Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của người trẻ bước chân vào nghề thiết kế thời trang

Thiết kế thời trang đang là một nghề thời thượng mà nhiều người muốn theo đuổi. Tuy nhiên, không phải ai lựa chọn nghề này cũng có thể đi được đến đích.

Cơ hội nghề nghiệp rất lớn, nhưng để có được cơ hội đó, điều quan trọng nhất phải định hướng được tương lai thì con đường thành công mới rộng mở.

Dưới đây là những chia sẻ của Nguyễn Thị Hà Thu và Trần Lan Anh - sinh viên năm cuối ngành Thiết kế thời trang Đại học Hoa Sen (TP.HCM) - dành cho những bạn trẻ sắp sửa bước chân vào lĩnh vực thiết kế thời trang.

Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - TS.Bùi Trân Phượng (trái), và ông Afred Mahdavy, Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Thời trang Quốc tế nghệ thuật và Thời trang ModA'rt (Paris) trao thưởng cho sinh viên.

- Hà Thu và Lan Anh vừa giành được giải quán quân cuộc thi "Nhà thiết kế trẻ" (Youth Designer) do Tổng cục Du lịch, báo Du lịch online và công ty Dáng Việt Entertaiment phối hợp tổ chức. Qua cuộc thi này hai bạn đã học được điều gì?

- Cuộc thi này là một sân chơi thú vị dành cho những sinh viên thiết kế, đã đem lại cho tôi cơ hội được trải nghiệm, được làm những công việc của một nhà thiết kế thực thụ. Thời trang là ngành công nghiệp xa xỉ và vô cùng vất vả, chỉ một vài phút tỏa sáng trên sân khấu nhưng đánh đổi bằng mồ hôi công sức suốt cả tháng trời, nếu không thực sự nghiêm túc thì không thể nào thành công trong thế giới đó. Đây là những điều tôi đã nghiệm ra được sau cuộc thi.

- Hai bạn có thể nói gì về sản phẩm mà hai bạn đã phải vất vả mấy tháng trời để có thể “tỏa sáng” trên sân khấu lúc đó?

- Tôi đặt tên cho bộ sưu tập mình thiết kế tên là The new face of pyjama (Gương mặt mới của pyjama). Thông điệp thời trang mà tụi em gửi gắm vào bộ sưu tập này là: thời trang không phân biệt giới tính.

The New Face of Pajama được thiết kế theo trường phái ứng dụng: nam tính, tomboy, phù hợp cho cả nam và nữ. Bộ sưu tập mang đến một góc nhìn mới lạ cho pyjama, loại trang phục vốn chỉ quẩn quanh trong nhà hay phòng ngủ.

Sinh viên và khách mời trong buổi trình diễn Thời trang của sinh viên (Fashion Show 6/2013) .

- Cảm giác của hai bạn khi nhận được giải quán quân như thế nào?

- Có 10 bộ sưu tập vào chung kết. Khi nghe tên nhóm xướng lên ở giải quán quân, chúng tôi vỡ òa, sung sướng và cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả bởi sự sáng tạo, đam mê và phá cách của nhà thiết kế thật sự.

- Là sinh viên năm cuối ngành thiết kế thời trang, hai bạn hiểu như thế nào về nghề nghiệp tương lai của mình?

- Nghề thiết kế thời trang đang được xem là một nghề hot, vì sức hấp dẫn khó cưỡng của ánh hào quang trong mắt công chúng, tính năng động, khả năng sáng tạo và cả những mức lương cao ngất ngưỡng đáng mơ ước. Tuy vậy, con đường đi đến thành công của nghề này là một con đường còn dài. Chúng tôi mới chỉ đặt những bước đi đầu tiên mà thôi.

Ngành thời trang Việt Nam còn khá non trẻ, cùng với cách đào tạo nhân lực hiện nay được đánh giá là “thiếu công nghệ” nên phần lớn sinh viên sau khi ra trường đều phải rất khó khăn để bám trụ với nghề. Bên cạnh đó, ngành may mặc của Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề vững chắc nhưng chúng ta vẫn phải nhập quần áo từ Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc rất nhiều, thêm tư tưởng sính đồ hiệu từ Pháp, Mỹ… nên những nhà thiết kế trong nước vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng trên thị trường.

- Trải qua bốn năm học đại học, hai bạn đã tích lũy được hành trang gì cho nghề nghiệp sau này?

- Hơn bốn năm học ở ĐH Hoa Sen là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa để chúng tôi học hỏi, làm việc và cọ xát với ngành công nghiệp thời trang của thế giới. Chính từ cách đào tạo chuyên nghiệp, cùng với những cuộc thi do nhà trường tổ chức đã giúp bản thân tôi khơi lên nhiều ý tưởng, sức sáng tạo và niềm đam mê thời trang. Nhờ đó, tôi thêm tự tin với nghề sau khi ra trường. Điều tuyệt vời nhất tôi có được khi học tại ĐH Hoa Sen chính là cơ hội được tiếp xúc với những giáo viên giỏi, với một chương trình học hoàn toàn khác biệt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình học rất nặng, buộc sinh viên phải chịu áp lực cao, nhưng điều đó có lợi cho việc phát triển khả năng tập trung và làm việc trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này.

Nguyễn Thị Hà Thu và Trần Lan Anh - sinh viên năm cuối ngành Thiết kế thời trang Đại học Hoa Sen - trong đêm trao giải Nhà thiết kế trẻ -Youth Designer 2012.

- Bạn có chia sẻ gì với những bạn trẻ khác sắp sửa bước chân vào lĩnh vực thời trang?

- Đây là một nghề mở, sinh viên ra trường có cơ hội nghề nghiệp rất năng động và hấp dẫn. Họ có thể trở thành nhà thiết kế, nhà báo thời trang, hay người dự báo xu hướng, người trưng bày sản phẩm thời trang, doanh nhân thời trang hoặc người tạo phong cách thời trang cho các ngôi sao, nghệ sĩ hay chính khách… Điều đó cho thấy cơ hội đến với nghề rất lớn. Theo mình, nghề này kỹ năng sáng tạo, thì sự rèn luyện miệt mài rất quan trọng, còn năng khiếu chỉ chiếm một phần nhỏ thôi. Vì vậy, chỉ cần bạn có đam mê, yêu thích và tìm được một môi trường học tập tốt, mình tin bạn hoàn toàn có thể trở thành nhà thiết kế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Tư liệu: ĐH Hoa Sen

Bạn có thể quan tâm