Chiều 17/12, tại phiên tòa xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến chai Number 1 có ruồi tại Tiền Giang, vị hội thẩm nhân dân hỏi bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè) thời gian đe dọa người đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát (thị xã Thuận An, Bình Dương).
Minh cho biết, sau hai lần thương lượng để “đổi” chai Number 1 có ruồi để lấy 1 tỷ đồng nhưng bất thành, lần thứ ba gặp đại diện doanh nghiệp anh mới “hù” rằng, sẽ đưa thông tin lên chương trình 60 giây, báo đài và in 5.000 tờ rơi nhằm hạ uy tín Tân Hiệp Phát.
Bị cáo Võ Văn Minh và vật chứng trước tòa là chai Number 1. Ảnh: Việt Tường. |
Viện kiểm sát đề nghị 12 đến 13 năm tù cho bị cáo Minh
Vị hội thẩm hỏi bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, có báo công an hay không khi chi tiền cho nhân viên mang xuống Tiền Giang đưa cho Minh. Nữ giám đốc khẳng định không báo công an nên vị hội thẩm đặt nghi ngờ: “Không báo sao công an biết?”. Bà Bích nói: “Điều này tôi không rõ”.
Trong phần luận tội, đại diện cơ quan công tố cho rằng, khi Minh phát hiện chai Number 1 có ruồi, đúng ra bị cáo phải báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, xuất phát từ lòng tham, lười lao động, muốn ngồi mát để hưởng thụ nên Minh uy hiếp, đe dọa công ty, buộc họ đưa 500 triệu đồng là vi phạm pháp luật.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng cáo trạng truy tố Minh là có căn cứ, đề nghị xử bị cáo từ 12 đến 13 năm tù.
Trước đó, khi tham gia hỏi lãnh đạo và những người có liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo gồm luật sư Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam, nêu ra nhiều thông tin quan trọng trong các bút lục.
Cụ thể, nhân viên Trương Tiểu Long đến cơ quan điều tra để gửi đơn tố cáo của Tân Hiệp Phát nhưng không được bà Bích ủy quyền. Trợ lý của bà Bích cùng Long đi gặp Minh vào cuối năm 2014 nhưng ông này lại ký hợp đồng lao động với Tân Hiệp Phát vào giữa tháng 1/2015.
Giải thích điều này, vị trợ lý của Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát nói rằng, ông thử việc 3 tháng mới được ký hợp đồng làm việc chính thức.
Đến lượt luật sư Nguyễn Đức Hoàng (Đoàn Luật sư TP HCM) bào chữa cho Tân Hiệp Phát hỏi bị cáo Minh, ông này đặt vấn đề, vì sao bị cáo có suy nghĩ sẽ đưa vụ việc lên báo, chương trình 60 giây… Sau câu hỏi này, luật sư của doanh nghiệp bị luật sư Thi cắt lời. Ông Thi nói: “Đồng nghiệp phía Tân Hiệp Phát chỉ có quyền chứng minh thiệt hại, bảo vệ cho nguyên đơn dân sự chứ không được hỏi như đại diện cơ quan công tố hay Hội đồng xét xử". Nhiều tiếng vỗ tay của những người dự tòa đã vang lên.
Luật sư Phạm Hoài Nam đề nghị Hội đồng xét xử trả tự do cho Minh tại tòa. Ảnh: Việt Tường. |
Luật sư Thi sau đó cũng hỏi bà Trần Ngọc Bích lý do công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Nữ giám đốc trả lời, do anh Minh gián tiếp làm ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh số của đơn vị. “Anh Minh chưa thông tin cho báo đăng, chưa phát tờ rơi thì làm sao Tân Hiệp Phát bị thiệt hại”, luật sư Thi hỏi bà Bích. Nữ giám đốc nói: Vì thông tin dư luận. Bà Bích cũng khẳng định công ty không có người báo công an để bắt Minh.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Thi nói đại diện VKSND cho rằng Minh từng đi bộ đội, vợ chăm chỉ làm ăn nhưng anh này lười lao động, thích ngồi mát để hưởng thụ là thiếu khách quan.
Luật sư của bị cáo: Cơ quan điều tra sai sót
Theo luật sư bào chữa, trong vụ án này điều tra viên cho phép người bảo vệ quyền lợi cho bị hại tham gia dự cùng khi lấy lời khai Minh.
Vì vậy, mọi lời khai của nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát không có giá trị để xem xét trong vụ án này. “Khi đánh giá toàn diện cho thấy vụ án này các cơ quan tố tụng có dấu hiệu muốn buộc tội anh Minh cho bằng được dù các cơ quan này có nhiều sai sót. Sai sót nặng nhất là cơ quan điều tra bởi ngày 5/2, họ cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi nhưng ngày 6/2, công an lấy lời khai Minh đã hỏi anh ấy là có cần luật sư hay không”, ông Thi nói.
Ông Võ Hồng Phương, đại diện Viện kiểm sát Tiền Giang. Ảnh: Việt Tường. |
Theo luật sư Thi, sau khi điều tra viên làm việc với anh Minh vào ngày 6/2 thì đến ngày 9/2, người bào chữa mới nhận được giấy chứng nhận. Điều này đã làm hạn chế đến quyền lợi của bị can. Người bào chữa này cũng cho rằng, trong vụ án này không có bị hại nên bị cáo Minh không phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
Luật sư nhận định, Minh đã bị Công ty Tân Hiệp Phát “gài bẫy” nên công an đã bắt quả tang khi bị cáo vừa nhận tiền. Với các luận chứng cho rằng Minh không cưỡng đoạt tiền của Tân Hiệp Phát, luật sư Thi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Minh không phạm tội. Trước đó, luật sư Phạm Hoài Nam cũng nêu ra yêu cầu này và đề nghị Hội đồng xét xử trả tự do cho bị cáo tại tòa.
Tranh luận với luật sư, ông Võ Hồng Phương, đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang, cho rằng người bào chữa yêu cầu nhân viên của Tân Hiệp Phát phải có giấy ủy quyền của lãnh đạo khi đi gửi đơn tố cáo là không thỏa đáng. Theo vị này, mọi công dân khi phát hiện tội phạm đều có quyền tố cáo, không cần giấy ủy quyền. Sau khi Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC44) tiếp nhận tố cáo của Tân Hiệp Phát, đơn vị này phân công cán bộ theo dõi, điều tra để bắt quả tang Minh là phù hợp, anh này không bị ai “gài bẫy”.
Ngày mai, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc từ 7h30.