Tại Việt Nam, phương pháp này lần đầu tiên đã được Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
"Kẻ thù" của thụ tinh trong ống nghiệm
Trong thụ tinh ống nghiệm, có nhiều nguyên nhân dẫn tới không đậu thai như chất lượng phôi không cao, dính buồng tử cung, niêm mạc mỏng, nhân xơ dưới niêm mạc… Ngoài ra, các nhà khoa học đã đề cập tới một nguyên nhân nữa là rối loạn miễn dịch của mẹ sau khi chuyển phôi.
Tình trạng rối loạn miễn dịch của mẹ sau khi chuyển phôi là một nguyên nhân gây thất bại chuyển phôi. |
Rối loạn miễn dịch niêm mạc tử cung và tác động của nó tới kết quả thụ tinh ống nghiệm lần đầu tiên được đề cập năm 1983 bởi BS Nathalie Lédée - Giám đốc Matrice Lab (Pháp) và các cộng sự. Theo nghiên cứu, quá trình tiếp nhận phôi của người mẹ xảy ra nhờ khả năng điều hoà miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung, thông qua hoạt động của các yếu tố miễn dịch như tế bào uNK, lympho bào, cytokine.
Khi niêm mạc tử cung bị rối loạn, các yếu tố miễn dịch phôi sẽ không bám dính được, gây thải loại phôi, khiến quá trình chuyển phôi thất bại.
Nhóm chuyên gia Matrice Lab đã so sánh miễn dịch giữa nhóm các bà mẹ có thai sau lần chuyển phôi đầu tiên với các trường hợp IVF nhiều lần chưa đậu thai. Kết quả cho thấy có khác biệt rõ rệt về yếu tố miễn dịch ở niêm mạc tử cung.
Ở nhóm thất bại chuyển phôi trên 2 lần, niêm mạc tử cung người mẹ có hệ miễn dịch suy giảm hoặc hoạt động quá mức. Trên kết quả này, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ riêng biệt cho lần thụ tinh tiếp theo. Khi đó, tỷ lệ có thai cải thiện đáng kể trên nhóm này.
Kết quả thụ thai khả quan nhờ công nghệ từ Pháp
Chứng kiến sự thất vọng của không ít cặp vợ chồng thất bại chuyển phôi nhiều lần, các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã tìm được nguyên nhân cho hiện tượng phôi không làm tổ dù quá trình chuẩn bị rất tốt. Do đó, ngay khi tiếp cận được với Matrice Lab, Vinmec sớm đưa kỹ thuật này về Việt Nam.
Được sự hỗ trợ của BS Jean Clement Sage - chuyên gia hỗ trợ sinh sản người Pháp, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec đã áp dụng phương pháp này vào năm 2016 và thành công với nhiều bà mẹ từng chuyển phôi 4, 5 lần không đậu thai.
BS Jean Clement Sage (trái) đã giúp Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec tiếp cận phương pháp xét nghiệm rối loạn miễn dịch cho các trường hợp chuyển phôi thất bại nhiều lần. |
Để có những cơ sở tin cậy và áp dụng rộng rãi, trung tâm đã tiến hành nghiên cứu về rối loạn miễn dịch tại chỗ trên 100 trường hợp thất bại chuyển phôi trung bình 4 lần. Kết quả cho thấy, 72% trường hợp thất bại chuyển phôi trên 2 lần có rối loạn miễn dịch tại niêm mạc tử cung.
Khi có kết quả chẩn đoán, bà mẹ được điều trị theo phương pháp cá thể hóa theo khuyến nghị của Matrice Lab. Ngay trong lần chuyển phôi tiếp theo, 41,3% bà mẹ đã có thai và thai phát triển bình thường. Đến lần chuyển phôi thứ 3 bằng phác đồ riêng biệt, tỷ lệ đậu thai đã lên tới 52,2%.
Từ 2016 đến nay, đã có 20 em bé ra đời nhờ giải pháp này, đưa tỷ lệ thành công tại Vinmec tương đương với thành công ở Matrice Lab (Pháp).
Tỷ lệ thành công IVF nói chung ở Việt Nam và trên thế giới thường ở mức 35-40%. Do đó, khi Vinmec công bố kết quả đề tài nghiên cứu “Đánh giá miễn dịch tại niêm mạc tử cung: Triển vọng mới cho bệnh nhân bị thất bại làm tổ nhiều lần” tại Hội thảo IVF Experts Meeting lần 15 tại Đà Nẵng vào tháng 8 đã nhận được nhiều sự chú ý.
“Điều trị hiếm muộn đòi hỏi phác đồ cá thể hóa, bởi mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau từ tuổi của người vợ, thời gian và nguyên nhân chậm con... Phác đồ cho các trường hợp rối loạn miễn dịch còn điều trị cá thể ở mức độ cao hơn, nên sẽ tăng khả năng mang thai cho người vợ. Điều đó lý giải tỷ lệ thành công đã tăng lên nhiều khi điều trị chuyên biệt”, BS Tô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City nhấn mạnh.
Cùng với kỹ thuật chẩn đoán rối loạn miễn dịch tại chỗ, Vinmec đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn. |
Theo TS.BS Tô Minh Hương, rối loạn miễn dịch không phụ thuộc độ tuổi người mẹ hay thời gian hiếm muộn. Do đó, khi đã chuyển phôi trên 2 lần thất bại, các cặp vợ chồng nên tiếp cận sớm với xét nghiệm này để nếu có chẩn đoán, hướng điều trị phù hợp.
Cùng với kỹ thuật chẩn đoán rối loạn miễn dịch tại chỗ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec đã áp dụng thành công các kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn như chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi, đông trữ noãn, đông phôi, đông tinh bảo tồn sinh sản... Ngoài ra, trung tâm cũng đã thành công trong 2 lĩnh vực còn mới ở Việt Nam như hỗ trợ các cặp vợ chồng có mang gen thiếu máu tán huyết (thalassemia) sinh con khoẻ mạnh, đông mô buồng trứng cho bệnh nhân ung thư tử cung di căn…
Để điều trị bằng xét nghiệm chẩn đoán miễn dịch tại chỗ kết hợp với phác đồ chuyên biệt tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec, các bà mẹ cần:
Thực hiện thụ tinh ống nghiệm trước để có phôi đông lạnh, gửi phôi trước khi xét nghiệm sinh thiết niêm mạc tử cung.
Xét nghiệm và sinh thiết niêm mạc tử cung: Lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ và gửi mẫu để thực hiện sinh thiết tại Matrice Lab, kết quả nhận được sau 2 tuần.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, mẹ sẽ được điều trị với phác đồ điều trị riêng biệt theo khuyến cáo của Matrice Lab trong chu kỳ chuyển phôi tiếp theo.
Xét nghiệm này có giá trị trong 6 tháng, hoặc khi chưa thành công với phác đồ thì sau 1-2 lần chuyển phôi phải sinh thiết lại, để tiếp tục điều chỉnh, có thể là phác đồ cá thể hóa hơn nữa.