Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của ông bố lười: Từ thợ bán than đến chủ tiệm vàng

Xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, luôn là học sinh cá biệt nhưng anh Đỗ Mạnh Hà đã vươn lên trở thành giảng viên trẻ tuổi, ông chủ của hệ thống cửa hàng vàng bạc tại Hà Nội.

Ngày 14/5, trên diễn đàn dành cho giới trẻ chia sẻ bài văn ngắn Viết về bố dưới cách nhìn thật thà của con trẻ khiến dân mạng thích thú. Trong bài văn, em Hồng Anh (8 tuổi) viết: “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc”.

Bài văn tả ông bố lười chỉ thích... nằm ườn

Bố nằm ườn chẳng làm gì, ăn xong chat Zalo với học sinh, không rửa bát... là những chi tiết khiến người đọc bật cười trong bài văn tả bố của một em nhỏ.

 

Bật mí về cậu bé tả bố lười chỉ thích nằm ườn

Không chỉ tả bố, Đỗ Hồng Anh còn viết về mẹ rất ngộ nghĩnh. Anh Đỗ Mạnh Hà - người bố trong bài văn cho biết, con luôn có quyền tự do ngôn luận.

 

Chị Trịnh Thị Dung (sinh năm 1983, vợ anh Đỗ Mạnh hà) chia sẻ: “Tôi và anh cùng kinh doanh vàng bạc, đá quý từ năm 2006, sau khi kết hôn. Bài văn hài hước của con cũng khiến tôi bất ngờ vì cách nhìn nhận đáng yêu, rất riêng của con trai. Thực tế, anh Hà vẫn thường xuyên làm việc nhà và dạy con tự lập từ những công việc nhỏ”.

Chị Dung cho biết thêm: “Trong 2 bài văn tả bố mẹ, có sự khác nhau khi con nói yêu mẹ lắm, yêu bố vừa là do khi ở nhà bố nói với cháu, nhiều là yêu như bầu trời, vừa là ít hơn một chút. Mẹ là người gần gũi với cháu hơn nên mới có sự so sánh khác nhau như vậy”. 

Phía sau bài văn nhỏ của một học sinh lớp 2 là cách giáo dục rất riêng của anh Đỗ Mạnh Hà. Giảng viên trẻ tuổi trường ĐH Thương mại Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Ngày xưa bố đã không cướp mất tuổi thơ của tôi vì vậy tôi cũng làm thế với con trai mình. Đối với tôi, con là tất cả. Tôi luôn hướng cháu đến sự phát triển tự nhiên, không dạy chữ trước khi vào lớp một và cháu chỉ đạt học sinh trung bình. Thế nhưng tôi dạy con về cách ứng xử, chăm lo cho bản thân và em gái 3 tuổi, biết tự qua đường, nấu cơm giúp mẹ"...

 

Trước bài văn ngộ nghĩnh của bé Hồng Anh và cách dạy con của anh Mạnh Hà, độc giả Pansy chia sẻ: “Tôi thấy cách dạy con của anh rất hay. Là một cô giáo tôi nghĩ nên để con trẻ được sống thoải mái, được trải nghiệm những gì thích sau đó bố mẹ là người góp ý giúp con hoàn thiện".

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, qua bài văn cho thấy bé Hồng Anh viết văn kém, người bố nên dạy con học hành nghiêm túc từ khi còn nhỏ: "Uốn cây từ thủa còn non".

Giảng viên trẻ Đỗ Mạnh Hà.
Giảng viên trẻ Đỗ Mạnh Hà.

Trước những phản hồi trên, anh Đỗ Mạnh Hà đã chia sẻ trên Facebook cá nhân đoạn ghi chép nói về chữ “lười” trong cách nhìn nhận khác nhau giữa trẻ con và người lớn. Bài viết của anh Mạnh Hà thu hút sự quan tâm của dư luận:

"Đầu tiên tôi xin cảm ơn tất cả cư dân mạng về những phản hồi dành sau bài văn của cháu. Xin chia sẻ thật rằng con tôi là một đứa trẻ hết sức bình thường.

Các bạn biết không ông bố lười trong mắt trẻ con khác với ông bố lười trong mắt người lớn. Chắc các bạn không tin nhưng tôi từng là học sinh cá biệt trong suốt 12 năm học, chưa bao giờ có giấy khen.

Tôi có được ngày hôm nay là do nỗ lực thoát nghèo. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ đều là bộ đội. Mẹ về chế độ năm 1992, bố từ giã công chức khi 45 tuổi.

Bố mẹ tôi lăn lộn buôn bán đủ thứ nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Tôi rất nghịch và luôn thích đánh nhau để thỏa mãn sự tức giận khi bị bạn bè chê là đồ bán than tổ ong. Mỗi lần như vậy, thậm chí bố đánh tôi rất đau nhưng sau đó lại ân cần dạy dỗ.

Năm hết lớp 9, bố hỏi: “Con có tiếp tục việc học nữa không hay đi làm nghề” vì tôi học rất dốt và nghịch ngợm. Tôi bảo "tùy bố quyết định". Bố lại lặn lội đi tìm cô giáo dạy Toán kèm tôi học. Tôi thi đỗ trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Hôm đó, bố thịt một con ngan to và khao cả nhà.

Tôi vào cấp 3 hành trang không có gì, lại đua đòi bạn bè và học rất dốt. Vẫn là người bố ân cần: “Con có muốn học nữa không hay về học nghề lái xe bố dạy”. Tôi bảo: “Con thích đạp xích lô chở than bán giúp mẹ. Tôi vừa đi học vừa làm công việc đó trong suốt 3 năm. Năm lớp 12, trong những lần thi thử tốt nghiệp tôi đều trượt, nhưng đến lần thi thật lại đỗ".

Sau đó, tôi về làm nghề đạp xích lô tại đường Lạc Long Quân. Thật tình cờ trong khi chở than thuê đã gặp và quen một người giáo viên, chia sẻ và định hướng cho tương lai cho tôi. Bố mẹ phân tích về sự nghèo khổ và luôn đồng hành, dạy dỗ tôi từng bước cho đến ngày trở thành một cán bộ khoa học kỹ thuật.

Ký ức còn lại của tôi là những trưa hè ngụp lặn dưới sống Tô Lịch để móc từng xô bùn bẩn mang về nhào than, đóng thành tổ ong đen kiếm tiền cho tôi đi học. Bố mẹ bảo: "Bao năm gia đình vẫn nghèo vì thật thà, nhưng đó không phải là ngu mà là điểm đáng yêu của con người. Bố tin rằng bố làm gì rồi cũng sẽ thành công". Nhưng có công thức: Thật thà + Thời gian = Thành công chậm chạp. Tôi cũng vì thế mà cố gắng hơn.

Tôi nói với bố năm 18 tuổi: “Bố mẹ bán vàng đen thì sau này con sẽ bán vàng thật. Bố hãy đợi thành quả của con nhé”. Sau 17 năm, giờ đây tôi đã có vốn tài sản đáng giá nhưng bố đã bỏ đi tự lúc nào. Còn mẹ, cũng đang dần bỏ tôi vì phải đối chọi với bệnh hiểm nghèo do lao lực. 

Khi có con, tôi luôn tôn trọng và mong con giống ông nội với tính thật thà, dũng cảm. Tôi luôn để con phát triển theo lứa tuổi và coi con như người bạn của mình. Tôi nghĩ, con người có tài đến đâu thì hưởng đến đó, bản thân hãy luôn cố gắng hết sức.

Tôi dạy con không để cháu làm văn cho hay, được điểm cao và đứng lên đầu người khác. Tôi chia sẻ, con cần lo được cho bản thân, sau đó mới chu toàn cho mọi người. 

Tôi không dạy con theo khuôn mẫu mặc định, thấy sống như thế thì phí lắm".

Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm