“Kết quả là nhiều người có học vị thạc sĩ nhưng thao tác nghiên cứu chưa rành, viết câu sai ngữ pháp, viết từ sai chính tả, không biết quy cách ghi tài liệu tham khảo.
Tôi từng đọc những luận văn cao học mà người viết không biết thế nào là 'hưởng dương', thế nào là 'hưởng thọ”.
Thầy bảo có luận văn liên quan đến những lý thuyết mình chưa nghiên cứu sâu thì phải đọc thêm tài liệu. Sau này được mời chấm luận văn cao học, tôi càng thấm thía lời thầy.
Tham gia hội đồng chấm luận văn cũng là dịp mình học thêm từ người học và từ hội đồng. Nhớ hồi đi học, nhận xét luận văn của các thầy đến 4-5 trang, săm soi từng câu từng chữ, từng trích dẫn, từng dấu chấm câu.
Có thầy còn mắng té tát học trò. Hội đồng đôi khi căng thẳng nhưng vẫn là không khí học thuật thật sự. Vì vậy, học viên các khóa sau thường phải dự buổi bảo vệ của các anh chị khóa trước. Mỗi buổi bảo vệ thường giúp người học lớn lên nhiều.
Theo lời người thầy quá cố của tác giả, “Viết nhận xét một luận văn văn học có khi còn vất vả hơn viết một bài báo khoa học”. |
Dự trên 20 hội đồng nhưng chưa đọc một luận văn nào
Bây giờ, nhiều thành viên hội đồng dường như không có thời gian để đọc luận văn. Đi chấm luận văn cao học ở vai trò phản biện nhưng không mang theo luận văn, không có bản nhận xét.
Nhiều lần tôi được các đồng nghiệp trong hội đồng mượn bản luận văn, lật một vài trang rồi ngoáy vội vàng cho kín gần hai tờ giấy A4, khoảng 15 phút, trong thời gian học viên trình bày luận văn.
Sức tư duy như thế quả đáng khâm phục, dẫu có thể đã đọc trước ở nhà. Một bậc đàn anh của tôi từng nói thẳng: được mời tham gia trên 20 hội đồng chấm luận văn cao học nhưng chưa hề đọc bất cứ một luận văn nào.
Không đọc thì lấy gì nhận xét? Có lắm công thức, chiêu trò để các thầy “múa may quay cuồng, hô phong hoán vũ, đảo hải di sơn”.
Chiêu thứ nhất là “Khai môn kiến sơn”: đề tài có ý nghĩa học thuật, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa/hội nhập quốc tế sâu rộng/kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, không trùng với bất cứ đề tài nào khác, phù hợp với mã số chuyên ngành. Mỹ từ, mỹ ngữ, mỹ cú... bay như mùa xuân rợp trời chim én liệng.
Chiêu thứ hai là “Không nói cũng biết”: lý do chọn đề tài rõ ràng/hoặc chưa rõ, tình hình nghiên cứu khá tốt, phương pháp nghiên cứu thỏa đáng/hoặc chưa thỏa đáng, kết cấu ba chương hợp lý, chương 1 dài xx trang, nói gì nói gì, chương 2 dài yy trang, nói gì nói gì... vân vân và vân vân.
Chiêu thứ ba gọi là “Bắt mạch điểm huyệt”: đầu tiên khen một ít rồi sau chê một ít. Khen thì khen chung chung. Chê thì nhìn qua tổng thể rồi đọc kỹ một vài trang mà với trình độ của thầy đã nhận ra ngay.
Nhiều luận văn không khó tìm ra lỗi để bắt, từ hình thức đến nội dung, từ tên đề tài đến kết cấu, từ ngữ pháp đến ngữ nghĩa, từ văn phạm đến văn phong, từ chú thích đến chú giải, từ tự luận đến cắt dán...
Nói chung là từ đầu đến cuối, từ cuối trở lại đầu, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, học viên tưởng thầy đọc kỹ lắm, sâu lắm nhưng biết đâu chỉ là “trình diễn”.
Chiêu tiếp theo là “Giơ cao đánh khẽ”: luận văn thể hiện công phu, tâm huyết của người học, rất đáng khen ngợi.
Cuối cùng là “Nhắm mắt cho qua”: dù có một số hạn chế, tác giả luận văn xứng đáng nhận học vị..., kính đề nghị hội đồng thông qua.
Toàn là hư chiêu
Nhà quản lý biết cả nhưng cũng đành ra chiêu “botay.com”. Mà cũng không nên trách các thầy.
Thứ nhất, tiền đọc luận văn và chấm luận văn theo tiêu chuẩn nhà nước quá “bèo”. Nếu làm nghiêm túc, đọc kỹ một bản luận văn 120 trang mất ít nhất hai buổi tối, viết nhận xét thêm một buổi, tham gia hội đồng mất một buổi nữa, vị chi bốn buổi nhưng tất tần tật chỉ được 400.000 đồng (xấp xỉ ngày lương thợ hồ và thua một người bán vé số).
Những trường như SP hay VH, học viên là sinh viên mới ra trường còn thất nghiệp, là giáo viên hoặc viên chức quèn lấy đâu ra tiền để phong bì phong pháo bồi dưỡng thêm cho hội đồng.
Thứ hai, nhận xét kỹ quá, người khác cho rằng mình khoe chữ, “khó chơi”, “chấm” trò nhưng cũng là “chấm” thầy chứ nào phải chuyện chơi, vuốt mặt cũng phải nể mũi.
Thứ ba, không ai nỡ đánh rớt học viên. Chưa bắt đầu buổi bảo vệ nhưng hoa chúc mừng đã dàn trận ở phía cuối hội trường, máy ảnh đã bấm tanh tách, ai nỡ phang ngang bửa củi làm hỏng cuộc vui đã được mặc định.
Thứ tư, mỗi năm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thạc sĩ ra lò, đề tài nghiên cứu tìm đâu cho đủ. Tác gia văn học Việt Nam, lật tới lật lui vài trăm cụ, xoay nghiêng xoay ngửa mãi cũng chẳng còn gì để nói.
Vì vậy nhiều cây bút (chưa đáng gọi là tác giả) mới nổi lên 5-7 năm đã được đem ra làm đối tượng nghiên cứu. Bề dày sáng tác chưa có, phong cách chưa định hình, có gì mà nói.
Thầy cũng chưa đọc tới văn chương của ông bà đó, hơi đâu bàn luận sâu cho mệt. Nếu cơ sở đào tạo không mời vào hội đồng càng khỏe, khỏi phải tìm cớ lịch sự nhất để từ chối vì cả tiếng lẫn miếng đều không có gì.
Thứ năm, thầy chấm cũng biết rằng thầy hướng dẫn không có thời gian để đọc và sửa cho học trò.
Nói đi vẫn phải nói lại. Nhiều thầy cô giáo rất có trách nhiệm đối với công việc. Nhưng một số ít, vì những lý do đã nói, làm cho xong chuyện. Có chết ai đâu?
“Sập bẫy sính bằng cấp”
Chúng ta đang phổ thông hóa tấm bằng đại học và cử nhân hóa bằng thạc sĩ. Đã mở rồi thì khó mà đóng lại. Hàng chục ngàn thạc sĩ thất nghiệp do dư thừa và cũng do không có chất lượng.
Trong kinh tế có thuật ngữ “sập bẫy thu nhập trung bình” để chỉ tình trạng kinh tế sau khi vượt ngưỡng nghèo thì chựng lại, không vươn lên ngưỡng khá và giàu được. Tình trạng đào tạo như trên tạm gọi là “sập bẫy sính bằng cấp”: bằng cấp nhiều mà chẳng biết để làm gì, không nâng được chất lượng đào tạo và chất lượng khoa học! Thừa mà vẫn thiếu.
Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời, trong trụ cột cộng đồng văn hóa - xã hội có cái đích là cùng giáo trình, cùng chương trình giảng dạy, cùng nội dung giảng dạy để cùng có nguồn nhân lực chất lượng tương đương.
Một cộng đồng, một tầm nhìn, một bản sắc là vậy. Sẽ có chung tấm hộ chiếu ASEAN cho công dân của 10 nước khi đi ra thế giới. Các nước sẽ công nhận bằng cấp của nhau nhưng nếu chất lượng đào tạo của ta không bằng bạn bè thì cũng đáng buồn và đáng lo.