Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tân cử nhân Trung Quốc từ bỏ Thượng Hải, Hàng Châu

Bên cạnh lựa chọn các thành phố lớn để làm việc, có nhiều sinh viên tốt nghiệp ở lại các thành phố nhỏ, chọn sự ổn định và phù hợp khả năng chi trả.

Sau 6 tháng chuẩn bị gian khổ, Wang Fei đã vượt qua được bài kiểm tra tuyển dụng cho một công việc nhà nước phù hợp với chuyên ngành kỹ thuật điện và tự động hóa của cô.

Cô gái trẻ có bằng cử nhân của một trường đại học hạng trung ở thành phố cấp quận Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc đang say sưa với thành tích nằm trong số 400 người được tuyển chọn từ tổng số 15.000 ứng viên, nhưng cô phải đối mặt với quyết định khó khăn là rời quê hương Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh, theo South China Morning Post.

“Đối với tập đoàn này, một người mới như tôi không thể trực tiếp làm việc tại chi nhánh Vũ Hán, trừ khi gia đình tôi có quan hệ mạnh. Chúng tôi thường bắt đầu ở các thành phố cấp quận”, Wang nói.

Dù miễn cưỡng, Wang đã chấp nhận lời đề nghị của tập đoàn và được phân công làm việc tại một thành phố cấp quận Thiên Môn.

“Là sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học bình thường, tôi không có nhiều lựa chọn trong thị trường việc làm, nhất là trong những năm tình hình việc làm quá khó khăn này. Tôi dự định ở lại Thiên Môn trước và chờ cơ hội làm việc ở Vũ Hán", cô gái 23 tuổi tốt nghiệp vào tháng 6, cho biết.

Xu hướng đảo ngược

Tình trạng khó khăn của Wang cũng tương tự hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm, những người phải vật lộn để cân bằng giữa sở thích công việc và thực tế mà họ phải đối mặt để đảm bảo việc làm.

Tuần trước, Yu Jiadong, Thứ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, cho biết dân số thanh niên từ 16 đến 24 tuổi sẽ đạt khoảng 140 triệu vào năm 2025, và tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ vượt qua con số 10 triệu mỗi năm.

“Những mâu thuẫn cơ cấu về nghề nghiệp, khu vực và ý chí khó có thể xoa dịu trong thời gian ngắn, và mức độ thất nghiệp của thanh niên sẽ vẫn ở mức cao", ông Yu cảnh báo.

thi truong lam viec anh 1

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc. Ảnh: Tổng cục thống kê số liệu Trung Quốc.

Một báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vào cuối tháng 12 cho biết sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc có sở thích rõ ràng về nơi họ muốn làm việc, với khoảng 70% nhắm đến các thành phố hạng nhất và hạng hai.

Bài báo cũng nhấn mạnh mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp thích các thành phố hạng ba và hạng bốn, các quận nhỏ, thị trấn cơ sở và khu vực nông thôn tương đối ít, nhưng tỷ lệ này đang tăng lên. Tỷ lệ những người muốn làm việc ở các thành phố cấp ba và cấp bốn đã tăng từ 7,29% (năm 2018) lên 11,77% (năm 2021).

Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp như Wang, những người có thể đảm bảo việc làm ở các thành phố nhỏ, những vị trí đó thường được coi là bàn đạp để đến các khu vực đô thị phát triển hơn.

Công việc chủ yếu trong khối nhà nước

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học hạng trung vào năm 2021 với bằng cử nhân kỹ thuật chế tạo máy bay, Lu Qiao trở về từ Xian, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây để làm việc tại quê hương Baoji, một thành phố cấp tỉnh ở Thiểm Tây trong khi chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học.

Là một trong ba người con trong một gia đình nông dân, cô gái 24 tuổi cho biết từ lâu đã khao khát được làm việc tại một thành phố lớn, cô tìm cách mở rộng tầm nhìn và kiếm thêm tiền để hỗ trợ gia đình.

“Khát vọng mạo hiểm bên ngoài quê hương như ngọn lửa bùng cháy trong tim tôi. Tôi biết mình sẽ không ở lại Baoji quá lâu khi trở về, mặc dù chi phí sinh hoạt ở đó thấp hơn nhiều", cô nói từ Tây An, nơi cô theo học chương trình sau đại học từ tháng 9.

Trong khi một số sinh viên tốt nghiệp chọn các thành phố hạng ba và hạng bốn để chuyển tiếp sang các thành phố phát triển kinh tế hơn, cũng có những sinh viên tốt nghiệp ở lại các thành phố nhỏ, chọn sự ổn định và phù hợp khả năng chi trả.

Jessica Gong, 23 tuổi, có bằng cử nhân ngôn ngữ và văn học Đức, đã tìm được việc làm trong một tổ chức khu vực công ở Từ Hi, một thành phố cấp quận ở tỉnh Chiết Giang, sau khi tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu ở Thượng Hải vào tháng 6/2021.

“Tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Hàng Châu, mức lương trung bình trong khu vực công thậm chí không đủ để trả cho chi phí nhà ở và sinh hoạt đắt đỏ. Đó là lý do chúng tôi đến Từ Hi", cô nói.

Gong tìm kiếm một vị trí công chức vì cô đã vỡ mộng với chuyên ngành lấy tiếng Đức làm trọng tâm và không muốn điều đó ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của mình.

thi truong lam viec anh 2

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ở lại các thành phố nhỏ làm việc nhằm chọn sự ổn định và phù hợp khả năng chi trả. Ảnh: China Daily.

Tương tự Gong, Sharron Sha trở về quê hương Panzhihua, một thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Tứ Xuyên để làm công chức trong một tổ chức công địa phương vào năm ngoái, sau khi tốt nghiệp vào tháng 6 tại một trường đại học ở Trùng Khánh với bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế.

“Đại dịch làm tăng thêm cảm giác bất an trong lòng mọi người. Vì vậy, bây giờ tôi thích một công việc ổn định và được sống gần gia đình hơn", chàng trai 25 tuổi nói.

Thật vậy, trong bối cảnh nền kinh tế yếu đi và tỷ lệ thiếu việc làm cao trong thời kỳ đại dịch và đi kèm với chính sách không có Covid, nhiều người trẻ như Gong và Sha ngày càng tìm đến khu vực công để tìm kiếm cảm giác ổn định.

Theo Huatu Education, một doanh nghiệp đào tạo kỳ thi công chức nổi tiếng, cho biết số lượng ứng viên đăng ký tham gia kỳ thi công chức quốc gia đạt mức cao kỷ lục với hơn 2,5 triệu vào năm ngoái, tăng 25% so với năm 2021.

Mao Feiyu, một nhà nghiên cứu liên kết với Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, lưu ý rằng sinh viên tốt nghiệp đến các thành phố cấp ba và cấp bốn nói chung, chủ yếu họ tập trung vào các công việc ổn định trong khu vực công.

“Tuy nhiên, nhu cầu nhân tài cho những vị trí này sẽ dần trở nên bão hòa. Mặc dù cạnh tranh khốc liệt, các thành phố loại một và loại hai vẫn có lợi thế trong việc tạo việc làm và thu hút nhân tài", ông cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông Mao Feiyu nhận định từ góc độ này, các thành phố lớn vẫn sẽ là điểm đến việc làm chính của thanh niên trong tương lai.

Ngoài ra, một số thành phố hạng ba và hạng bốn chưa hình thành chuỗi công nghiệp của riêng họ và đang thu hút một lượng lớn thanh niên chỉ thông qua các chính sách tuyển dụng nhân tài. Nhưng xu hướng này có thể khó duy trì.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc về cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Xu hướng tuyển dụng không quan trọng bằng đại học

So với trước đây, bằng cấp đại học của bạn có thể không còn quá quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm, theo CNBC.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm