Huấn luyện viên Nguyễn Lê Trung Tài, trọng tài Liên đoàn Cử tạ - Thể hình TP.HCM phân tích những điểm khó khăn, lợi thế trong việc tăng và giảm cân.
Tại sao ăn nhiều nhưng không tăng cân?
Nhiều người cho rằng chỉ cần ăn nhiều hơn so với trước đây sẽ dư thừa calo và tăng cân. Thực tế, một số trường hợp dù áp dụng cách này vẫn không cải thiện được vóc dáng bởi họ ăn quá ít (ăn nhiều hơn trước nhưng vẫn chưa đạt mức cơ thể cần), cơ thể không hấp thu, mắc bệnh lý.
Bạn chỉ có thể cải thiện bằng cách tập luyện thể thao và kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi cơ thể vận động sẽ giúp bạn tăng cường trao đổi chất, ăn nhiều hơn, hấp thu tốt.
Điều quan trọng, bạn cần biết rõ mình nên tập những gì, như thế nào để cơ thể đạt mức cần phải ăn và ăn ngon miệng. Đa số chúng ra thường mắc lỗi sai tập quá lâu, kéo dài 2-3 tiếng trong một buổi tập. Tập quá sức gây kiệt sức, mệt mỏi, uể oải không muốn ăn mà chỉ cần ngủ. Lúc này, cơ thể bạn càng giảm mỡ.
Tăng cân hay giảm cân khó hơn? Ảnh: Alkhaleej |
Người gầy không nên tập quá nặng, hãy tăng cường độ tập và trọng lượng tạ lên từ từ, phù hợp với sức khỏe, thời gian vận động khoảng 40-60 phút mỗi ngày. Chỉ cần bạn tập đúng cách cơ thể sẽ kích thích sự thèm ăn.
Việc dễ thực hiện nhất của người gầy muốn tăng cân chính là chế độ dinh dưỡng. Yếu tố này quyết định bạn có thể tăng cân được hay không. Bạn có thể ăn bất cứ loại thực phẩm nào bạn thích. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý nạp đủ lượng protein để cơ thể có nguyên liệu xây dựng cơ. Chúng có tác dụng giúp tăng cân nhưng không tích trữ nhiều mỡ thừa như những người chỉ ăn tinh bột và dầu mỡ.
Bên cạnh đó, người gầy yếu nên tẩy giun định kỳ, bổ sung thêm sữa chua, men tiêu hóa. Mỗi bữa bạn không nên ăn quá nhiều, chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa trong ngày. Lượng thức ăn không nên tăng đột ngột, có thể gây quá tải cho hệ tiêu hóa.
Vì sao bạn giảm cân thất bại?
Người thừa cân, béo phì khó cải thiện vóc dáng thường do hai nguyên nhân chính là ăn quá nhiều, dư thừa calo dẫn đến tích mỡ và mắc các bệnh lý về tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ, tiểu đường loại 2,...
HLV Nguyễn Lê Trung Tài. Ảnh: NVCC |
Với trường hợp đầu tiên, bạn cần hiểu nguyên tắc duy nhất để giảm được lượng mỡ trong cơ thể là lượng calo nạp vào cần thấp hơn calo tiêu thụ. Đa số mọi người chọn cách giảm hoặc nhịn ăn để giảm cân. Cách này mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng không tối ưu và lâu dài. Cân nặng mất đi chủ yếu là nước. Khi cắt giảm quá nhiều calo, bạn sẽ không duy trì chế độ này được lâu và dễ dàng ăn nhiều trở lại. Lúc này, bạn sẽ tăng cân nhanh chóng mặt. Ngoài ra, nhiều vấn đề sức khỏe khác sẽ kéo đến từ cách giảm cân thiếu khoa học này.
Với trường hợp thứ hai, bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng điều trị tốt nhất.
Người thừa cân có khả năng tập các bài liên quan đến sức mạnh với tạ rất tốt, giúp tiêu hao nhiều calo hơn trong buổi tập. Tuy nhiên, họ thường lười vận động, nhiều mỡ gây hoạt động chậm chạp, sức bền kém.
Điều khó nhất với người muốn giảm mỡ là thay đổi chế độ ăn uống. Thói quen ăn vô tội vạ nhiều năm phải điều chỉnh lại, lập kế hoạch giảm lượng calo phù hợp để cơ thể thích nghi lâu dài, đến khi đạt được mức cân nặng mục tiêu.
Phương pháp tối ưu nhất chúng ta nên áp dụng là tập luyện để phát triển cơ bắp, cardio đốt cháy calo.Thực đơn ăn theo tỷ lệ đạm - tinh bột - dầu mỡ hợp lý, khoa học.
Tăng hay giảm cân đều có những điểm khó và lợi thế khác nhau. Quan trọng bạn phải có phương pháp tập và chế độ ăn hợp lý. Cả hai trường hợp đều cần thời gian nhiều thời gian để thay đổi, có kế hoạch dài hạn.