Quê tôi là một huyện nhỏ của tỉnh miền núi phía Bắc. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, không có tiền, không quen biết.
Tôi thi vào sư phạm theo định hướng của bố mẹ. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, nhưng không muốn tôi phải chân lấm tay bùn mà vất vả như mình, nên muốn tôi thi vào sư phạm hoặc y, vì hai nghề này thời đại nào cũng cần, công việc ổn định, không phải lo lắng.
Tôi nghe lời, nhưng cũng được chọn ngành mình yêu thích là Tiếng Anh. Khi học, khi tiếp xúc với các em nhỏ, tôi đã thật sự yêu thích công việc này.
Nhưng yêu thích công việc là chuyện… của tôi. Nhưng tìm cách để được làm công việc yêu thích thì không phụ thuộc vào tôi nữa rồi, dù tôi có thể tự hào về lực học của mình, cũng như khả năng thực hành, vì tôi đi dạy kèm từ năm thứ hai, và kết quả thực tập của tôi rất tốt.
Được đứng lớp là mơ ước của đa số cử nhân sư phạm. |
Tâm sự với các bạn trong lớp, bạn nào cũng xác định xu hướng chung là khó xin việc, muốn xin cần có tiền. Thi công chức không dễ, chỉ tiêu chẳng bao nhiêu, mà vào làm lương thấp, nhưng cho đến lúc này ai cũng quyết tâm sẽ thi khi đến đợt tuyển dụng.
Lớp tôi có 25 người thì chỉ có 2 người có cơ hội sớm có việc làm đúng ngành. Lý do là 2 bạn này thuộc dạng “con ông cháu cha”, có người nhà làm trong ngành. Tuy nhiên, cả hai bạn đó đều không thích học sư phạm, mà phải học theo định hướng của gia đình là ra trường có chỗ làm việc, nên các bạn đó học không tập trung, nên không đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Như vậy, năm nay 100% sinh viên lớp tôi ra trường trước mắt không ai thấy “cửa” có ngay việc làm.
Mọi người đừng cho rằng chúng tôi kén chọn, không chịu về vùng sâu vùng xa mà chỉ muốn ở lại thành phố nên mới không có việc. Nhưng sâu hay xa cũng là chỗ những người “không tiền, không quan hệ” như tôi đừng hòng với tới. Những anh chị khóa trước đã bảo rằng về vùng sâu vùng xa bây giờ thậm chí còn khó hơn về thành phố, vì sẽ được hưởng phụ cấp nhiều hơn trong khi điều kiện sinh hoạt ở những vùng đó đã được cải thiện rất nhiều.
Phương án dạy hợp đồng không chỉ tôi mà các bạn cùng khóa đều đã tính đến, nhưng thực tế, chúng tôi thấy cũng khó khăn chả kém thi biên chế. Mà cũng không phải có tiền là xin được, còn phải quen biết quan hệ rất… lằng nhằng may ra mới được một chỗ.
Từ nay đến một ngày đẹp trời nào đó, khi có một chỗ dạy trong một ngôi trường, tất cả chúng tôi xác định là sẽ phải xoay xở tìm việc làm tạm thời để sống.
Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục với công việc gia sư trong thời gian tới. Vào năm học, chỉ có thể đi dạy kèm vào buổi tối, nên ban ngày tôi sẽ làm những công việc như thu ngân, bán hàng ở một số cửa hàng mà tôi đang nhắm để xin việc.
Đấy là may mà tôi còn học ngành Tiếng Anh, là một ngành mà bây giờ mọi người cho con học thêm nhiều, nên cơ hội đi gia sư của tôi không quá hiếm hoi. Chứ các bạn học mấy ngành Sử, Địa thì bi đát lắm. Có bạn đã cho biết nếu như các nhà máy lớn có đợt tuyển công nhân sẽ đăng ký tuyển.Hỏi tôi có buồn vì thất nghiệp kiểu này không ư? Cho đến giờ tôi chỉ thấy mình không may mắn, không gặp thời. Nếu một lúc nào đó, tôi không thể bám trụ với kiểu làm mấy nghề một lúc như hiện nay, bỏ hẳn mà theo một nghề khác, cứ cho là vẫn dùng tới vốn liếng Tiếng Anh đi, khi đó tôi mất phần “dạy”, chắc là tôi sẽ cảm thấy đáng tiếc lắm, vì tôi thực sự yêu thích công việc dạy dỗ đám trẻ nhỏ.