Bước lên xe buýt số 86 (tuyến Công viên 23-9 - Nhà Bè) của tài xế Lê Xuân Huy, phóng viên ấn tượng khi nhìn loạt bằng khen do Công an TP.HCM và Công ty Vận tải trao tặng vì thành tích chống trả nhóm cướp, bảo vệ tài sản cho người dân.
Xen giữa bằng khen là bức ảnh vẽ tay, tái hiện lại cảnh khi anh Huy đá một tên móc túi khỏi xe buýt, lấy lại đồ cho hành khách. Tác phẩm do một sinh viên thường xuyên đi tuyến xe của anh vẽ tặng.
“Vụ đó xảy ra vào sáng 26/6/2018, tôi đuổi theo và đá tên móc túi đến văng cả dép. Một hành khách chứng kiến còn biếu tôi 100.000 đồng, nói vui rằng ‘Để bác tài mua đôi dép mới’. Trân quý tấm lòng ấy, tôi mang tờ tiền đi ép plastic và giữ làm kỷ niệm tới giờ”, vị tài xế vui vẻ kể với Zing.
Tài xế Lê Xuân Huy được mệnh danh "người hùng" khi có hàng chục lần tham gia bắt kẻ móc túi, cướp giật. |
Trong gần 5 năm lái xe tại TP.HCM, vị tài xế quê An Giang được nhiều hành khách và đồng nghiệp mệnh danh “người hùng” khi có hơn 20 lần tham gia bắt kẻ gian móc túi, cướp giật trên xe.
Anh còn có một biệt danh khác là “Huy búp bê” vì thường mua đồ chơi, móc khóa và hoa để tặng khách mỗi dịp đặc biệt như ngày 8/3 hay 1/6. Trên xe của anh treo những hộp nhỏ đựng kẹo cho mọi người, và cả tiền lẻ để giúp những vị khách khi họ cần.
Niềm vui được cho đi
Anh Huy bắt đầu làm tài xế xe buýt từ giữa năm 2017. Trước đó, anh là nhân viên làm việc tại ngân hàng ở An Giang. Gặp biến cố gia đình, anh bỏ việc ở quê, có thời gian xin làm công nhân rồi cuối cùng gắn với công việc lái xe hiện tại.
Suốt nhiều năm nay, anh thường tự bỏ tiền túi mua bánh kẹo, hoa và những món đồ chơi nhỏ tặng những vị khách đi xe.
Vị tài xế nói rằng giai đoạn khủng hoảng, anh từng nghĩ đến những điều tiêu cực vì không tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Việc tặng quà cho hành khách, nhìn thấy nụ cười của họ đã giúp anh hạnh phúc hơn nhiều.
Dịp 8/3 năm nay, anh Huy chi khoảng 7 triệu đồng để mua 300 bông hồng cùng chocolate, móc khóa, gương mini… tặng những hành hành khách nữ.
“Lái xe cả ngày, từ 6h sáng đến gần 21h tối, nên hôm đó tôi thức đêm, ở lại trên xe để tự tay gói từng bông hoa, chuẩn bị quà, sáng hôm sau kịp đem tặng mọi người. Hoa tôi mua từ chợ đầu mối, còn quà là mua từ một chị người quen mà tôi hay ủng hộ”, anh kể.
Dù có những người nói anh “bao đồng”, vị tài xế cho rằng thực tế đó là cách anh tìm niềm vui và ý nghĩa cho bản thân. Trước đây, khi còn làm ở ngân hàng, anh thường nhận nhiệm vụ mua quà cho khách và đối tác.
“Tôi luôn có một khoản cố định gửi về cho vợ con ở quê, chỉ mua quà bằng tiền chi tiêu cá nhân còn lại. Bớt vài bữa nhậu để dành tiền mua quà mà có thể mang niềm vui cho người khác”, anh Huy bày tỏ.
Anh Huy chuẩn bị tiền lẻ để giúp những khách có hoàn cảnh khó khăn hoặc quên mang tiền. |
Với giá vé 3.000-5.000 đồng/lượt, khách đi xe buýt được khuyến khích trả bằng tiền lẻ. Tuy nhiên, thấy một số khách không có tiền lẻ hoặc quên mang tiền, anh Huy thường chuẩn bị sẵn để giúp khi có người cần.
“Dạo trước, tôi đổi khoảng 50.000 đồng ra tiền lẻ, để trong giỏ đặt ở đầu xe để khách cần thì tự lấy. Sau này thấy bất tiện nên tôi để sẵn tiền trong túi. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng giúp người ta tránh được rắc rối”, anh nói.
“Lên xe chú Huy là vui nhất”
Khoảng 16h30, H.T (17 tuổi) cùng nhóm bạn bước lên xe buýt số 86 tại điểm trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè). Như mọi lần, nữ sinh tiến thẳng lên ngồi hàng ghế đầu để dễ dàng trò chuyện với tài xế.
“Chú ơi mấy cái móc khóa kia xinh quá, chú có tặng không ạ?”, H.T chỉ lên chùm móc khóa treo trên trần xe, hỏi.
“Có nha, nhưng phải gom đủ 20 vé xe buýt mới đổi được. Con nhìn lại vé mới mua đi, trên đó in biển số xe chú, con gom đủ số vé là chú tặng. Thử thách vậy mới vui”, vị tài xế đáp.
“Trời ơi, con đi xe chú 3 năm, mua bao nhiêu vé rồi sao bây giờ chú mới nói. Hôm nay bọn con lên lấy hồ sơ tốt nghiệp, hết học ở trường này rồi, có thể đây là lần cuối đi xe của chú”, nữ sinh nói với giọng tiếc nuối.
Để kỷ niệm ngày vị khách quen ra trường, anh Huy quyết định tặng H.T và bạn của cô những chiếc móc khóa hình thú nhỏ xinh.
H.T kể suốt 3 năm cấp ba, cô đã quen với tuyến buýt này, đặc biệt ấn tượng với tài xế Huy.
“Mình đi xe buýt nhiều, nhưng lên xe của chú Huy là vui nhất. Nhiều lần, mình được chú cho bánh kẹo, chia cả đồ ăn sáng. Chú nói chuyện cũng vui vẻ và hài hước. Ấn tượng nhất là trên xe của chú trưng nhiều lọ nước hoa, những món đồ chơi bắt mắt”, H.T nói với Zing.
Trước khi H.T xuống xe, vị tài xế còn hẹn nếu muốn lấy chiếc móc khóa đặc biệt hơn, lần sau cô phải rủ 10 người bạn nữa cùng đi đúng xe này, coi như là cơ hội để “quay về thăm trường và ủng hộ ngành xe buýt”.
Nói về thử thách “đổi vé lấy quà”, anh Xuân Huy cho biết nảy ra ý tưởng này với mục đích khuyến khích mọi người đi xe buýt nhiều hơn. Những món quà nhỏ vừa tạo động lực, vừa là cách gieo niềm vui cho những vị khách bước lên xe.
Giảm cân để bắt cướp
Anh Huy tâm sự khi mới làm tài xế, anh nặng tới 96 kg. Đặc thù công việc lái xe chỉ ngồi một chỗ càng khiến anh dễ phát tướng.
“Có lần, nhìn thấy kẻ móc túi chạy khỏi xe, tôi rượt theo nhưng không được vì thân hình quá nặng nề, bụng vướng vào vô lăng. Tức quá, tôi quyết tâm phải giảm cân để đuổi theo kẻ xấu. Một thời gian sau, tôi giảm được 14 kg, khiến đồng nghiệp rất kinh ngạc”, vị tài xế nhớ lại.
Anh Huy đã quyết tâm giảm cân để có thể đuổi kịp những kẻ móc túi trên xe. |
Để giảm cân, anh Huy chỉ ăn một bữa/ngày, mang theo dụng cụ thể dục lên xe để tập mỗi khi có thời gian nghỉ. Đến hiện tại, anh đã giảm được 25 kg, cơ thể gọn gàng và nhanh nhẹn hơn trước. Nhiều hành khách gặp lại sau thời gian giãn cách thậm chí không nhận ra anh.
Nói về những lần bắt kẻ móc túi, cướp giật trên xe buýt, anh Huy nói rằng bản thân không cố làm người hùng, chỉ đơn giản đó là trách nhiệm với những vị khách đi xe của mình.
“Tôi cũng sợ bị trả thù, và thực tế từng bị bọn móc túi lên xe dằn mặt, nhưng không thể làm ngơ trước cái xấu được, giống như bản năng trong mình vậy. Tôi cũng mất khá nhiều thời gian để quan sát, tìm hiểu cách bọn móc túi hành động, giờ chỉ nhìn qua là biết”, anh nói.
Tháng 7/2019, khi đang lái xe qua đoạn cầu Kênh Tẻ, anh Huy nhìn thấy một nhóm đang dàn cảnh cướp xe máy của người phụ nữ bên đường. Anh nhanh chóng đánh lái ép vào vỉa hè khiến bọn cướp ngã và bỏ chạy, giữ lại được tài sản cho nạn nhân.
“Tôi chưa từng gặp lại những nạn nhân mình giúp đỡ, cũng chẳng biết họ là ai. Tôi chỉ ra tay vì cái tâm mách bảo, chứ không nghĩ mình là hiệp sĩ, hay người hùng gì cả”, anh bày tỏ.
Anh Huy luôn giữ những món quà được hành khách yêu mến gửi tặng mình. |