều kỹ năng cần thiết khi lái xe.

"Sạch sẽ và an toàn là nhiệm vụ hàng đầu"

Theo Hiệp hội Xe buýt trường học Mỹ (ASBC), khoảng 25 triệu trẻ em ở xứ cờ hoa - tức hơn một nửa số học sinh của nước này - đi xe buýt đến trường mỗi ngày.

Cục Thống kê Lao động nước này ước tính có hơn 687.000 việc làm lái xe buýt trường học trên toàn nước Mỹ.

Tất nhiên, ưu tiên số một của các tài xế là vận chuyển học sinh đến trường an toàn. Tuy nhiên, việc phải đảm nhận cùng lúc 50-70 trẻ nhỏ trên mỗi chuyến xe chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Năm 2018, Hiệp hội Dịch vụ Vận tải Học sinh Quốc gia (NASDPTS) tại Mỹ phát hành một bài báo về vai trò quan trọng của các tài xế xe buýt trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.

hoc sinh lop 1 Gateway tu vong anh 1
Tại Mỹ, các tài xế đưa đón học sinh phải trải qua nhiều vòng kiểm tra khác nhau mới được phép cầm vô lăng. Ảnh: Tomthelawyer

Theo đó, để nhận được vị trí cầm lái vô lăng, các tài xế phải trải qua nhiều vòng kiểm tra với các yêu cầu chặt chẽ từ giấy phép, điều kiện sức khỏe, lý lịch hình sự lẫn hồ sơ lái xe.

“Tôi phải lấy dấu vân tay và kiểm tra lý lịch, cùng với hai giấy phép lái xe thương mại. Một cuộc kiểm tra y tế cũng được tiến hành kỹ lưỡng trước khi bắt đầu công việc. Ở cuối mỗi chuyến, tôi phải đi dọc thân xe để chắc chắn không còn đứa trẻ nào bị bỏ sót lại”, Frank May, một tài xế xe buýt trường học lâu năm ở khu vực Millsgeville (bang Georgia), cho hay.

“Chúng tôi phải dậy từ rất sớm để nhận xe, kiểm tra một vòng trước khi khởi hành”, Ed Dorman, một lái xe ở thành phố Rutland (bang Vermont), cho biết.

Theo đó, các khâu kiểm tra bao gồm vòng quanh xe trong 20 phút để đảm bảo mọi thiết bị như đèn, cửa sổ, cửa ra vào, lốp xe và thân xe đều không gặp bất cứ vấn đề nào.

“Làm cho xe buýt sạch sẽ và an toàn cho lũ trẻ là nhiệm vụ đầu tiên của người tài xế”, Ed nói.

Hiện tại, nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng vào dịch vụ chuyên chở học sinh, giúp người lái hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả hơn. Với các thiết bị điện tử hiện đại, những nguy hiểm tiềm ẩn có thể được thông báo nhanh chóng về đội quản lý xe.

Camera bên trong xe buýt có chức năng giám sát hành vi không an toàn của học sinh, trong khi camera bên ngoài theo dõi nếu tài xế có hành vi lái không đúng luật.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trách nhiệm của người lái xe vơi đi.

“Nhiều công nghệ được trang bị có nghĩa là người lái xe cần được đào tạo cách sử dụng. Cả hai yếu tố con người lẫn máy móc đều không được đánh giá thấp”, Charlie Hood, Giám đốc điều hành của NASDPTS, cho biết.

"Không yêu trẻ con, không làm được"

Ông Frank May từng tiết lộ chi tiết những áp lực mà người làm công việc chuyên chở hàng chục học sinh mỗi ngày phải đối mặt.

Theo ông Frank, nhiệm vụ đưa đón học sinh thường bị mọi người xem nhẹ và cha mẹ lẫn công chúng hay buông lời phàn nàn về các tài xế xe buýt.

“Thực chất, chúng tôi phải chạy các dòng xe đã sản xuất lâu đời, cũ kỹ, mức lương thấp song luôn phải xử lý một đống việc có trách nhiệm cao. Mọi người không hề biết được những gì mà những người như tôi phải trải qua”, người tài xế nói.

hoc sinh lop 1 Gateway tu vong anh 2
Không chỉ đưa đón, người lái xe còn đóng vai trò là người bạn đồng hành với trẻ nhỏ. Ảnh: Getty

Một ngày làm việc của ông Frank thường bắt đầu khi trời còn tờ mờ sáng. Khi ai nấy vẫn còn ngủ say, người đàn ông đã phải xuất hiện tại bãi đỗ xe, kiểm tra lịch trình.

Bên cạnh trách nhiệm giữ an toàn cho lũ trẻ trên con đường tới trường, Frank cho hay ông phải xử lý hàng tá công việc không tên khác liên quan đến những đứa bé nghịch ngợm.

“Mọi thứ không đơn giản ở mức nói chào tạm biệt và chúc con của các bạn một ngày tốt lành vào buổi sáng và lặp lại lời chào vào buổi chiều khi chở chúng về nhà”, ông Frank nói.

Theo đó, một mặt vừa lái xe, một mặt người tái xế phải cáng đáng chuyện giữ trật tự của các em bé học sinh mới chỉ lên 5-6 tuổi.

“Việc nhắc những đứa trẻ từ lúc đợi xe phải tránh đứng sát vạch chờ đến khi ổn định chỗ ngồi, không được đứng lên ghế, không nhảy từ chỗ nọ sang chỗ kia diễn ra liên tục mỗi ngày. Vừa quan sát đường đi, tôi vừa phải để ý xem có em nào thò đầu, thò tay ra ngoài cửa sổ không”, ông kể lại.

“Tôi không chỉ chịu trách nhiệm cho tính mạng của mình con bạn, mà là của đến 80 đứa trẻ có mặt trên xe. Không có phụ tá, giám sát hoặc bất kỳ trợ giúp nào khác. Trong khi đó, tôi vẫn phải tuân thủ triệt để luật giao thông, quan sát các phương tiện khác trên đường, đảm bảo an toàn cho lũ trẻ từ lúc chúng đặt chân lên xe đến lúc bước chân vào trường”, ông Frank bộc bạch.

Song, người đàn ông khẳng định tình yêu với trẻ con đã khiến ông chấp nhận công việc chỉ nhận được mức lương rẻ mạt.

Chưa kể, từng việc nhỏ nhặt như buộc hộ dây giày tuột, mặc giúp áo khoác và đeo ba lô, cầm hộ sách vở, hộp cơm trưa cho lũ trẻ đều được người tài xế xe buýt vui lòng làm.

“Đó mới chỉ là vài thứ đơn giản. Hàng ngày, tôi phải làm sạch giấy rác, đồ ăn, sữa bị đổ, vỏ kẹo bị vứt vương vãi. Khi có đứa trẻ nào đó bị ốm sốt, nhiệm vụ dọn sạch những bãi nôn trên ghế, thành xe, sàn xe cũng thuộc về tôi”, ông kể.

Hòa giải những màn cãi lộn, đánh nhau của học sinh. Giúp đỡ khi có đứa trẻ bị bắt nạt. An ủi khi chúng khóc.

“Nếu không vì yêu quý trẻ con và chăm sóc chúng như con cháu của chính bản thân, tôi đã không bao giờ nhận công việc này”, ông Frank khẳng định.

hoc sinh lop 1 Gateway tu vong anh 3
"Những đứa trẻ coi lái xe là người bảo vệ tụi nhóc". Ảnh: AP.

Cùng chung quan điểm, Katrina Fielder, người có hơn 30 năm gắn bó với vị trí tài xế xe buýt cho học sinh, gọi những đứa trẻ cô đưa đón mỗi ngày là “một phần của gia đình và chúng cũng thực sự yêu mến bạn”.

Hơn thế, người lái xe nhiều khi đóng vai trò như một người bạn đồng hành với những học sinh nhỏ tuổi. Các tài xế thuộc tên từng người, biết rõ nhà mỗi đứa ở đâu, hiểu ai sẽ thích ngồi cạnh ai trên xe.

“Một đứa trẻ muốn được mời bé gái mình thích đến buổi vũ hội và cậu ấy cần 10 USD. Vì thế, tôi không ngần ngại rút ví giúp đỡ”, một tài xế tên Ray Dean cho biết.

“Sự giám sát của chính những hành khách nhí là thứ chúng tôi luôn nhắc nhở mình hoàn thành công việc tốt nhất”, James Courcelle, người có 5 năm lái xe cho một trường công lập ở thành phố Rutland, cho hay.

Theo James, anh có đến 50 "tài xế" ngồi sau phụ tá, những người luôn nhắc nhở nếu anh lỡ đi sai đường.

“Chúng luôn giơ ngón tay cái thay cho lời cám ơn mỗi khi chúng tôi tạm biệt nhau. Lũ trẻ tin tưởng tài xế là những người bảo vệ mình”, James đúc kết.

Xe đưa đón trên thế giới ngăn chặn việc bỏ quên học sinh ra sao

Từ vụ bé 6 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway (Hà Nội), nhiều người thắc mắc về cách vận hành và độ an toàn của loại phương tiện này.



Trà My

Bạn có thể quan tâm