Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài xế giao đồ ăn và nguy cơ bị cướp, hành hung, tai nạn

Shipper tại một số quốc gia như Mỹ, Anh, Argentina phải đối mặt với sự đe dọa, chấn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong trên đường giao những suất đồ ăn nóng hổi tới khách hàng.

Zing.vn trích dịch bài viết The dangerous life of food delivery drivers đăng trên BBC, phản ánh các mối nguy hiểm mà tài xế giao đồ ăn trên thế giới phải đối mặt hàng ngày, từ bị cướp bóc, hành hung đến gặp tai nạn giao thông.

Sonya King từng hy vọng có một ngày “bội thu” khi đăng nhập vào tài khoản tài xế của ứng dụng giao đồ ăn DoorDash tại trung tâm thành phố Atlanta (Georgia, Mỹ) hôm 5/5 năm ngoái.

Đó là ngày diễn ra lễ hội Cinco de Mayo - dịp thường khiến cô bận rộn hơn hẳn mọi khi.

Thế nhưng, người phụ nữ Hồi giáo 31 tuổi chỉ nhận duy nhất một đơn hàng hôm đó. Và cô suýt phải trả giá bằng cả mạng sống.

Sonya bị khách hàng đầu tiên trong ngày - Rick Painter (54 tuổi) - tấn công từ phía sau và siết cổ bằng tóc, vải trùm đầu của chính cô. Bà mẹ 4 con chỉ thoát được khi tìm thấy chìa khóa xe và đâm kẻ tấn công mình nhiều nhát vào mặt, đầu.

"Tôi cố gắng vùng vẫy, chọc ngón tay vào mắt kẻ tấn công nhưng hắn ta không buông tóc tôi ra. Đó chắc chắn sẽ trở thành vụ giết người và nạn nhân chính là tôi", Sonya kể lại.

"Tôi không muốn đâm bất cứ ai, nhưng tôi phải làm điều đó vì hình ảnh chồng và 4 đứa con cứ hiện ra trước mắt. Tôi chỉ nghĩ: ‘Mình phải thoát khỏi ngôi nhà này để về với gia đình’”, cô nói thêm.

tai xe giao do an bi tan cong anh 1
Sonya King bị gã đàn ông 54 tuổi siết cổ bằng tóc và vải trùm đầu của chính cô khi tới giao đồ ăn. Ảnh: WSB-TV.

Rick Painter sau đó bị kết án 2 năm tù vì tội bắt giữ người trái phép và hành hung người khác.

Sonya đã trốn thoát với nhiều vết cắt và bầm tím, nhưng không thể thôi ám ảnh về vụ tấn công.

"Tôi trở nên xa cách với nhiều người mình yêu thương. Tôi không tin ai cả. Tôi luôn cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra", người phụ nữ 31 tuổi nói.

Sonya King nằm trong số tài xế giao đồ ăn trên thế giới bị tấn công hay chấn thương trong khi làm việc.

Cảnh sát chưa thu thập số liệu thống kê về các trường hợp này. Các công ty giao đồ ăn cũng không hề công bố. Tuy nhiên, báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào tài xế giao đồ ăn có thể được tìm thấy trên khắp thế giới - từ Sydney (Australia) đến New York (Mỹ).

"Con mồi" của các băng cướp

Ở London (Anh), shipper đồ ăn di chuyển bằng xe máy hoặc xe moped thường là “con mồi” của các băng cướp giật.

Nhiều tài xế cho biết các mối đe dọa luôn rình rập họ mỗi ngày.

"Shipper là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên đường phố", Shajidur Rahman - tài xế UberEats - nói.

Tháng 8 vừa qua, người đàn ông 31 tuổi bị tấn công vào khoảng 21h ở phía đông London khi đang trở về nhà.

"Nhóm cướp khoảng 8-10 người bước ra từ bóng tối. Một trong số đó đá bay tôi khỏi xe. Sau đó, chúng bắt đầu đánh tôi", Rahman nhớ lại.

Nhóm côn đồ đã cướp chiếc xe moped cùng điện thoại di động của người tài xế, đánh gãy xương vai và chân của anh.

Tội phạm liên quan đến xe máy và xe moped ở London nhức nhối đến nỗi lực lượng cảnh sát Metropolitan Police (The Met) đã thành lập đội đặc nhiệm có tên “Chiến dịch Venice” để giải quyết.

The Met cho biết họ không có số liệu về các sự cố liên quan đến tài xế giao hàng, nhưng Shajidur Rahman và các đồng nghiệp của anh đã gặp rất nhiều.

Rahman nói rằng cộng đồng tài xế đang cảnh báo nhau về các rắc rối thông qua ứng dụng nhắn tin, thậm chí tập trung lại để truy đuổi và chống lại những kẻ tấn công.

tai xe giao do an bi tan cong anh 2
Từ việc là trụ cột của gia đình, tài xế Shajidur Rahman phải trông cậy vào người thân sau khi bị nhóm côn đồ hành hung, cướp bóc. Ảnh: BBC.

Cảnh sát cho biết thêm trong năm ngoái, số lượng tội phạm liên quan tới xe máy, scooter hay xe moped được ghi nhận đã giảm một nửa, tức dưới 9.000 vụ hay khoảng 1 vụ/giờ.

Các tài xế nói rằng công ty có thể hành động nhiều hơn để bảo vệ và giúp đỡ họ.

Trong trường hợp của Rahman, anh được phân loại là đối tác thay vì nhân viên nên không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản bảo hiểm đau ốm nào. Mặc dù trước đó, anh được phản hồi rằng phía bảo hiểm của UberEats sẽ chi trả thu nhập một tháng.

"Tôi là trụ cột của gia đình mà giờ tôi phải phụ thuộc vào họ. Tôi không biết làm cách nào để trang trải tất cả chi phí", Rahman buồn bã nói.

Anh cũng chỉ trích phần mềm của UberEats không cho phép tài xế trông thấy địa chỉ giao hàng trước khi nhận đơn. Điều này khiến cho việc tránh các địa bàn của băng nhóm tội phạm trở nên khó khăn.

"Chúng tôi chỉ được biết mình sẽ giao đồ ăn tới đâu khi xác nhận đơn hàng. Sau đó, ngay cả khi muốn hủy đơn, chúng tôi cũng không thể vì công ty có thể đình chỉ tài khoản của chúng tôi", nam tài xế nói.

UberEats không phản hồi trước những lo ngại nêu trên mà chỉ khẳng định "sẽ hoạt động tích cực để cải thiện sự an toàn của các đối tác sử dụng ứng dụng".

Công ty cho biết các shipper có thể chọn tối đa 5 người làm "liên hệ đáng tin cậy" và chia sẻ địa điểm khi đi giao hàng. Nút hỗ trợ khẩn cấp cho phép tài xế gọi trợ giúp trực tiếp từ ứng dụng trong trường hợp cấp bách và vị trí GPS trong thời gian thực của họ cũng được theo dõi.

Gặp tai nạn vì cố nhận nhiều "cuốc" giao hàng

Bị tấn công có thể là mối lo ngại lớn, nhưng tai nạn giao thông mới là rủi ro lớn nhất với shipper khi họ cố gắng thực hiện nhiều “cuốc” giao hàng trong thời gian ngắn để tăng thu nhập.

Đầu năm nay, thẩm phán Roberto Gallardo đã cấm các ứng dụng giao đồ ăn hoạt động tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vì lo ngại một số công ty không đáp ứng luật lao động và vận tải. Các công ty phủ nhận điều này và kháng cáo phán quyết.

Quyết định của thẩm phán Gallardo một phần được đưa ra từ trường hợp tài xế Ernesto Floridia (63 tuổi) bị xe tông khi đang thực hiện đơn hàng được đặt qua Glovo - ứng dụng giao đồ ăn lớn tại Argentina.

Sau vụ tai nạn, Floridia đã báo công ty rằng ông bị thương và không thể di chuyển. Tuy nhiên đáp lại, một nhân viên hỗ trợ của Glovo đã yêu cầu Floridia chụp ảnh đồ ăn để có thể hủy đơn hàng.

Glovo sau đó tuyên bố trường hợp này rất nghiêm trọng và gửi lời xin lỗi. Người phát ngôn nói thêm nhân viên dịch vụ khách hàng trên đã bị buộc rời khỏi bộ phận, trong khi Ernesto Floridia đã phục hồi hoàn toàn và vẫn làm việc với công ty.

tai xe giao do an bi tan cong anh 3
Tài xế bị xe tông trên đường giao đồ ăn cho khách tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ảnh: Getty.

Trở lại Georgia, Sonya King nói rằng DoorDash nên làm nhiều hơn để bảo vệ 400.000 đối tác tài xế của mình, ví như kiểm tra lý lịch để xác định khách hàng có hồ sơ tội phạm (Rick Painter từng vào tù vì tội hành hung trước khi cô tới giao hàng cho ông ta).

Sonya cũng phàn nàn rằng sau vụ tấn công, cô không thể nói chuyện với bất kỳ ai từ công ty có trụ sở tại San Francisco. Nữ tài xế chỉ có thể gửi email cho họ suốt 3 ngày trước khi người của công ty gọi hỏi thăm cô.

"Tôi gần như đã chết đi! Điều đó thật kinh khủng", Sonya khẳng định.

DoorDash nói rằng họ “thật sự lấy làm tiếc” về cách xử lý vụ việc của Sonya King.

"Chúng tôi rất coi trọng sự an toàn của cộng đồng tài xế và không dung thứ cho bất kỳ hình thức quấy rối hay hành vi không phù hợp nào".

Công ty cho biết họ đã giới thiệu chính sách bảo hiểm tai nạn lao động miễn phí cho tất cả tài xế ở Mỹ.

Nữ sinh trung học - tầm ngắm của ngành công nghiệp tình dục Nhật

Quy định pháp luật lỏng lẻo đã tạo cơ hội cho những kẻ làm giàu từ ngành công nghiệp phim khiêu dâm giăng lưới, lừa đảo những cô gái trẻ.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm