Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của một ô-sin sinh viên

“30 ngày ở biệt thự, phòng điều hoà, chăn ấm, nệm êm nhưng chưa khi nào có một giấc ngủ ngon”- cựu sinh viên khoa Kế toán, ĐH Thành Đô chia sẻ về công việc làm ô-sin.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, nên khi vào đại học, mình thường đi làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, khi ra trường phải tự lập, cuộc sống có nhiều thay đổi, làm nhiều nghề, kể cả việc làm ô-sin, Linh bắt đầu câu chuyện.

"Ra trường từ năm 2013, mình rải hồ sơ xin việc ở nhiều nơi theo đúng chuyên ngành. Chờ đợi thời gian dài không có kết quả, mình về quê xin vào làm ở khu công nghiệp gần nhà với mức lương khoảng 2 triệu. Ngày làm hơn 10 tiếng, bắt đầu từ 7h sáng đến 7h tối (nghỉ ăn trưa 1 tiếng 30 phút). Theo quy định một tuần nghỉ chủ nhật nhưng rất hiếm khi được nghỉ bởi phải tăng ca. Làm đến tháng thứ 6, mình bắt đầu ốm dài, sức khoẻ giảm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không thể gắng gượng thêm được, mình khăn gói xuống Hà Nội xin việc. Dự định xin đi bán hàng vì công việc nhẹ nhàng và với mức lương khoảng 4 triệu sẽ giúp mình bám trụ ở thành phố" - Linh chia sẻ.

Trong thời gian phỏng vấn đợi việc, run rủi thế nào Linh nhận lời trông con cho chủ nhà nơi mẹ cô đang làm giúp việc. Linh gật đầu đồng ý vì mô tả công việc khá đơn giản chỉ ngồi chơi cùng đứa trẻ lên 5, lại có mẹ ở gần nên cô yên tâm hơn.

Ngày đầu tiên đến nhận việc, Linh choáng ngợp trước sự giàu có của nhà chủ. Bước vào khu biệt thự sang trọng, phòng khách láng bóng với đủ ngọc ngà, đồ quý hiếm, dãy tủ giày dài khiến Linh nghĩ cửa hàng thời trang nào đó thuê lại. Chưa hết, trước cửa là ba xế hộp siêu sang, sau này cô mới biết, mỗi xe dùng vào từng mục đích riêng, có hẳn một xe mười mấy tỷ chỉ để đưa cô con gái út đi chơi.

Công việc hằng ngày của Linh là thức dậy vào lúc 6h sáng, chuẩn bị bữa sáng và lo việc cho cô chủ nhỏ ăn. Sau đó, sắp xếp đồ cho bé tới lớp. Khi em nhỏ ở trường, Linh dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, chuẩn bị bữa trưa. Buổi chiều, em bé về thì Linh chơi cùng và làm cô chủ nhỏ vui trong lúc chờ bữa tối.

Linh kể: "Ở một nơi sang trọng mình thấy lo sợ. Từng bước đi cũng rón rén, nói nhỏ, không dám cười, chỉ có vâng và dạ. Đôi khi việc đi tìm điện thoại cho bà chủ khiến mình thấy mệt mỏi khi nhà rộng, điện thoại không đặt chuông, bà chủ chỉ ra lệnh đi tìm bởi chẳng nhớ để ở đâu. Ở đó, việc nghe chửi mắng là điều bình thường, thậm chí là bị xúc phạm. Mỗi bữa nhà chủ có thể ăn sơn hào, hải vị nhưng người làm thì ăn cơm hộp ở ngoài đưa vào".

Công việc chơi với em nhỏ cũng không đơn giản như Linh tưởng. Linh phải tìm mọi cách để mua vui cho cô bé, phải bảo vệ từ việc không để con muỗi nào được bén mảng đến gần. Chỉ cần thấy một vết trầy xước nhỏ, một nốt phồng trên da là hôm đó, Linh không nuốt trôi cơm trước cơn thịnh nộ của bà chủ.

Đôi lúc Linh tự hỏi con nhà giàu thì được quyền phách lối, được ngang ngược và không cần lễ phép? Mới 5 tuổi nhưng em bé đó sẵn sàng đuổi Linh cút khỏi phòng khi không cần người chơi cùng.

"Mình có được dùng điện thoại, đi lại hay làm gì cũng do cô chủ nhỏ quyết định. Những trò chơi của con trẻ khiến mình bở hơi tai. Nào là xách vali chạy hết tầng này sang tầng khác, hết ngõ này đến ngách khác để chơi trò đi du lịch vòng quanh thế giới, nào là phải học thuộc một bài hát để cô chủ nhỏ kiểm tra và dĩ nhiên có cả những hình phạt. Cho đến giờ mình thực sự thấm thía thế nào là kiếp trâu ngựa, nhiều khi mình thấy bị xúc phạm ghê gớm nhưng vẫn cố gắng chịu đựng”, Linh ngậm ngùi.

Có một kỉ niệm Linh chia sẻ mà theo cô cả đời không thể quên và cũng từ đó, cô quyết định làm một cuộc giải thoát cho mình. Một hôm, mẹ cô nấu cháo sườn cho cô chủ nhỏ. Khi ăn, có một miếng xương nhỏ còn sót lại. Cô bé tinh ranh không nói không rằng, móc miếng xương đưa cho mẹ. Ngay lập tức, bà chủ trút trận lôi đình lên hai mẹ con cô. Bà thẳng thừng xưng "tao" với "chúng mày", lu loa rằng mẹ con cô muốn giết con bà. Rồi bà bắt hai mẹ con cô phải ăn hết bát cháo đó trong nước mắt.

Một lần nữa, Linh xin phép về quê khi nhà có chút việc bận. Bà chủ nhờ cô mua hộ yến đậu xanh và 6 con gà. Tha lôi được ngần ấy thứ lên Hà Nội, không một lời hỏi han hay cảm ơn, bà chủ giàu có kì kèo từng đồng bạc. Đi đường xa chẳng may đến nơi, 2 con gà bị ngạt mà chết, bà chủ không nói gì đợi mẹ con cô thịt xong rồi bắt ném vào thùng rác.

“Khi ấy thì mình không thể chịu đựng thêm một giây phút nào được nữa. Ngay chiều đó, mình xin nghỉ làm và về quê. Dù nghèo đói nhưng không thể chịu nhục. Mình cũng nói với mẹ hãy về cùng với mình nhưng mẹ nói ở lại thêm ít bữa rồi về sau”.

Linh bỏ lửng câu chuyện, mắt ngân ngấn nước, cô nói: “Giờ về nhà mình thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản hơn nhiều. Mình sẽ tìm một công việc phù hợp để đỡ đần gia đình và giúp mẹ. Làm ô-sin không có gì xấu nhưng con người đối xử với nhau cần sự tử tế”.

http://www.tamguong.vn/viec-lam/681949/Tam-su-cua-mot-o--sin-sinh-vien-tpov.html

Theo Thanh Nga/Báo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm