Thanh Hóa: Tâm bão giật cấp 11
Khoảng 20h ngày 7/8, tâm bão số 6 chính thức đổ bộ vào Thanh Hóa, hàng loạt cây xanh đổ gẫy, nhiều nhà cửa bị tốc mái, thiệt hại hàng trăm ha bãi ngao của người dân các vùng ven biển.
Ở các vùng ven biển như Hậu Lộc, Hoàng Hóa, Quảng Xương… bão giật lên cấp 9 cấp 10. Tuy chưa có thiệt hại về người, song nước biển tạt qua đê vào khu vực nhà dân ở Hậu Lộc. Một số nhà ven biển bị tốc mái.
Tại con đường huyết mạch ở huyện Hậu Lộc, gió bão đã làm cây cối đổ gẫy, chắn ngang đường khiến giao thông ùn tắc. Lúc 23h30, sức gió giật đã lên tới cấp 11.
Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, sau khi nhận được tin báo, chính quyền huyện Hậu Lộc đã huy động lực lượng phòng chống lụt bão đến hiện trường cưa, chặt cây bị gẫy để lưu thông tuyến đường.
Cứu hộ tàu cá gặp nạn trên biển
Tối 7/8, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ Nghệ An, Hà Tĩnh lai dắt 1 tàu cá cùng 12 ngư dân bị nạn ở vùng biển cách cảng Cửa Lò (Nghệ An) chừng 20 hải lý.
Thông tin từ Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, lực lượng chức năng cứu hộ 1 tàu cá của ngư dân địa phương, bị chết máy trên đường đi trú bão.
Khoảng 13h30 ngày 7/8, chiếc tàu cá mang số hiệu NA-93044 TS, công suất 280CV chở 12 ngư dân đang trên đường vào bờ trú bão số 6 thì bị chết máy, cách bờ biển Cửa Lò khoảng gần 20 hải lý.
Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An tức tốc điều động 1 tàu cứu hộ thuộc hải đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh) với 7 cán bộ tham gia ứng cứu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của gió bão, sóng biển lại quá lớn nên lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận con tàu bị nạn.
Trước tình hình đó, Bộ đội biên phòng Nghệ An báo cáo lên Bộ tư lệnh Hải quân đề nghị ứng cứu. Ngay sau đó, Bộ tư lệnh Hải quân đã điều thêm tàu cứu hộ số hiệu BP34-1901 thuộc bộ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tham gia cứu nạn.
Được biết, tàu cá gặp nạn do ông Trương Văn Thức (trú xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) làm chủ tàu, cùng các ngư dân đang đánh cá ngoài vùng lộng thì nhận được thông tin về cơn bão số 6. Trong lúc chạy đi tránh bão thì gặp phải sự cố.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, lực lượng cứu hộ vừa tiếp cận được con tàu gặp nạn, và đang khẩn trương lai dắt vào bờ. “Cả 12 ngư dân trên tàu đều an toàn. Hiện thông tin báo về cho biết trên biển có mưa lớn, sóng to và gió mạnh.
Thanh Hoá: Sà lan đứt neo, 3 người trôi dạt trên biển
Do mưa to, gió giật mạnh, một chiếc sà lan của đơn vị thi công các công trình biển đang neo đậu tại khu vực cảng nước sâu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia bị đứt neo trôi dạt trên biển. Được biết, trên sà lan lúc đó có 3 người.
Bờ biển Tĩnh Gia trước bão số 6.
Theo thông tin từ UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, vào khoảng 15h ngày 7/8, một chiếc sà lan có 3 người bị đứt neo trôi dạt trên biển. Sau khi nhận được tin báo, các ngành chức năng đang tích cực công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng 21h ngày 7/8, bộ đội Biên phòng Thanh Hoá và các lực lượng chức năng vẫn đang liên lạc bằng điện thoại với những người trên sà lan.
Theo thông tin ban đầu thì chiếc sà lan nói trên đang trôi về phía vùng biển Nghệ An. Hiện Trung tâm tìm kiếm cứu nạn đang xác định vị trí và tiếp tục tìm kiếm những người trên.
Bão đổ bộ, mưa lớn hoành hành
Khoảng 16h, tâm bão đã đổ bộ vào vùng biển các tỉnh Nam Định - Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn, gió giật mạnh đã bắt đầu hoành hành ở các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Ở các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 40 – 60mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Hà Tĩnh 85mm; Kỳ Hợp (Hà Tĩnh) 188mm, Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 205mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 104mm.
Tại Hà Nội, mưa bắt đầu từ khoảng 15-17h và nhanh chóng lan rộng.
Tại Nam Định, tính đến 14h ngày 7/8, tất cả 2.089 phương tiện khai thác hải sản trên biển với 11.196 ngư dân đã về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn yêu cầu thực hiện đầy đủ phương châm 4 tại chỗ để chống bão hiệu quả.
Hàng loạt các cửa quán đã đóng kín, mưa lớn bắt đầu ở Thanh Hóa. |
Đến 4h ngày 8/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa – Hòa Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/h), giật cấp 7.
Bão số 6 đã đổ vào vùng biển các tỉnh Nam Định – Thanh Hóa và tiếp tục đi sâu vào đất liền, gây mưa lớn (Ảnh: NCHMF) |
Do ảnh hưởng của mưa bão số 6, từ chiều tối và đêm 7/8, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn dưới mức báo động 1; các sông ở Thanh Hóa có khả năng lên báo động 1, báo động 2, riêng sông Bưởi và một số sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3.
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng cục bộ ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Các sông thuộc miền Bắc cũng được cảnh báo sẽ có lũ. Từ đêm 7 đến ngày 8/8, trên lưu vực sông Bôi và sông Hoàng Long sẽ có một đợt mưa to đến rất to.