Tốc độ nhanh bằng… người đi bộ
Chiếc xe đầu kéo MAN của công ty trách nhiệm hữu hạn DS là chiếc xe siêu trường, siêu trọng có số lượng bánh “khủng” vào hàng bậc nhất Việt Nam. Kiện hàng “khủng” nhất mà chiếc xe từng chở thuộc về tổ máy phát điện với trọng lượng 460 tấn nhưng chỉ dài…12 m.
Để chở chuyến hàng nói trên, chiếc xe được thiết kế riêng một bộ sàn san tải và dùng tới 7 modul nối liền. Tổng số bánh xe lúc chở kiện hàng đó lên đến 350 bánh, gấp 3 lần số bánh của một đoàn tàu thống nhất (bình quân 120 bánh/ đoàn tàu). Trên thực tế thì đầu kéo MAN có công suất thực lên đến 480 tấn, tức là có thể kéo tới 8 modul đầy tải, với tổng số 498 bánh.
Số lượng bánh của siêu xe nhiều hơn bánh của một đoàn tàu. |
Chiếc xe này không giống như đoàn tàu hỏa là phải có đường riêng để vận hành mà nó được thiết kế phù hợp với hầu hết cấp đường giao thông hiện hành, nơi có nền đất yếu thậm chí băng qua được cả những cây cầu ngắn tải trọng dưới 20 tấn.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh, người được giao trọng trách chỉ huy trưởng các tổ lái cho biết: “Ngoài tôi là người lái đầu kéo, mỗi modul còn phải có một tổ lái gồm ít nhất hai người, làm nhiệm vụ điều hướng cho modul. Mỗi lúc xe vào cua, thông qua hệ thống chỉ huy, tổ trưởng sẽ phát tín hiệu cho các tổ lái trên modul điều hướng modul dịch chuyển từ từ theo quỹ đạo, đảm bảo việc dịch chuyển modul không làm ảnh hưởng đến kiện hàng”.
Điều khiến các tài xế như anh Vĩnh thấy khó chịu nhất khi điều khiển chiếc xe siêu bánh này chính là tốc độ. “Khi hoạt động không tải đầu kéo có thể dễ dàng di chuyển với tốc độ 60-80 km/h, nhưng khi gắn thêm modul chịu tải, tốc độ cao nhất của đầu kéo cũng chỉ bằng vận tốc người đi bộ, tức là 5-6km/h. Trên thực tế, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để điều khiển nó suốt một quãng đường dài”, anh Vĩnh nói.
Mỗi lần ra đường, xin ba giấy phép
Ông Võ Dân Sanh - Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn DS cho biết, mỗi lần xe ra đường phải xin tới ba loại giấy phép, gồm: Giấy phép lưu hành xe xe quá tải, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ do Tổng Cục đường bộ Việt Nam cấp, giấy phép lưu hành đường bộ do Sở Giao thông Vận tải địa phương cấp, giấy phép vận chuyển hàng hóa đặc biệt ra vào cảng, bến bãi.
Bên cạnh thủ tục, đơn vị vận chuyển còn phải tổ chức thẩm định toàn bộ lộ trình phương tiện sẽ đi qua để tính toán số modul phù hợp nhằm đảm bảo tải trọng cho phép, đảm bảo an toàn cho kiện hàng trong quá trình vận chuyển. Tính chung thời gian để làm thủ tục cấp phép và thẩm định lộ trình có khi lên đến cả tháng. Thậm chí, có trường hợp đơn vị vận chuyển còn phải bỏ kinh phí gia cố cầu đường, xây dựng bến, bãi riêng phục vụ việc bốc xếp hàng hóa với chi phí lên đến con số tiền tỷ.