Tại phiên xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ diễn ra sáng 15/12, chủ tọa Trần Thị Hương Giang nhiều lần chất vấn bị cáo Phong về việc sử dụng bằng lái giả khi gây tai nạn.
Đứng ở bục khai báo, Phong khai chiếc Mercedes được bị cáo thuê của Công ty TNHH K.G. (do ông H.C.T. làm giám đốc).
Trước khi bị bắt, Phong đã nhiều lần dùng bằng lái xe và chứng minh nhân dân giả mang tên Hà Tấn Sang để thuê xe của công ty này.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nói về việc làm bằng giả, Phong khai từng quen một người tên Hà Tấn Sang. Sau khi chụp ảnh bằng lái và chứng minh nhân dân của người này, bị cáo gửi hình cho một nơi chuyên làm bằng lái giả để làm theo mẫu này.
Trước lái xe tông chết người, Phong đã thi lý thuyết lái xe tại một cơ sở ở quận 12. Tuy nhiên, anh ta vẫn chưa có bằng lái.
Sau khi tai nạn xảy ra, Phong nhờ người quen đến gặp Hà Tấn Sang. Bị cáo nhắn với Sang rằng nếu bị cơ quan điều tra hỏi thì trả lời rằng hai người không quen biết nhau. Còn bị cáo sẽ ra đầu thú.
Được triệu tập đến tòa, Hà Tấn Sang khai rằng anh ta không biết việc Phong làm giả bằng lái và chứng minh nhân dân có tên mình.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ Mercedes tông chết người. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo cáo trạng, rạng sáng 30/1, Phong lái chiếc Mercedes nhưng không làm chủ tốc độ và lao ôtô sang làn đường ngược chiều, tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike).
Lúc này, ông Thường đang chở nữ tiếp viên hành không Nguyễn Thị Bích Hường chạy theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Phong rời đi rồi đến cơ quan công an đầu thú vào ngày 1/2. Cơ quan điều tra xác định Phong không có giấy phép lái xe, lưu thông tốc độ 84 km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50 km/h).
Tại phiên tòa, VKSND quận Phú Nhuận nhận định vụ tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo Phong.