Hơn 20 năm tham gia ca hát, từ một cậu học trò tỉnh lẻ, một mình khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội học nhạc, Tấn Minh nay đã trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của thể loại semi classic tại Việt Nam. Trong suốt chặng đường theo đuổi nghệ thuật, Tấn Minh chọn cho mình một hành trình đi lên chậm rãi, kiên định, như một người chăm chỉ leo những bậc thang dài. Nhiều người cho rằng, chính sự an toàn và chỉn chu khiến hình ảnh của anh tẻ nhạt, thiếu sự bứt phá để trở thành một ngôi sao lớn của nền tân nhạc Việt Nam đương đại. Nhưng trong liveshow đầu tiên của Tấn Minh diễn ra vào tối 16/11 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, nằm trong chuỗi sự kiện âm nhạc In the spotlight, khán giả đã phần nào khỏa lấp những kỳ vọng về một Tấn Minh rất khác, bùng nổ trong âm nhạc.
Tấn Minh thăng hoa trong liveshow đầu tiên của sự nghiệp. |
Nền tảng hạnh phúc gia đình là điều khiến nam ca sĩ sinh năm 1972 yên tâm và thăng hoa hơn trong nghệ thuật. Sự xuất hiện của vợ Tấn Minh - nghệ sĩ chèo Thu Huyền - là một bất ngờ lớn đối với khán giả vì trước đó, ca sĩ Những mùa đông yêu dấu từng tâm sự rằng anh đã mất nhiều ngày để thuyết phục bà xã lên sân khấu nhưng đều bất thành. Trong liveshow lần này, hai vợ chồng nghệ sĩ đã cùng nhau thể hiện ca khúc Đào liễu đầy ăn ý.
Theo tiết lộ của Thu Huyền, ban đầu, cô rất ngại vì không biết hát gì, làm gì trên sân khấu hiện đại mà cô lại là nghệ sĩ chèo. Nhưng nhờ Tấn Minh động viên rằng anh sẽ hát chèo cùng nên cô đã nhận lời. Là một hậu phương vững chắc luôn kề cận bên chồng suốt nhiều năm nay, Thu Huyền không khỏi xúc động khi Tấn Minh đã cố gắng học cách hát chèo. Đó là điều không đơn giản với một ca sĩ nhạc nhẹ. Dù vậy, giọng ca truyền cảm, phong thái điềm tĩnh của Tấn Minh kết hợp với vẻ lúng liếng, lẳng lơ của nghệ sĩ đã "đóng đinh" qua vai diễn Thị Màu đã làm nên một tiết mục khó quên trong đêm nhạc.
Bên cạnh việc hát chèo cùng vợ, Tấn Minh coi dòng nhạc dân gian đương đại là một phần thử thách trong liveshow bởi anh ít khi hát theo phong cách này. Trước đây, giọng ca thành Nam từng thu âm ca khúc Còn ngày dài, còn tình đầy (Quốc Bảo) trong album đầu tay. Nhưng anh cất lại cho riêng mình và để tới tận bây giờ mới mang ra trình diễn trước hàng ngàn khán giả. "Có người nhớ, có người quên, nhưng đây lại là ca khúc tôi thích nhất trong CD đầu tiên của mình".
Với Tấn Minh, dân gian đương đại như một góc nhỏ trong âm nhạc của anh mà ở đó, anh tự do thể hiện cá tính khác biệt, xen lẫn giữa những chuẩn mực, khuôn thước của nhạc nhẹ mà anh theo đuổi bấy lâu. Các ca khúc mang âm hưởng dân gian như Một thoáng Tây Hồ, Mái đình làng biển cũng góp phần làm nên một Tấn Minh đa chiều hơn và không kém phần mới lạ với những bản phối pha chút jazz hoặc nhạc điện tử do nhạc sĩ Hồng Kiên thực hiện.
Nam ca sĩ sinh năm 1972 lần đầu song ca cùng vợ trên sân khấu trong một ca khúc chèo. |
Trở về với dòng nhạc nhẹ sở trường của mình, Tấn Minh khẳng định giọng ca hàng đầu và đẳng cấp không đổi theo thời gian. Những ca khúc quen thuộc ghi dấu ấn với giọng ca của Tấn Minh lần lượt được anh biểu diễn trên sân khấu: Bức thư tình đầu tiên, Phượng hồng, Mối tình đầu, Những mùa đông yêu dấu... Sau hàng chục năm, anh hát lại Phượng hồng, Mối tình đầu thuở nào với xúc cảm vẹn nguyên, vẫn mộc mạc, chân thành nhưng nay đã trưởng thành hơn. Ngoài ra, giọng ca Tấn Minh còn được đánh giá cao với nhạc Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... Từ tình cảm biết ơn gửi tới đấng sinh thành trong ca khúc Mẹ của Phú Quang, cho tới chất trữ tình, tự sự với Tôi ru em ngủ (Trịnh Công Sơn), Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy), đến cả ca khúc mà anh chưa từng thể hiện như Buồn ơi chào mi (Nguyễn Ánh 9), đều được khán giả vỗ tay không ngớt.
Hà Nội trong Tấn Minh cũng lại là một góc khác để anh nhắc tới thân thương như một quê hương thứ hai của mình. Nơi đây đã in dấu những bước đường trưởng thành của anh trong những năm tháng đầu tiên lập nghiệp, đến cả hiện tại, khi anh đã có một tên tuổi vững chắc trong làng nhạc cùng một mái ấm hạnh phúc và viên mãn. Đó có thể là Hà Nội của "Những ngày tôi lang thang/ Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội/ Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/ Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi..." (Hà Nội và tôi - Lê Vinh), hoặc những ấn tượng khác về "Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói/ Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi..." (Mong về Hà Nội - Dương Thụ).
Trong liveshow, Tấn Minh ôn lại kỷ niệm xưa cùng người bạn thân là ca sĩ Mỹ Linh. Nổi tiếng cùng thời, nhưng hai người dường như ở hai thái cực hoàn toàn khác. Khi một người nỗ lực bứt phá, làm mới mình để bước lên hàng diva nhạc Việt, còn một người lại chọn con đường nổi tiếng chậm rãi, bình thản như một cách chấp nhận lẽ tự nhiên. Mỹ Linh nhớ lại hồi mới đi hát cùng Tấn Minh, cả hai đã cùng nhau chia sẻ từng đồng bạc nhỏ, lúc đó, cát-xê chỉ được 8.000 đồng đủ để ăn hai bát phở. Hơn 20 năm trôi qua, hai giọng ca hàng đầu của làng nhạc Việt đứng trên sân khấu song ca mùi mẫn những bản tình ca như Mong anh về (Dương Cầm), Vẫn mãi mong chờ (Anh Quân).
Tấn Minh song ca tình tứ cùng khách mời đặc biệt của chương trình - diva Mỹ Linh. |
Chặng đường âm nhạc hơn 20 năm được Tấn Minh gói gọn trong hơn 2 tiếng, làm thỏa mãn khán giả với những cảm xúc lãng mạn của một thời Phượng hồng đến cả bất ngờ mà nhiều người từng kỳ vọng ở liveshow lần này. Còn với nam ca sĩ sinh năm 1972, hạnh phúc với anh cũng đã vẹn tròn.
Trên con đường nghệ thuật anh đã chọn, có thể một số người cho rằng anh chưa thực sự thành công khi chưa đi đến đỉnh cao. Nhưng thành công là một khái niệm trừu tượng, với một người gần như "đứng ngoài showbiz" như cách Mỹ Linh nói, thì được sống hết mình với âm nhạc cũng đã là một điều tuyệt vời. "Tôi muốn được là chính tôi, được làm việc gì mình thích nhất mà không phải phụ thuộc vào bất kể người nào. Tôi chưa phải làm một điều gì tôi không thích trong âm nhạc. Xét như thế tôi có thể tự tin mình là người hạnh phúc nhất, âm nhạc không đem đến cho tôi cái nọ cái kia nhưng những nhu cầu đích đáng thì không có gì là không có. Như vậy tôi là người hạnh phúc đúng không?", nam ca sĩ trải lòng.