Tuy nhiên, với sinh viên là người dân tộc, học ở những ngành đặc thù thì chuyện tăng học phí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội học tập của các em.
Nguy cơ bỏ học
Nghị quyết 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành năm 2015 đã quy định rõ lộ trình tăng học phí qua từng năm học.
Trước áp lực tăng học phí hàng năm, sinh viên Vàng Thị Dếnh đến từ Điện Biên đang học năm thứ ba ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, ĐH Văn hóa Hà Nội, cho biết năm đầu tiên, do không biết mình thuộc khu vực 135 theo quy định của Chính phủ được miễn giảm học phí nên Dếnh đóng học phí 100%.
“Khi đóng học phí, kỳ I là gần 4 triệu đồng, kỳ II là gần 9 triệu đồng, lúc đó, em có ý nghĩ nếu sang năm thứ hai vẫn phải đóng mức học phí như thế này thì không biết có tiếp tục theo học được hay không. Vì năm thứ hai, năm thứ ba bắt đầu vào chuyên ngành, số tín chỉ sẽ cao hơn, tiền học phí cũng tăng lên, tổng số tiền phải đóng sẽ nhiều hơn rất nhiều”, Dếnh chia sẻ.
Nhưng rất may, đến năm thứ hai, Dếnh được thông báo là được miễn giảm học phí vì thuộc diện 135, lúc đó, em mới thở phào vì biết mình có thể theo học được.
Sinh viên ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số của trường ĐH Văn hóa Hà Nội trong một giờ học. Ảnh: Nghiêm Huê /Tiền Phong. |
“Nếu Nhà nước không có chính sách miễn giảm thì chắc chắn sau năm thứ nhất, năm thứ hai, em có thể không theo học được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”, Dếnh nói.
Cùng khoa, cùng tỉnh Điện Biên với Dếnh còn có sinh viên Cao Thùy Linh, sinh viên năm thứ hai của trường. Cũng là con em dân tộc nhưng Linh không thuộc vùng 135 nên phải đóng 100% học phí.
“Học phí tiếp tục tăng theo quy định mà không được miễn giảm, em không biết có tiếp tục theo học được không”, Linh băn khoăn.
Chia sẻ với băn khoăn của sinh viên, thầy Nguyễn Anh Cường, Trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, ĐH Văn hóa Hà Nội, cho biết cách đây khoảng ba, bốn năm, trung bình khoa tiếp nhận khoảng 70-80 sinh viên nhập học. Nhưng hai, ba năm gần đây số lượng giảm hẳn xuống. Số liệu mới nhất năm nay là 30-40 sinh viên.
“Cũng hai, ba năm trở lại đây, số lượng sinh viên trong khoa được chúng tôi ký xin thôi học vì hoàn cảnh quá khó khăn tăng lên rất nhiều. Chúng tôi cũng đã khuyên hết lời nhưng các em đều có giấy xác nhận của địa phương là gia đình quá khó khăn, không đủ điều kiện để các em theo học”, thầy Cường nói.
Cũng theo thầy Cường, sinh viên của khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số gần như 100% là con em đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo, vùng biên giới. Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các sinh viên này.
“Phần nhiều các em được giảm học phí nhưng không phải là tất cả. Nhưng cũng chỉ là miễn giảm, chứ không phải miễn hoàn toàn nên có em được giảm 70%, có em được giảm 30%, trừ trường học đặc biệt miễn hoàn toàn. Vì vậy, nếu tiếp tục tăng lên thì coi như không giảm so với bây giờ. Trong khi hiện tại, các em vẫn đang rất khó khăn. Nguy cơ nghỉ học giữa chừng rất lớn”, thầy Cường phân tích.
Không cào bằng học phí
Tăng học phí không chỉ là áp lực với người học mà còn áp lực với chính các trường ĐH. Vì vậy, các trường đều chọn một hướng đi là không cào bằng tất cả học phí các ngành.
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết có một số ngành đặc thù của trường, học phí chỉ cao hơn khi chưa thực hiện tự chủ một chút.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó hiệu trưởng ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng cho biết: “Trước mắt hay lâu dài, nhà trường đều đang áp dụng lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86. Điều lợi là nhà trường có thêm nguồn thu, tái đầu tư trở lại hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, kinh phí tăng thêm còn hỗ trợ cho giáo viên được tham gia học chương trình tập huấn, nghiên cứu khoa học để cập nhật kiến thức. Tuy nhiên, cũng rất cần lộ trình và căn cứ vào thực tế để mỗi trường xác định bước đi cho phù hợp”- bà Việt Hương chia sẻ.
Theo bà Việt Hương, ở ĐH Văn hóa Hà Nội, có những ngành áp dụng kịch trần học phí theo Nghị định 86, trong tương lai nếu thực hiện tự chủ có thể áp dụng mức thu cao hơn và không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, với những ngành đặc thù, trường băn khoăn trong việc có áp dụng mức trần của Nghị định 86 hay không.
“Ngành văn hóa các dân tộc thiểu số, người học chủ yếu là con em dân tộc thiểu số. Đây là ngành học đặc thù chỉ Việt Nam có, rất phù hợp điều kiện xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu áp dụng mức trần học phí đối với đối tượng này thì sẽ là một khó khăn với người học”, bà Việt Hương nêu ví dụ.
Giải pháp với những ngành này rất cần sự hỗ trợ theo cơ chế đặt hàng của nhà nước. Trường đã đề xuất phương án này với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Bộ và trường đã trình đề án và được Chính phủ chấp nhận những ngành đặc thù khó tuyển sẽ có cơ chế
đặt hàng.