Trong chuyến thăm TP.HCM sau khi nhậm chức, Đại sứ Knapper đã đến tòa soạn Zing News và có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả.
Ông Knapper được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam ngày 18/12/2021, và tuyên thệ nhậm chức ngày 30/12/2021 tại thủ đô Washington, D.C.
Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam có hơn 25 năm kinh nghiệm trong mảng chính sách đối ngoại và ngoại giao chuyên nghiệp. Ông Knapper nói được tiếng Việt, từng là tham tán chính trị cho Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong ba năm (2004-2007). Ngoài ra, ông còn sử dụng thông thạo tiếng Nhật, Hàn.
- 2022-03-03 15:45+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Mỹ đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều vaccine Covid-19, ông có nghĩa hợp tác y tế là một lĩnh vực hai nước có thể đẩy mạnh trong tương lai?
Tôi cho rằng hợp tác về y tế là trụ cột trong quan hệ hai nước, và điều này không hề mới. Từ khoảng năm 2004-2005, chúng ta hợp tác về phòng chống HIV, sau đó là bệnh lao, bây giờ là Covid-19. Chúng ta có một hành trình dài hợp tác y tế. Phối hợp để ngăn ngừa HIV đã giúp chúng ta đối phó với Covid-19 tốt hơn. Tôi nghĩ rằng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ ngày càng sâu rộng.
-
Tình hình Ukraine hiện tại có khiến Mỹ sao nhãng khỏi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không?
Mỹ công nhận Ấn Độ - Thái Bình Dương là trung tâm an ninh cho sự thịnh vượng của chúng tôi. Đây cũng là khu vực hỗ trợ cho khả năng phát triển của Mỹ. Mặc dù chúng tôi có trách nhiệm ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi cần thể hiện khả năng duy trì vị trí thành viên tích cực tại Ấn Độ Dương. Chúng tôi đảm bảo an ninh thịnh vượng và sự ổn định tới khu vực. Đó là lý do cho sự hiện diện của chúng tôi tại đây và điều đó sẽ không thay đổi.
-
Do you have any advice for young people on seeking jobs/growing up during the pandemic era? do you have any advice for young people seeking study or working in the US?
(Câu hỏi: ông có lời khuyên gì với các bạn trẻ trưởng thành trong thời đại dịch? Hoặc những người muốn làm việc và học tập tại Mỹ).
Tôi không nghĩ đây là điều quá thử thách. Dĩ nhiên học ngôn ngữ rất quan trọng. Tôi biết nhiều người nói Tiếng Anh tốt hơn tôi, do đó tôi nghĩ đây không phải là thử thách lớn. Tôi nghĩ cũng nên sẵn sàng để nắm bắt những cơ hội. Tôi thấy mọi người thường tập trung vào việc “Tôi muốn làm việc này, tôi muốn học trường này, ở thành phố này…”.
Mọi thứ có thể theo ý muốn, nhưng nếu không thì các bạn cũng đừng nên nản chí, vì có rất nhiều cơ hội khi đi học hay làm việc. Tôi khuyến khích mọi người nên cởi mở với những cơ hội đến với chúng ta.
-
Đại sứ cho hỏi bao giờ thì tàu sân bay Mỹ lại thăm Việt Nam?
Tôi không thể nói trước. Đó là những sự kiện được liên kế hoạch và rất khó để nói về chúng. Dù vậy, tôi rất vui với những lần đón tiếp nồng ấm trước đây. Tôi cũng muốn thấy mọi chuyện sẽ như thế nào khi tôi làm việc tại Việt Nam.
-
Cháu rất muốn đi du học Mỹ. Chính phủ Mỹ có chính sách nào để du học Mỹ ít tốn kém hơn và phù hợp với túi tiền của sinh viên Việt Nam hơn không?
Một trong những điều trăn trở nhất mà tôi nghĩ là dịch Covid-19 đã khiến sinh viên phải dừng việc du học.
Tôi nghĩ một trong những điểm mạnh của Mỹ là có thể thu hút những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới muốn theo học tại các trường trung học Mỹ, chương trình sau đại học, và chúng tôi thực sự buồn vì đại dịch khiến nhiều người không thể đi học.
Tôi hy vọng rằng khi chúng ta đang thoát khỏi đại dịch ở Mỹ và trên toàn thế giới, chúng ta sẽ có thể đạt được những con số trước đây - 30.000 du học sinh ở Mỹ.
Đó là một trong những mục tiêu của tôi và tôi hy vọng có thể nâng cao con số hơn nữa.
Dù du học Mỹ có thể không dành cho tất cả, chúng tôi có những chương trình khuyến khích người trẻ theo học. Chúng tôi có chương trình giáo dục Mỹ, giúp kết nối những người trẻ tuổi với các trường học ở Mỹ và giúp họ biết đến các cơ hội, bao gồm cả các cơ hội tài chính. Và vì vậy tôi chắc chắn sẽ khuyến khích các độc giả của Zing đừng từ bỏ giấc mơ du học Mỹ, nếu các bạn có quan tâm.
-
Bác có ý định ở lại Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc khi nghỉ hưu không ạ? Nếu có thì tại sao ạ?
Tôi nghĩ rằng sống ở đây rất tuyệt, vợ tôi cũng nghĩ vậy. Chúng tôi sẽ xem mọi việc như thế nào khi tôi nghỉ hưu.
-
Cháu có biết là chú lớn lên ở Los Angeles. Nó khác Hà Nội như thế nào? Có điều gì ở Hà Nội khiến chú nhớ về quê hương không?
Ở Los Angeles có những nơi rất cổ kính, cũng giống như Hà Nội vậy, khiến bạn cảm nhận được dấu ấn lịch sử.
Los Angeles và Hà Nội cũng có tốc độ phát triển rất nhanh chóng. Dấu ấn lịch sử là điều gì đó hấp dẫn và đặc biệt đối với tôi khi sống ở đây. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Nét riêng của Hà Nội thì vẫn còn đó, nhưng thành phố có thêm nhiều tòa nhà mới, nhà hàng mới, quán cà phê mới. Mọi thứ đều khác lạ và phát triển từng ngày.
Điều mà Hà Nội không thay đổi chính là sự nồng hậu của người dân nơi đây, cái cách mà gia đình tôi được chào đón.
Khá nhiều người bạn Mỹ của tôi muốn dành tiền tiết kiệm để sống ở Việt Nam sau khi nghỉ hưu. Tôi cảm thấy tuyệt vời khi sống ở đây. Nhưng vợ tôi cũng có tiếng nói trong việc này, vậy nên chúng tôi sẽ xem xét điều đó khi tôi tới tuổi nghỉ hưu.
-
Cún nhà chú dễ thương quá. Chú có thể kể vài chuyện về bé được không ạ?
Bé cún nhà tôi tên là Kiba, là con cái, và là giống chó nhỏ của Nhật.
Kiba nhỏ hơn những con chó bình thường khác. Bé 6 tuổi và là một cô chó tuyệt vời, đôi lúc rất giống mèo.
-
Bác học mất bao lâu thì nói rành tiếng Việt ạ? Bí quyết học giỏi ngoại ngữ của bác là gì?
Trước hết, tôi sẽ không nhận mình là người nói trôi chảy nhiều thứ tiếng, nhưng tôi đã cố gắng học ngoại ngữ.
Tôi đã học tiếng Việt một năm trước khi bắt đầu công tác tại Hà Nội, có lẽ tôi đã có những giáo viên xuất sắc. Và tôi rất may mắn khi được giao lưu với những người bạn Việt Nam vào thời điểm đó. Và dĩ nhiên đối với ngôn ngữ, nếu bạn không sử dụng, bạn sẽ bị quên, như người ta vẫn thường nói.
Vì vậy, khi tôi được bổ nhiệm trở lại Việt Nam, để phục vụ một lần nữa, tôi đã luyện tập nhiều hơn. Tôi thực sự đã phải quay lại trường học trong vài tháng chỉ để làm quen với ngôn ngữ này bởi vì thành thật mà nói, tôi đã không sử dụng nó trong một thời gian dài.
Tôi đã làm việc với các đồng nghiệp là người Nhật Bản và Hàn Quốc.Tất cả người ở đại sứ quán đều nói tiếng Anh xuất sắc. Vì vậy tôi thực sự sợ rằng mình sẽ trở nên lười biếng. Vì vậy, tôi phải cố gắng rất nhiều để duy trì khả năng ngoại ngữ của mình.
-
Bác xin được đến Việt Nam làm đại sứ hay được chỉ định?
Tất nhiên là tôi muốn vị trí này. Tôi nghĩ rất nhiều người muốn công việc này bởi sự quan trọng của mối quan hệ song phương giữa chúng ta hiện nay cũng như trong tương lai. Tôi đã mong muốn công việc này từ lâu và thật may là cuối cùng tôi có nó.
-
Một số ý kiến cho rằng với môi trường toàn cầu hiện nay, Việt Nam cần đa dạng hóa việc mua thiết bị quân sự. Liệu chúng ta sẽ sớm chứng kiến việc Mỹ - Việt mua bán vũ khí hoặc chuyển giao nhiều thiết bị quân sự hơn?
Tôi biết rằng có rất nhiều công ty Mỹ sẵn sàng đón nhận cơ hội làm ăn với Việt Nam. Chúng tôi đưa ra những gì mà Việt Nam cần, và cũng phụ thuộc vào khả năng mà Bộ Quốc phòng Mỹ hiện có. Nhưng chúng tôi muốn trở thành đối tác mà khi bạn làm việc cùng, bạn có thể biết những gì cần mua để phòng vệ.
-
Phần lịch sử nào của Mỹ mà ông muốn người Việt Nam biết đến nhiều hơn? Ngược lại, điều của Việt Nam mà ông muốn giới thiệu nhất cho người Mỹ là gì?
Đó là một câu hỏi hay!
Tôi nghĩ rằng một phần thực sự quan trọng trong lịch sử của nước Mỹ mà tôi mong muốn bạn sẽ tìm hiểu là giai đoạn sau Thế chiến II, khi hình ảnh phổ biến ở Mỹ là những người sống hạnh phúc, thịnh vượng và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh. Nhìn từ ngoài vào, tất cả đều đúng.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vấn đề bên dưới như các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc, giới tính. Sự phân biệt đối xử mà nhiều người phải đối mặt đã dẫn đến phong trào dân quyền vào những năm 1960. Đó là phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ, những nỗ lực nhằm biến nước Mỹ trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Điều này cần rất nhiều can đảm. Rất nhiều người đã ra đường để phản đối và điều đó rất gây chia rẽ, nhưng cuối cùng, tôi nghĩ rằng đất nước của chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, tôi nghĩ nước Mỹ không phải là một đất nước hoàn hảo, chúng ta đã thấy điều này trong vài năm qua với vụ việc của George Floyd. Chúng ta đã thấy một lần nữa rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử không phải đã được giải quyết hoàn toàn. Nhưng chúng tôi đã tiến bộ hơn, vì vậy tôi hy vọng rằng mọi người sẽ tiếp tục cố gắng hành động để tạo ra một cộng đồng tốt hơn và sống theo lý tưởng của mình.
Chúng tôi sống cho lý tưởng của mình. Chúng tôi cần nhận ra nước Mỹ không hoàn hảo.
Việt Nam cần được biết đến là một quốc gia mà không phải chỉ vì cuộc chiến. Tôi nghĩ rằng hình ảnh Việt Nam trong mắt nhiều người Mỹ là cuộc chiến giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam có lịch sử và văn hóa phong phú. Tôi ước người Mỹ sẽ biết rằng hai nước đã từng chung một phần của lịch sử bi thảm. Nhưng có nhiều điều hơn là những nỗi đau của lịch sử ấy.
-
Chúng ta cần làm gì để có thể tăng cường hợp tác giáo dục, nhất là khi đại dịch vẫn đang hoành hành?
Tôi nghĩ chúng ta đang có những chương trình giáo dục tuyệt vời tại đây.
Tại TP.HCM có Đại học Fulbright, nơi có nhiều hoạt động và chương trình giáo dục Mỹ cho sinh viên Việt Nam. Tôi biết Fulbright có nhiều chương trình trao đổi với các trường đại học ở Mỹ, chẳng hạn như Đại học Dartmouth. Tôi nghĩ chúng ta có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn để phát triển giáo dục tại Việt Nam và Mỹ, tạo điều kiện cho sinh viên Mỹ đến Việt Nam và ngược lại.
-
Mỹ có chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện, nhưng một số người nói rằng chiến lược này vẫn thiếu định hướng rõ ràng trong chính sách kinh tế đối với khu vực. Liệu rằng TPP có thể hồi sinh dưới một hình thức nào đó không?
Chiến lược rất toàn diện và rõ ràng. Chúng ta sẽ thấy sự tham gia kinh tế của Mỹ nhiều hơn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự hồi sinh của TPP có thể là một cách để hỗ trợ cho điều này. Vì vậy, trong những tháng tới, chúng tôi có thể đưa ra cái gọi là “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPF) - khuôn khổ giải quyết cả những chủ đề bên ngoài thương mại truyền thống.
IPF, như chúng tôi gọi, xem xét các vấn đề liên quan đến kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vì vậy, khi chúng tôi tư vấn cho các chính phủ trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, chúng tôi tham khảo ý kiến của các thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp để cố gắng biến điều này thành khuôn khổ hữu ích và hiệu quả nhất.
Chúng tôi muốn một nước Mỹ trong khu vực không chỉ hiện diện về an ninh, mà còn cả đầu tư và thương mại.
-
Ông quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nào trong quan hệ song phương giữa hai nước?
Như ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Khí hậu, đã nói trong tuần trước, nhiều công ty, ngân hàng lớn nhất và nổi tiếng của Mỹ mong muốn kinh doanh ở các quốc gia có thành tích đã được chứng minh về việc sử dụng năng lượng xanh, như điện gió, năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam.
3.000 km bờ biển cung cấp rất nhiều cơ hội cho năng lượng xanh. Để thực hiện chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo là điều khó có thể làm được trong một sớm một chiều, nhưng Việt Nam là nơi tốt hơn hầu hết các nước khác để có thể làm được điều này. Đặc biệt là vì Việt Nam nhập khẩu toàn bộ than nên không phải lo lắng về việc đóng cửa các mỏ than và khiến nhân công mất việc. Vì vậy, đó là một quyết định quan trọng mà chính phủ Việt Nam đưa ra ở Glasgow.
Bây giờ, việc triển khai tiếp theo cũng quan trọng không kém. Việt Nam là nơi không chỉ Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác đều háo hức và sẵn sàng trợ giúp để thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng gió. Đây không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích của thế giới.
-
Nếu chỉ được dùng 3 từ để mô tả quan hệ song phương Việt - Mỹ, ông sẽ dùng 3 từ nào?
Đó có thể là ba từ: Future-oriented (định hướng tương lai), wide-ranging (trải rộng), optimistic (lạc quan).
Mọi thứ Việt Nam và Mỹ hợp tác trải rộng trên khắp lĩnh vực, từ an ninh, kinh tế, y tế, năng lượng, khí hậu, khoa học, công nghệ, thậm chí là không gian. Sự hợp tác có sự tham gia của hầu hết quan chức của hai chính phủ. Điều này thật sự đáng chú ý so với 10 hoặc 15 năm trước.
Tất nhiên, sự hợp tác của chúng ta có định hướng tương lai, vì những gì chúng ta làm thực sự hướng tới việc xây dựng một mối quan hệ tốt hơn, bền chặt hơn trong tương lai.
Chúng ta chia sẻ về lợi ích hoặc mục tiêu quốc gia về nguyện vọng đối với đồng bào của chúng ta, con cháu chúng ta. Tôi nghĩ Mỹ và Việt Nam là đối tác ở tầm quốc gia, và đây là lý do tôi cảm thấy rất lạc quan. Tôi nghĩ giới hạn duy nhất trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai là bầu trời.