Trưa 4/5, nam tài xế khoảng 40 tuổi lái xe tải trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng từ TP.HCM về miền Tây. Khi đến đoạn qua ấp Bình An B, xã Lợi Bình Nhơn (TP Tân An), xe tải bất ngờ bốc cháy. Lúc này, dầu nhớt từ xe tải tràn xuống đường cháy ngùn ngụt.
Cảnh sát PCCC tỉnh Long An và TP.HCM được điều động đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, việc tiếp cận chiếc xe cháy gặp nhiều khó khăn do các ôtô đỗ trên làn đường khẩn cấp.
Nhiều người cho rằng ý thức tham gia giao thông của một số tài xế là kém. Họ thắc mắc việc lái xe dừng đỗ, chạy trên làn đường khẩn cấp bị xử lý như thế nào?
Các ôtô đậu chắn hết tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau vụ cháy xe chở dầu. Ảnh: TTXVN. |
Luật sự Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định đầy đủ về làn dừng khẩn cấp và những việc tài xế không được làm trên làn đường khẩn cấp.
Tuy vậy, trên thực tế làn dừng khẩn cấp vẫn thường xuyên bị các tài xế chiếm làm nơi vượt trái phép. Hành vi này không những phạm luật mà còn rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông.
Đối với hành vi này, người điều khiển phương tiện giao thông có thể sẽ bị xử lý theo Điểm g, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể: Phạt 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), ý tưởng về việc xây dựng làn dừng khẩn cấp trên các tuyến cao tốc được hình thành từ những năm 1960. Đây là nơi dừng đỗ cho những xe bị hư hỏng hoặc làn đường dành riêng cho các xe làm nhiệm vụ như công an, cứu hoả, cứu thương,… di chuyển trong các trường hợp khẩn cấp.
Luật sư Chánh cho rằng đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, tài xế có thể bị xử phạt theo Điểm h, Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019 của Chính phủ với mức phạt 3-5 triệu đồng.
"Hành động cho xe chạy trên làn dừng khẩn cấp là hành vi vi phạm pháp luật có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh", luật sư Chánh nêu quan điểm.