10h30 sáng, ông Thiện (56 tuổi, huyện Bình Chánh) vừa hoàn thành cuốc xe đưa khách đến tòa nhà văn phòng ở nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Du. Bắt đầu làm việc từ 8h, ông chỉ chạy được 2 chuyến xe, ít hơn hẳn những tuần trước.
“Gần đây tôi không thể chạy nhanh, kẹt xe ở nhiều tuyến đường làm thời gian chở khách dài gấp đôi, gấp ba. Chắc năm nay tôi nghỉ Tết sớm”, ông chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Không chỉ ông Thiện, nhiều tài xế xe ôm công nghệ ở TP.HCM cho biết số chuyến xe và thu nhập của họ giảm từ 30-50% trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Chạy xe 30 phút, tiền công 13.000 đồng
Trước đây, trung bình ông Thiện chạy được 12-15 chuyến xe/ngày và mỗi ngày ít nhất là 5 chuyến. Song, trong dịp cận Tết, kẹt xe ở nhiều tuyến đường làm số chuyến ông nhận được giảm đáng kể.
“Có những ngày tôi chỉ chạy được 2 chuyến xe rồi ‘tịt’ luôn. Một là thời gian chở khách kéo dài, hai là khách hủy chuyến quá nhiều”, ông cho hay.
Ông Thiện thường xuyên bị hủy chuyến vì đi phải tuyến đường kẹt xe. Không dám quẹo phải mỗi khi đèn đỏ, ôtô lại lấn hết phần đường xe máy, ông có khi mất đến 30 phút để đi từ vị trí hiện tại đến nơi khách đặt xe. Kết quả, tài xế 56 tuổi vừa mất khách, vừa bị giảm tỷ lệ chuyến xe thành công trên ứng dụng, không được ưu tiên nhận khách.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ bị giảm thu nhập 30-50% do ảnh hưởng của kẹt xe. |
Chạy từ 5h, đến 10h30, ông Gia Hùng (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) quyết định tắt app để về nghỉ. Sau 5 tiếng, ông chạy được hơn 10 chuyến xe nhưng "chuyến nào cũng như đưa đò, chỉ tầm mười mấy nghìn đồng mà chạy rất lâu vì kẹt xe". Thu nhập của ông Hùng giảm khoảng 30% so với tháng trước.
“Có khi tôi phải đợi đến 3 nhịp đèn tín hiệu mới đi tiếp được. Ở những tuyến đường như Đinh Tiên Hoàng thì mất đến 4 nhịp đèn. Khách đợi quá lâu cứ hủy chuyến làm tôi mất tỷ lệ trên ứng dụng liên tục”, ông tâm sự.
Kẹt xe không những kéo dài thời gian di chuyển mà còn buộc các tài xế như anh Nguyên (quận Bình Thạnh) phải làm việc nhiều hơn trước đây. Ứng dụng đặt xe anh đang hợp tác yêu cầu tài xế phải đạt doanh số 250.000 đồng/ngày, nếu không thu nhập sẽ giảm sút.
“Có lần tôi nhận chuyến xe chỉ 2-3 km, đi từ đầu Đinh Tiên Hoàng đến Võ Thị Sáu nhưng mất đến 30 phút chạy. Tiền công chuyến xe đó chỉ 13.000 đồng. Giờ chỉ biết cố gắng mà chạy đến khi đủ doanh số, áp lực rất lớn”, anh nói rồi vội nhận đơn hàng đi phường Bến Nghé (quận 1).
Anh Nguyên cho biết doanh số mỗi ngày 250.000 đồng khiến tài xế như anh áp lực rất lớn. |
Về ăn Tết sớm
Các tài xế chia sẻ với Tri Thức - Znews cho biết bản thân dự định nghỉ ngơi sớm hơn mọi năm chỉ chạy đến 24, 25 Âm lịch thay vì chạy đến ngày 27, 28 như năm 2024.
Sớm hơn hết, tài xế tên Ngọc (quận 8) quyết định về quê ăn Tết trong ngày 22 sắp tới. Thu nhập trong những ngày này của anh giảm gần 50% vì “không thể chở khách đi nhanh mà còn bị hủy chuyến liên tục”.
“Thu nhập giảm đáng kể dịp cuối năm và mức phạt vi phạm an toàn giao thông gây áp lực cho tôi những ngày gần đây. Đợi đèn đỏ mà nghe ai bóp kèn hay gặp xe cứu thương thì bắt buộc phải nhích lên để nhường đường, lòng cứ thấp thỏm không biết có vi phạm hay không. Thôi cứ về ăn Tết sớm cho lành”, anh bày tỏ.
Trong buổi họp về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM, công tác phục vụ Tết Nguyên đán ở các “điểm nóng” giao thông ngày 13/1, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM (GTVT), xác nhận lưu lượng xe trên các tuyến đường tại thành phố gần đây cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2024.
Theo đó, mật độ xe tăng cao ở khu trung tâm thành phố, quanh Tân Sơn Nhất, quận Bình Thạnh… dẫn đến ùn tắc, người dân di chuyển khó khăn. Dữ liệu từ trung tâm điều khiển cho thấy lượng xe ở tuyến đường trung tâm thành phố tăng khoảng 17%.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM xác nhận lưu lượng xe trên các tuyến đường tại TP.HCM gần đây cao hơn 17% so với cùng kỳ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Về nguyên nhân, ông Hòa An nhận định do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp cận Tết Nguyên đán 2025. Nhiều tuyến đường gần đây cũng bị hạn chế lưu thông do thành phố tổ chức các lễ hội, sự kiện cuối năm.
Nghị định 168 vừa có hiệu lực cũng làm người dân bỏ “thói quen” rẽ phải khi đèn đỏ, tuân thủ giao thông nhiều hơn khi không leo lề đường mỗi khi kẹt xe. Nhiều tài xế áp lực, sợ bị xử phạt nên không dám đi tiếp dù vẫn còn 5 giây đèn xanh, đặc biệt là người điều khiển ôtô.
Sở GTVT đang phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông theo từng thời điểm trong ngày. Đơn vị cũng lắp đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số giao lộ đủ điều kiện.
Sắp tới, chính quyền TP.HCM sẽ triển khai đồng loạt giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực trung tâm thành phố, quanh sân bay, bến xe… Khi ùn ứ phát sinh, các cơ quan chức năng cũng sẽ nhanh chóng xử lý để không xảy ra kẹt xe nghiêm trọng.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.