Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ThS.BS Phan Nguyễn Liên Anh - cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA (DNA Medical Technology) đã chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của mình khi đảm nhận cả hai vai trò thầy thuốc và giảng viên.
- Cơ duyên nào đưa chị chọn và gắn bó với nghề y?
- Gia đình của tôi có truyền thống nghề y, mẹ là bác sĩ. Ban đầu tôi thấy mẹ cực quá, thường xuyên trực đêm, nhiều áp lực và nhất là thời gian dành cho gia đình khá ít nên từng nghĩ sẽ chọn nghề luật hoặc kiến trúc. Tuy nhiên, khi gia đình có người bị bệnh cần được chăm sóc, tôi đã thay đổi ý định. Việc chăm sóc giúp người thân lấy lại sức khỏe đã trở thành động lực để tôi học y. Giờ nhìn lại thì thấy mình đã gắn bó với nghề được 14 năm.
- Trong 14 năm làm nghề, điều trị cho nhiều bệnh nhân, chắc hẳn chị đã có không ít kỷ niệm?
- Nghề nào cũng vậy, có rất nhiều điều khiến chúng ta không thể nào quên. Tôi cảm nhận bệnh viện như một xã hội thu nhỏ, ở đó có nhiều mảnh đời khác nhau. Bệnh nhân nội trú ở lâu thì tôi thường dành thời gian hỏi thăm, động viên giúp các bé điều trị tốt hơn.
ThS.BS Phan Nguyễn Liên Anh. |
- Vậy kỷ niệm nào đáng nhớ nhất thưa chị?
Cách đây 10 năm, trong ca trực vào những ngày gần Tết, một bé mắc hội chứng thực bào máu và đang đứng trước cửa thập tử nhất sinh. Đôi mắt bé có sức sống mãnh liệt dù rằng bộ xét nghiệm, diễn biến lâm sàng của ngày càng xấu. Ba mẹ bé không có duyên để trở thành một gia đình, bé được mẹ và bà nuôi. Dù đã báo rất nhiều lần nhưng ba bé từ chối lên thăm. Lúc đó, tôi đã xin phép được gọi điện cho ba bé để mong anh đến gặp con lần cuối. Sau đêm đó, cái nắm tay đầu tiên của ba và con đã mang đến điều kỳ diệu. Bệnh tình của bé tốt lên như một phép màu.
Sau này, qua quá trình làm việc tôi đã nhận ra, bên cạnh phác đồ điều trị, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhi. Tôi đã đem những kinh nghiệm của mình để truyền lại cho sinh viên, giúp các bạn có cái nhìn thực tế hơn ngoài lý thuyết sách vở.
- Ngoài vai trò bác sĩ, chị còn đảm nhiệm vai trò giảng viên. Chị có thể chia sẻ lại cảm xúc của mình khi lần đầu đứng trên bục giảng?
- Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những cảm xúc lần đầu gặp sinh viên. Lúc đó, tôi vẫn xưng hô là “chị” vì cảm giác khoảng cách thế hệ không quá xa. Năm đầu tiên, tôi vẫn còn giữ tư duy bị động, dạy theo giáo trình chuẩn bị sẵn và không nghĩ đến trường hợp bị sinh viên hỏi ngược lại thì sẽ thế nào. Lúc đó tôi khá lúng túng.
Có một kỷ niệm là lần đầu tiên tôi làm giám khảo thi lâm sàng. Tôi đã đặt câu hỏi cho sinh viên và bạn đó trả lời khá khác so với đáp án mình đặt ra. Tôi báo sẽ xem xét lại rồi báo điểm chính xác. Sau đó, bạn sinh viên đã gửi email cho tôi, trích dẫn rất rõ ràng nhiều thông tin khoa học để biện luận cho câu trả lời của mình. Qua chuyện đó, tôi đánh giá rất cao thế hệ sinh viên hiện tại. Các bạn bây giờ năng động, tự chủ và chịu khó học hỏi. Đó cũng là động lực lớn để tôi học nữa, học mãi.
- Chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về nghề bác sĩ, nghề giáo viên?
- Với tôi, hai nghề bổ trợ cho nhau và cho bản thân rất nhiều. Tôi có thể dùng những kinh nghiệm thực tế trong vai trò bác sĩ để truyền lại cho sinh viên, giúp các bạn có được hành trang đầy đủ để theo đuổi nghề. Và khi tham gia giảng dạy, tôi phải luôn trau dồi kiến thức, đưa những thông tin mới nhất đến với sinh viên và áp dụng ngược lại cho quá trình điều trị.
- Nhân ngày 20/11, cảm xúc của chị ra sao?
- Từ khi bắt đầu thực tập rồi đi làm, tôi được gặp lại nhiều thầy cô nhưng giờ với vai trò mới là đồng nghiệp. Những buổi hội chẩn chung đã giúp tôi học được rất nhiều theo một khía cạnh khác. Các thầy cô vô cùng tâm huyết với nghề và cũng không hề giữ lại điều gì khi giảng dạy cho chúng tôi. Và những lúc cần trao đổi, các thầy cô đều sẵn sàng hỗ trợ. Tôi biết ơn vì điều đó.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi mong các bạn đang theo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ, nhất là những sinh viên theo ngành di truyền, sẽ luôn đặt cái tâm, cái đức lên đầu. Đây là ngành yêu cầu sự chính xác cao vì liên quan đến cả một phả hệ gia đình. Đứng trên cương vị là giáo viên, tôi sẽ rất vui khi học trò của mình thành công, nhưng sẽ càng tự hào hơn khi các em luôn đặt cái tâm của mình vào nghề.
Bình luận