Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạm đình chỉ vụ án với ông Trần Xuân Giá

Trong phiên xử bầu Kiên, HĐXX nhận định Trần Xuân Giá đang mắc bệnh hiểm nghèo, không thể có mặt tại phiên xử nên quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông này.

11h20: Tòa tạm nghỉ và làm việc trở lại lúc 14h.

11h: HĐXX quay lại làm việc. Về sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, HĐXX nhận thấy ông Trần Xuân Giá đang bị bệnh hiểm nghèo nên quyết định đình chỉ vụ án với ông Giá. Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết khi lý do đình chỉ không còn. Ngoài ra, HĐXX chấp thuận một số đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, như việc cho phép tiếp cận các văn bản pháp luật do luật sư cung cấp.

10h30: Chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ tòa để vào trong hội ý.

10h12: Trong số những đương sự được mời đến dự, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cho mời thêm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, UBCK Nhà nước. Đồng thời, thông qua luật sư, bị cáo này yêu cầu bổ sung thêm 2 người đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam.

"Qua ý kiến các luật sư, tôi cũng đề nghị HĐXX bổ sung vào trong hồ sơ 2 đơn của tôi gửi cơ quan điều tra đó là vào ngày 20/9/2012, khi tôi bị tống đạt tội lừa đảo và đơn đề nghị thay đổi điều tra viên. Hai hồ sơ này hiện không có trong trích lục hồ sơ vụ án", bị cáo Kiên nói. 

"Tôi là công dân đã kinh doanh 30 năm nay, trong quá trình đó tôi khẳng định không vi phạm pháp luật, nên mong muốn tòa tạo điều kiện cho tôi trình bày toàn diện các vấn đề. Thứ nhất cho tôi được nhận các văn bản của luật sư. Hai năm nay tôi không nhận được bất kỳ văn bản này. Đây là quyền tối thiểu của công dân trước tòa, hết phiên xét xử tôi sẽ trả lại. Thứ hai, tôi chịu toàn bộ trách nhiệm trước những việc đã làm, không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm do đó đề nghị tòa xác định từng hành vi tôi bị quy kết căn cứ vào điều nào của pháp luật", bị cáo Kiên nói và đề nghị HĐXX cho gặp gia đình trong quá trình xét xử bởi 8 tháng nay ông chưa được gặp người thân.

Đối với vấn đề của ông Trần Xuân Giá, bị cáo với mái tóc bạc trắng nói, việc ông Giá có mặt tại tòa là tốt nhất. "Trước mắt, tòa có thể chờ 10 ngày nữa khi ông Giá có sức khỏe tốt hơn để đến tham dự phiên tòa", Nguyễn Đức Kiên nói.

Bị cáo Kiên đề nghị HĐXX cho mời bà Phạm Chi Lan người tham gia soạn thảo Luật doanh nghiệp với tư cách nhân chứng.

9h40: Sau một tiếng kiểm tra căn cước những người được triệu tập, HĐXX công bố một số tài liệu về ông Trần Xuân giá. Một ngày trước phiên xử, tòa nhận được bệnh án của ông Giá từ bệnh viện Hữu Nghị Xô trong đó ghi rõ bệnh nhân huyết áp ổn định, phì đại tiền liệt tuyến, xuất nhiễm khuẩn.

Ông Giá viết hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo, chưa đi lại được, hay bị choáng, sức khỏe đang có những diễn biến xấu, bệnh viện đang phác đồ điều trị mới, có thể nhiều diễn biến không lường trước. "Trong trường hợp tham dự phiên tòa, tôi đề nghị có bác sĩ riêng và người thân. Hoặc tôi chỉ tham gia phần cố ý làm trái những ngày cuối phiên tòa để tôi có đủ sức khỏe. Trường hợp không thể tham dự, tôi đề nghị tòa tạm đình chỉ vụ án đối với tôi", đơn ông Giá viết.

Trước vấn đế này, VKS nêu quan điểm: Trong tội danh này, ngoài bị cáo Trần Xuân Giá còn 6 bị cáo bị truy tố. Việc bị cáo Giá không có mặt tại tòa không ảnh hưởng đến việc xem xét, đánh giá diễn biến vụ án. Theo Điều 187, đề nghị HĐXX xem xét ra quyết định tạm đình chỉ đối với bị cáo Trần Xuân giá.

Luật sư Lưu Tiến Dũng, bảo vệ cho bị cáo Trần Xuân Giá cho rằng theo Điều 187, bị cáo vắng mặt có ý do chính đáng. Sức khỏe thân chủ ông đang yếu hơn rất nhiều so với trước. Vị luật sư này đề nghị HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏe mạnh.

8h36: HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo. Trong số 9 người bị truy tố đưa ra xét xử, Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB) vắng mặt.

Có 21 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.

Hơn chục phút trước giờ xử, vợ bầu Kiên xuất hiện trước cổng tòa.
Hơn chục phút trước giờ xử, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) xuất hiện trước cổng tòa để làm thủ tục vào bên trong. Ảnh: Tuấn Mark.

6 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự gồm Ngân hàng ACB, Vietinbank, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh siêu thị Châu Á, Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư Liên Á Châu.

82 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập tới phiên tòa trong đó có "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như. Hàng loạt các ngân hàng đã triệu tập tới phiên tòa gồm Ngân hàng Phương Nam, Techcombank, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Eximbank, HBBank, Ngân hàng Viet Nam Thương tín, KienLong Bank... Ngoài ra, có 3 nguyên đơn dân sự.

Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại phiên xử.

8h30: Phiên tòa bắt đầu làm việc. Huỳnh Thị Huyền Như (cựu cán bộ Vietinbank, vừa lĩnh án chung thân) xuất hiện tại phiên xử bầu Kiên với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Theo cáo trạng, từ việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm dẫn đến bị Như chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng.

8h20: Nguyễn Đức Kiên được đưa vào phòng xử trong bộ trang phục áo sơ mi trắng, quần âu, đi dép quai hậu đen. Bị cáo 50 tuổi nổi bật giữa hàng ghế các bị cáo mặc áo công nhân xanh.

Sáng 20/5, sau hơn một tháng hoãn, TAND Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) và đồng phạm.

Bầu Kiên: Từ siêu xe Phantom Rồng đến đôi dép tổ ong

Nhìn bầu Kiên trước vành móng ngựa, người nhỏ thó gày gò đi đôi dép tổ ong rẻ tiền, ít ai ngờ người này từng sở hữu một trong những siêu xe Bentley đầu tiên tại Hà Nội.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên hầu tòa với 4 tội danh là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép.

Những bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo của ngân hàng ACB bị truy tố các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và Lừa đảo chiếm đoat tài sản.

Người giữ quyền điều hành tại phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND Hà Nội. Dự kiến, phiên xử kéo dài đến ngày 6/6.

6h30 ngày 20/5, xe áp tải chở các bị cáo đến tòa. Ảnh: Tuấn Mark.
6h30 ngày 20/5, xe áp tải chở các bị cáo đến tòa. Ảnh: Tuấn Mark.
Trước đó, phiên tòa mở vào ngày 16/4 đã phải tạm hoãn vì vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB) do sức khỏe yếu. Theo đó, bị cáo 75 tuổi ở Thừa Thiên - Huế bị phì đại tiền liệt tuyến chờ mổ, có giấy xác nhận của bệnh viện Việt Xô. 

Trao đổi với phóng viên trước phiên xử, một luật sư của Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, nếu HĐXX xét thấy không có căn cứ xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá thì ra quyết định trả hồ sơ cho VKS, Cơ quan điều tra để ra quyết định tách vụ án hình sự đối với bị can này để khi nào đủ điều kiện thì phục hồi đưa ra xét xử sau theo qui định của pháp luật.

Vị luật sư này nói, trong thực tế xét xử, trường hợp bị cáo Giá vắng mặt vì lý do bệnh hiểm nghèo (không đủ năng lực hành vi) để tham gia xét xử, cũng giống như trường hợp vụ án có nhiều bị cáo nhưng đến khi xét xử sơ thẩm thì bỏ trốn. Trong trường hợp này, tòa sẽ trả hồ sơ cho VKS, cơ quan điều tra để ra quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ bị can để khi nào bắt được sẽ xét xử sau.

1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép.

2. Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Phạm Trung Cang, (60 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch ACB) tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Lý Xuân Hải (49 tuổi), bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB) bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

8. Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

9. Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm