Hôm 25/2, Đại học Fulbright Việt Nam công bố các thành viên ban đầu của Hội đồng Sáng lập Trường. Khoản hiến tặng trị giá 40 triệu USD từ tám thành viên và gia đình của họ sẽ hỗ trợ giai đoạn 1 trong dự án xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Các thành viên Hội đồng Sáng lập đã hiến tặng tổng cộng 40 triệu USD cho Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tám thành viên đầu tiên của Hội đồng Sáng lập bao gồm:
- Ông Nguyễn Bảo Hoàng và bà Nguyễn Thanh Phượng, Công ty Phoenix Holdings.
- Ông Lê Văn Kiểm và gia đình, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Long Thành.
- Bà Lê Nữ Thuỳ Dương và gia đình, Phó chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành.
- Ông Trần Trọng Kiên và gia đình, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Thiên Minh (TMG).
- Ông Đỗ Viết Cường và gia đình, cựu Giám đốc chiến lược toàn cầu, Tập đoàn Samsung.
- Ông Lê Hồng Minh và gia đình, sáng lập và Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG.
- Ông Vương Quang Khải và gia đình, đồng sáng lập Công ty cổ phần VNG, Chủ tịch Zalo.
- Ông Lương Tuấn Nghĩa và gia đình, Tổng giám đốc Evergreen Invest.
"Với tư cách người thụ hưởng món quà hào phóng đó, Fulbright có trách nhiệm tiếp tục kiến tạo ảnh hưởng tích cực không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế", bà Đàm Bích Thủy nói.
Khoản hiến tặng được công bố cùng với chuyến thăm nhà trường của ông John Kerry, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về khí hậu. Ông là người đóng vai trò then chốt trong việc thành lập trường.
Tại cuộc gặp ngày 25/2, ông John Kerry khen ngợi Đại học Fulbright Việt Nam cam kết trở thành đại học thân thiện với môi trường từ khi mới thành lập.
Nhằm phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Đại học Fulbright Việt Nam, ông John Kerry tuyên bố Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ trao tặng 16,5 triệu USD cho 3 năm hoạt động sắp tới. Ngoài ra, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (U.S. International Development Finance Corporation, DFC) hỗ trợ Đại học Fulbright Việt Nam khoản vay trực tiếp trong thời hạn 20 năm lên đến 37 triệu USD.
“Tôi biết rằng Tổng thống Joe Biden rất hào hứng về ý nghĩa ngôi trường này hôm nay và tương lai. Đây là nỗ lực chung đánh dấu sự hợp tác giữa hai nước”, ông Kerry nói.
Tương lai năng lượng xanh ở Việt Nam
Trong bài chia sẻ tại Đại học Fulbright Việt Nam hôm 25/2, ông John Kerry nhấn mạnh Việt Nam cần thúc đẩy quá trình dịch chuyển thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Ông Kerry lạc quan về điều này bởi Việt Nam dồi dào các tài nguyên khác để giải quyết vấn đề năng lượng, với những nguồn thay thế như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí đốt.
Ông John Kerry mong đợi sự hợp tác đa phương nhằm xây dựng năng lượng thân thiện với môi trường. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông John Kerry khuyến nghị nhà chức trách tăng cường kêu gọi đầu tư từ nước ngoài trong nỗ lực giảm thiểu khí thải và tạo ra công ăn việc làm.
Ông khẳng định Việt Nam có quyết tâm và cần tiếp tục kêu gọi hợp tác đa phương, phát triển công nghệ.
Về công nghệ, ông nói đây là lĩnh vực có tiềm năng và tạo ra doanh thu lớn. Ông lấy ví dụ điển hình của hãng Tesla đã đẩy mạnh phát triển xe hơi điện và đầu tư xây dựng hàng trăm nghìn trạm sạc khắp nước Mỹ.
Chính phủ Mỹ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng cách giảm thuế. Điều này cũng góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân và thu về nguồn lợi nhuận lớn.
“Việt Nam cần tiếp tục duy trì những nỗ lực xây dựng các thiết bị công nghệ nhằm khai thác các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và chất lượng sống của người dân”, ông Kerry nói.
Việt Nam có thể đi đầu về giảm phát thải
Ông John Kerry ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và giải quyết các vấn đề môi trường. Trong phiên hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết đạt mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tuy nhiên, để thực hiện hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều nỗ lực trong giai đoạn 2020-2030, ông Kerry nói.
“Không nước nào có thể tự giải quyết vấn đề này, chúng ta phải có tất cả quốc gia cùng chung tay. Tôi tin rằng Việt Nam thậm chí có thể là một trong những nước đi đầu”, ông John Kerry nói.
Ông John Kerry đánh giá cao cam kết và lòng quyết tâm về giảm phát thải, chuyển dịch sang năng lượng xanh của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2050 thì cần nỗ lực hành động trong giai đoạn 2020-2030. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Kerry đánh giá cao những thành tựu xây dựng năng lượng xanh như năng lượng gió và năng lượng mặt trời của tỉnh Ninh Thuận trong những năm gần đây. Ông tin tưởng rằng đó là tín hiệu tích cực để chứng minh rằng Việt Nam sẽ duy trì và phát huy các tiềm năng giảm thiểu các vấn nạn môi trường.
Đặc phái viên của tổng thống Mỹ nói chuyến thăm lần này là một nỗ lực giúp Việt Nam thực hiện hóa kế hoạch đề ra. Ông cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tạo ra công ăn việc làm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
“Mỗi năm, khoảng 10 triệu người trên thế giới lại chết vì ô nhiễm không khí. Đây là một thực tế không bao giờ được phép chấp nhận”, ông Kerry cho biết.
Hỗ trợ giải quyết vấn đề trên sông Mekong
Tại phiên họp báo cùng ngày, ông John Kerry báo động tình trạng nước biển dâng làm tăng độ mặn và việc xây đập thủy điện thượng nguồn trên sông Mekong ảnh hưởng đến vựa lúa của 20 triệu người dân sống tại vùng ven. Đây là những mối đe dọa khẩn cấp.
“Chúng ta cần thấy sự cấp thiết của việc giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và xem xét kỹ lưỡng vị trí đặt các trạm điện để tránh làm mất cân bằng với hệ sinh thái”, ông Kerry nói với Zing.
Ông Kerry cũng nhấn mạnh vai trò của “Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong” (Lower Mekong Initiative) mà ông là người khởi xướng khi là ngoại trưởng Mỹ.
Sáng kiến này đã hỗ trợ người nông dân chịu ảnh hưởng trong khu vực. Điển hình, chính phủ Mỹ đã nỗ lực phối hợp và giúp người dân nuôi tôm sạch và bền vững. Ông khẳng định rằng Mỹ đang làm việc với các quốc gia khác trong khu vực để bàn về vấn đề của đập thủy điện.
“Chúng tôi đang tham gia vào giải quyết vấn đề trên dòng sông Mekong và sẽ tiếp tục tham gia”, ông John Kerry khẳng định.