Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tamiflu có phải 'thần dược' trị cúm?

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, Tamiflu là thuốc kháng virus nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm.

Gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm A có xu hướng tăng, đặc biệt là người già và trẻ em. Nhiều người tìm mua thuốc Tamiflu, thậm chí dự trữ trong nhà để dùng khi cần. Tình trạng này khiến Tamiflu trở nên khan hiếm. 

Ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết mỗi ngày ông phải giải thích cho rất nhiều bệnh nhân về việc cúm là siêu vi, không có biện pháp trị liệu hữu hiệu, chủ yếu điều trị hỗ trợ như các loại siêu vi khác.

"Bệnh nhân không chấp nhận và nhất quyết muốn dùng thuốc Tamiflu. Họ coi thuốc này như thần dược để chữa cúm", bác sĩ Hưng nói. 

Theo bác sĩ Hưng, Tamiflu là thuốc kháng virus nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm.

Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi. Sau đó, men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.

Thuoc Tamiflu tri cum anh 1

Số lượng bệnh nhân mắc cúm A có xu hướng tăng cao. Ảnh: NN.

Tamiflu ức chế men này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể chứ không có tác dụng tiêu diệt chúng. Vì vậy, thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể. Sau đó, thuốc không còn tác dụng vì virus đã có mặt ở khắp nơi trên cơ thể. 

Bác sĩ Hưng khẳng định Tamiflu chỉ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, hết triệu chứng sớm hơn không uống khoảng 17 giờ.

Những người cần sử dụng thuốc Tamiflu bao gồm:

- Bị cúm với triệu trứng rõ ràng như sốt cao trong 48 giờ đầu

- Trẻ nhỏ trên 2 tuổi và người già trên 65 tuổi

- Có bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi, tim, suy giảm miễn dịch...

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc là nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, hại thận (ở người có bệnh thận).

Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, đặc biệt là virus cúm, sởi… Cách phòng tránh tốt nhất cho trẻ là tiêm phòng vắc xin sởi và cúm, đồng thời, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng, tránh xa nơi đông người, vốn có nguồn lây lớn.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tại Trung Quốc, Tamiflu đã kháng với tỷ lệ rất cao, phải dùng thuốc điều trị cúm khác.

Còn tại Việt Nam, qua nghiên cứu dịch tễ học và điều trị trên lâm sàng, thuốc Tamiflu ở nước ta có tỷ lệ kháng 10%-15% nên vẫn được sử dụng để điều trị.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6 giờ/lần để giảm nguy cơ co giật, cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, súc họng.

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể. Điều này rất quan trọng đối với trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Bệnh nhi tử vong do cúm A/H1N1

Một bệnh nhi 27 tháng tuổi ở tỉnh Phú Yên được xác định tử vong do mắc cúm A/H1N1 sau nhiều ngày điều trị với dấu hiệu bệnh sốt, ho.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm