Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tầm nhìn của Indonesia khi 'dời đô' khỏi Jakarta

Thủ đô mới Nusantara thể hiện kỳ vọng của người Indonesia về biểu tượng mới cho đất nước, thay thế một Jakarta đông đúc, chật chội với nhiều vấn đề của một đại đô thị 30 triệu dân.

Ngày 17/1, Chính phủ Indonesia cho biết thủ đô mới của nước này sẽ có tên “Nusantara”, “quần đảo” trong tiếng Indonesia. Theo Bộ trưởng Quy hoạch Suharso Monoarfa, đây là cái tên được lựa chọn từ khoảng 80 đề xuất.

Đối với người Indonesia, “Nusantara” không chỉ có nghĩa là quần đảo. Đây còn là khái niệm mang tính biểu tượng chỉ vùng lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này, thể hiện khát vọng thống nhất và độc lập của đất nước trong thời kỳ bị xâm lược.

Việc lựa chọn tên gọi cho thấy kỳ vọng của chính phủ Indonesia vào việc xây dựng một biểu tượng mới của đất nước. “Một thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc quốc gia, mà còn đại diện cho sự tiến bộ của dân tộc”, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nói trong bài phát biểu công bố dự án năm 2019.

Tình trạng ngập lụt, dân số khổng lồ và yếu tố chính trị thúc đẩy người Indonesia chuyển thủ đô từ Jakarta tới địa điểm mới giữa rừng rậm trên đảo Borneo. Dù được đề xuất từ lâu, Tổng thống Jokowi là người đầu tiên đủ quyết tâm và sự ủng hộ chính trị để thực hiện kế hoạch này.

Quyết định dời đô

Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Nếu tính toàn bộ vùng đô thị, dân số thành phố lên tới hơn 30 triệu người, nhiều hơn Lào, Campuchia và Singapore cộng lại.

Người dân Jakarta đã quá quen với các vấn đề của một đại đô thị - từ ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, thiếu nước sạch tới xử lý chất thải. Các công trình công cộng để phục vụ cuộc sống người dân cũng thiếu hụt, đặc biệt là công viên hay địa điểm văn hóa.

indonesia doi do anh 1

Một khu nhà tạm bên bờ sông Ciliwung, Jakarta. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh đó, Jakarta còn phải đối mặt với nguy cơ khác: sụt lún. Tốc độ sụt lún của Jakarta thuộc tốp đầu trong số các đại đô thị trên thế giới. Một số ước tính cho thấy khoảng 40% thành phố đã thấp hơn mực nước biển, theo New York Times.

Cứ vài năm một lần kể từ những năm 1990, thành phố phải hứng chịu một trận lụt lớn. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, việc chuyển đổi sử dụng đất và tăng dân số khiến tình hình càng thêm trầm trọng.

Ngoài ra, việc chuyển thủ đô khỏi đảo Java có thể còn có mục tiêu chính trị. Đảo Java là nơi đa số người Indonesia sinh sống, và là trung tâm chính trị, kinh tế lẫn xã hội của đất nước. “Dời đô” vừa giảm áp lực lên hòn đảo này, vừa giảm sự phụ thuộc của đất nước vào một khu vực chỉ chiếm 7% diện tích đất nước.

Ông Jokowi miêu tả kế hoạch “dời đô” như nỗ lực “giúp đất nước của chúng ta giống như nước Mỹ” - ám chỉ quan hệ giữa thủ đô mới và Jakarta sẽ giống như giữa Washington D.C. và New York, khi một nơi là trung tâm kinh tế, một nơi là trung tâm chính trị.

“Đảo Java từ lâu đã phải chịu quá nhiều gánh nặng vì đây là nơi sinh sống của gần 60% dân số Indonesia, cũng như là trung tâm của nền kinh tế đất nước, đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia”, nhà nghiên cứu Deasy Simandjuntak tại trung tâm nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore, nói với Al Jazeera.

“Việc dời thủ đô tới Kalimantan (tên tiếng Indonesia của đảo Borneo - PV) hướng đến mở rộng hoạt động kinh tế ra bên ngoài đảo Java, cũng như đảm bảo phát triển kinh tế công bằng hơn, đặc biệt ở miền Đông Indonesia”, ông Simandjuntak nhận định.

indonesia doi do anh 2

Sau hàng chục năm đô thị hóa nhanh chóng, Jakarta đã trở nên quá đông đúc. Ảnh: New York Times.


"Jakarta vẫn cần sửa chữa"

Ông Jokowi không phải tổng thống Indonesia đầu tiên có ý định ‘dời đô’. Trên thực tế, ý tưởng này đã xuất hiện từ những năm 1950, dưới thời Tổng thống Sukarno, ngay sau khi quốc gia này giành lại độc lập từ tay thực dân Hà Lan.

Tướng Soeharto, người kế nhiệm ông Sukarno, cũng như Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, người tiền nhiệm của ông Jokowi, đều từng xúc tiến các cuộc thảo luận về ý tưởng này. Nhưng cả hai đều từ bỏ do thách thức dường như không thể vượt qua về mặt hậu cần.

Theo bản kế hoạch trị giá tới 32 tỷ USD của ông Jokowi, chính phủ Indonesia sẽ chuyển các cơ quan hành chính, an ninh lẫn quân sự tới Nusantara khi thành phố này thành hình. Một phần năm số tiền trên sẽ được ngân sách trung ương chi trả, trong khi phần còn lại đến từ các doanh nghiệp quốc doanh và định chế tài chính tư nhân.

Indonesia có thể học hỏi từ nhiều mô hình từng được thực hiện trên thế giới trong việc xây dựng thủ đô. Thủ đô Brasilia của Brazil chỉ được khánh thành năm 1960. Trước đó, chính phủ Brazil đặt ở thành phố Rio de Janeiro. Thủ đô Canberra của Australia cũng vốn là sản phẩm của một cuộc thi thiết kế.

Tại Đông Nam Á, Myanmar cũng chuyển thủ đô từ Yangon tới Naypyidaw năm 2005.

Chính phủ Indonesia cũng cho biết vị trí của Nusantara - gần thành phố Balikpapan của tỉnh Đông Kalimantan - sẽ giúp thủ đô mới tránh các thảm họa tự nhiên như động đất, lũ lụt và sóng thần.

Điều này bị một số chuyên gia nghi ngờ. “Chính phủ thường vội vàng di dời dân cư với kỳ vọng thiệt hại do thiên tai sẽ giảm chỉ bằng việc giảm tiếp xúc với các mối nguy hiểm”, ông Aaron Opdyke, kỹ sư tại Đại học Sydney, chỉ ra.

indonesia doi do anh 3

Jakarta thường xuyên phải đối mặt với ngập lụt. Ảnh: Reuters.

“Tuy vậy, sự dễ tổn thương gây ra bởi cơ sở hạ tầng, kinh tế và hệ thống xã hội còn có vai trò lớn hơn nhiều trong gây ra thảm họa. Các nhân tố này khó có thể giải quyết chỉ bằng bắt đầu lại từ đầu”, ông Opdyke nói.

Bên cạnh đó, phe chỉ trích còn chỉ ra dù không còn là thủ đô, các vấn đề của Jakarta vẫn tồn tại.

“Dù thủ đô có dời đi hay không, Jakarta vẫn cần được sửa chữa”, bà Elisa Sutanudjaja, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị Rujak tại Jakarta, nói với Al Jazeera.

“Giữa một cuộc khủng hoảng khí hậu như hiện nay, việc xây dựng một điều gì đó mới và to lớn sẽ thải nhiều carbon ra không khí”, bà nhận định. “Điều này không giống với việc bán căn nhà cũ để chuyển sang một căn nhà mới”.

Kế hoạch ‘dời đô’ của Thái Lan hứa hẹn, nhưng khó thực hiện

Khi tình trạng ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông ở Bangkok ngày càng nghiêm trọng, “dời đô” có thể là giải pháp giúp thay đổi cuộc sống người dân, nhưng không dễ thực hiện.

Những hành khách tồi tệ nhất thế giới

Tiếp viên hàng không chẳng còn là công việc mơ ước của nhiều người như trước đây, vì sự xuất hiện ngày càng nhiều những hành khách tồi tệ chưa từng thấy.

Tiem nang 25 ty USD cua thit nhan tao hinh anh

Tiềm năng 25 tỷ USD của thịt nhân tạo

0

Chính phủ Mỹ đã cấp những giấy phép đầu tiên cho 2 doanh nghiệp bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới làm điều này.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm