15 chương trình liên kết giữa các trường đại học New Zealand và Việt Nam mở ra cho học sinh, sinh viên nhiều lựa chọn, đặc biệt là những ngành đặc thù như Công nghệ Thực phẩm, Dược, hay những chuyên ngành mới trong nhóm ngành Kinh doanh - Thương Mại.
Hướng đi khác biệt trong nhóm ngành Thương mại
Vũ Quyết Thắng sớm quyết định theo học chương trình liên kết Cử nhân Thương mại giữa Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Victoria Wellington (New Zealand) khi phát hiện chương trình này có chuyên ngành Hệ thống thông tin (Information System) mà cậu yêu thích.
Theo Quyết Thắng, một trong những điểm đặc biệt của chương trình liên kết ở Đại học Victoria Wellington (New Zealand) là mô hình giáo dục đa chiều. Trường áp dụng phương pháp đào tạo linh hoạt, giúp sinh viên trau dồi kỹ năng liên ngành và nắm bắt cơ hội từ "thị trường ngách", từ đó tạo ưu thế trong cạnh tranh việc làm.
“Môn chung, cơ sở ngành của mình thuộc mảng kinh doanh, nhưng mình được học thêm các môn về công nghệ như Database, Information System… Tức là sinh viên sau khi học có khả năng làm về phần mềm, các hệ thống TMĐT (e-commerce), triển khai phần mềm quản lý, điều hành cho doanh nghiệp. Tất cả môn học ở New Zeland đều rất thực tế và sát với công việc hiện tại của mình”, Thắng chia sẻ.
Vũ Quyết Thắng chọn chương trình liên kết Cử nhân Thương mại giữa Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Victoria Wellington (New Zealand). |
Thắng cho biết sinh viên còn được nhà trường hỗ trợ liên hệ công việc thực tập vào năm cuối. Thay vì nghỉ hè, Thắng đã tận dụng khoảng thời gian này để đi thực tập, điều này đã giúp cậu có kinh nghiệm và điểm cộng để xin việc tại New Zealand ngay sau khi tốt nghiệp.
“Lúc đầu, mình khá băn khoăn khi lựa chọn ngành này. Nhiều người nói rằng đây là ngành học ‘nửa nạc nửa mỡ’, khó tìm việc. Thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Sau khóa học, công việc của mình tại Việt Nam diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp thường đưa ra mức lương trên 1.000 USD/tháng”, Thắng chia sẻ.
Bên cạnh chuyên ngành Hệ thống thông tin, sinh viên theo học chương trình liên kết Cử nhân Thương mại của Đại học Victoria Of Wellington và Đại học Kinh tế TP.HCM có thêm lựa chọn khác như Quản trị nguồn nhân lực và Quan hệ lao động, Kinh doanh quốc tế, Quản trị, Quản trị du lịch, Marketing, Khoa học dữ liệu và Chính sách công, Định phí bảo hiểm, Luật thương mại, Kinh tế học…
Khoa học Thực phẩm - tiềm năng việc làm trong nước và quốc tế
“Câu hỏi đầu tiên mà các bạn sinh viên cân nhắc ngành Khoa học Thực phẩm là sau này làm việc gì?”, Hoàng Lê Vân Anh - điều phối viên chương trình Cử nhân Công nghệ Thực phẩm của Đại học Bách Khoa và Đại học Otago (New Zealand) - chia sẻ. Theo chị Vân Anh, cơ hội việc làm rộng mở ở cả quốc tế lẫn Việt Nam chính là lý do để sinh viên theo đuổi ngành học này.
Hoàng Lê Vân Anh - điều phối viên chương trình Cử nhân Công nghệ Thực phẩm của Đại học Bách Khoa và Đại học Otago (New Zealand). |
Đánh giá thị trường việc làm khối ngành thực phẩm, chị Vân Anh cho rằng thế mạnh của Việt Nam là nguồn nguyên liệu nhóm hàng nông sản chủ lực (gạo, cà phê, rau quả…) cùng chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi. Do đó, nước ta đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư công nghiệp chế biến thực phẩm của doanh nghiệp toàn cầu. Khoa học Thực phẩm cũng thuộc top 10 ngành có nhu cầu nhân lực nhiều nhất ở Việt Nam. Đối với New Zealand, quốc gia này nổi tiếng về sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản, là ngành kinh tế tạo ra 15 tỷ USD/năm. Đây là môi trường học tập cho sinh viên theo học khối ngành này.
Theo học ngành Khoa học Thực phẩm tại New Zealand, du học sinh được rèn luyện trong môi trường 100% tiếng Anh. Nói thêm về quá trình chuyển tiếp sang New Zealand, Vân Anh nhận định hai năm học tại Việt Nam sẽ đặt nền móng cho kiến thức và ngoại ngữ, hai năm đào tạo tại New Zealand là thời gian để tập trung vào các môn học dinh dưỡng, vi sinh, hóa sinh… và kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành.
Sinh viên khối ngành này khi ra trường có thể làm việc ở nhiều ngành liên quan đến thực phẩm như quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, R&D, đầu quân vào các công ty, nhà máy sản xuất lương thực - thực phẩm... của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Mức lương khởi điểm cho ngành này tại New Zealand là 56.000 NZD/năm.
Sinh viên theo học ngành Khoa học Thực phẩm tại New Zealand có cơ hội việc làm rộng mở. |
Cử nhân Dược chương trình liên kết
Khối ngành Sức khỏe thường được xếp vào nhóm “cửa hẹp” vì không có nhiều chương trình liên kết học tập quốc tế. Anh Lê Xuân Lộc - từng tham gia chương trình trao đổi và nghiên cứu ở New Zealand, hiện công tác tại Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP.HCM - cho rằng rất nhiều sinh viên bày tỏ khó khăn trong việc du học ngành Dược.
"Ngành Dược và Sức khỏe nói chung có học phí cao, thời gian học dài hơn so với các ngành khác. Bản thân yêu cầu đầu vào của nhóm ngành này cũng đòi hỏi nhiều yếu tố. Hơn nữa, không dễ để sinh viên có thể tìm được học bổng vì tỷ lệ cạnh tranh rất lớn", Lê Xuân Lộc cho biết.
Chính vì thế, anh đánh giá chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM với Đại học Đại học Otago (New Zealand) là cơ hội dành cho sinh viên ngành Dược muốn trải nghiệm thêm nền giáo dục chất lượng quốc tế. Đây cũng là chương trình học ngành Dược đầu tiên có sự hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand.
Theo anh Xuân Lộc, ưu điểm của liên kết đào tạo là sinh viên được tiếp cận chương trình giáo dục chuẩn quốc tế với những yêu cầu “dễ thở” hơn và bằng cấp do trường ĐH uy tín của New Zealand cấp. Điểm nổi bật của chương trình này là sinh viên có nhiều lựa chọn cho lộ trình học: 2+3 để có bằng từ Đại học Otago hoặc 2+3+1 để nhận bằng từ cả Đại học Otago và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Chương trình học này cho phép sinh viên khám phá và đánh giá ngành học sau hai năm rèn giũa trong nước, từ đó xem xét đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài. Sinh viên muốn chuyển tiếp và săn học bổng quốc tế sẽ có thêm hai năm chuẩn bị về tiếng Anh và kiến thức. Từ đó, người học có thể đánh giá được sự phù hợp của bản thân với ngành học, cũng như đưa ra lộ trình phù hợp cho mình.
“Theo tính toán, học phí 2 năm đầu tại Việt Nam rơi vào khoảng 60 triệu đồng/năm, các năm sau tại New Zealand là 42.000 NZD/năm. Đặc biệt, sinh viên được nhận 3.000 NZD học bổng khi vào Đại học Otago. Tính ra, sinh viên giảm được đáng kể chi phí học, là mức đầu tư phù hợp”, Anh Xuân Lộc nhận xét ưu thế về mặt tài chính mà chương trình mang lại.
Anh Xuân Lộc đánh giá chương trình liên kết quốc tế giúp sinh viên tối ưu chi phí khi đi du học. |
Một ưu điểm khác của chương trình liên kết quốc tế là đa dạng cơ hội việc làm như trình dược viên, bào chế thuốc, nghiên cứu sinh làm ở phòng thí nghiệm... Du học sinh cũng được cấp visa làm việc lên đến ba năm tại New Zealand sau tốt nghiệp.
“Học Dược không chỉ là nghiên cứu và bán ra một viên thuốc. Đây là khối ngành bao hàm cả kỹ thuật và kinh tế. Do đó, thị trường việc làm của ngành này rất đa dạng, nhất là sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Theo mình biết, lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp ngành Dược không dưới 50.000 NZD/năm và tăng lên 80.000-100.000 NZD/năm sau 4 năm làm việc”, anh Xuân Lộc nhận định.
Có thể nói, việc lựa chọn chương trình học liên kết New Zealand - Việt Nam với những nhóm ngành "đặc thù" như Dược, Khoa học Thực phẩm hay các chuyên ngành mới trong khối ngành Thương mại… góp phần giúp sinh viên có thêm ưu thế cạnh tranh việc làm và phát triển sự nghiệp sau khi ra trường.
Bình luận