Năm nay, nghệ sĩ Chí Trung vào vai Táo Giáo Dục. Ngay từ đầu buổi chầu, Táo Giáo dục đã bị Táo Giao thông Tự Long “đá đểu” thích khoe khoang, đổi mới vì tội đi xe máy điện mới.
Tiếp đến, vị Táo phụ trách đi lại ở hạ giới cũng phong đồng nghiệp là “ngôi sao sáng nhất” khi ngành giáo dục có nhiều vấn đề nổi cộm trong năm.
Lãng phí sách giáo khoa và tiêu cực thi cử
Lãng phí sách giáo khoa (SGK) và tiêu cực thi cử là một trong những vấn đề được nhấn mạnh dưới góc nhìn hài hước. Trong phần “Khởi động” do Nam Tào, Bắc Đẩu đặt ra, Táo Giáo dục xuất sắc đoán đúng hành động bê SGK của Bắc Đẩu nhờ “vẻ mặt thành kính”.
Phần báo cáo của Táo Giáo dục Chí Trung được quan tâm sau hàng loạt vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục năm qua. Ảnh: VTV. |
Câu đố đốt SGK cũng không làm khó vị Táo phụ trách ngành. Theo ông, cả một năm học, SGK chất đầy nhà, đành phải đốt. Táo Giáo dục khẳng định không xót số sách bị đốt vì người bỏ tiền mua là... phụ huynh.
Câu chuyện này hướng đến chỉ trích cơ chế độc quyền SGK để thu lợi lớn. SGK chỉ dùng một lần, anh không thể để cho em học lại, do có phần bài tập, các em làm luôn vào sách. 70% SGK bị lãng phí hàng năm, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng.
Tiếp đến, với câu hỏi một cộng một bằng mấy, bộ đôi Nam Tào, Bắc Đẩu lại “đá xoáy” vụ tiêu cực thi cử chấn động cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Tương tự câu giải thích “một cộng một cũng có thể bằng 9, 10, tùy ý chí người cộng điểm”, nói bóng gió khâu chấm thi nâng điểm cho hàng loạt thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Thậm chí, một thí sinh ở Hà giang được nâng tận 29,95 điểm/3 môn, tức từ điểm liệt lên đến gần thủ khoa.
Năm qua, vụ tiêu cực thi cử ở Hà Giang gây chấn động cả nước khi cán bộ sở GD&ĐT đã can thiệp điểm đối với 330 bài thi trắc nghiệm. Trong khi đó, gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình còn tinh vi hơn. Tháng một vừa qua, Bộ GD&ĐT mới công bố đã xác định được những thí sinh được sửa điểm ở Sơn La. Đến nay, số bài thi bị can thiệp điểm, cũng như điểm thực của thí sinh Hòa Bình vẫn chưa được làm rõ.
Đề cập lại câu chuyện buồn trên, Nam Tào Xuân Bắc châm biếm rằng thí sinh "làm được thì làm, không làm được thì thôi vì thi xong về chờ, biết đâu lại thành thủ khoa”.
Câu chuyện đạo đức sư phạm xuống cấp
Ngoài bê bối thi cử và lãng phí SGK, chương trình Táo quân năm nay còn đề cập vấn đề đạo đức sư phạm với những vụ việc gây bức xúc dư luận.
Câu hỏi “ 23 x 10 + 1 bằng bao nhiêu” gợi nhắc nỗi đau về vụ giáo viên ở Quảng Bình yêu cầu học sinh tát một nam sinh 230 cái vì em này nói tục. Chính cô giáo cũng tát thêm một cái để phạt học sinh.
Hàng loạt vấn đề của ngành giáo dục năm 2018 được đề cập đến trong Táo quân 2019. Ảnh: VTV. |
231 cái tát của cô giáo và bạn học khiến Ngọc Hoàng Quốc Khánh lo ngại về cách hành xử như thời trung cổ trong môi trường sư phạm. Đây cũng là băn khoăn của dư luận trước hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh, từ tự đánh, yêu cầu học sinh đánh bạn đến bắt học sinh ăn phấn, uống nước giặt giẻ lau bảng.
Không chỉ giáo viên, quy định sinh viên sư phạm bị đuổi học nếu bán dâm 4 lần cũng được "chất vấn" Táo Giáo dục.
Dù còn nhiều vấn đề nổi cộm, không thể phủ nhận ngành giáo dục có những khó khăn, đặc biệt ở khâu đầu vào khi học sinh giỏi quay lưng với nghề, chọn các ngành “hot” hơn khiến sư phạm không tuyển được sinh viên giỏi.
Đồng thời, ngành cũng có những điểm sáng, câu chuyện tích cực như giáo viên bỏ tiền túi mua quần áo, nấu cơm cho học sinh hay những bạn xuất sắc mang về tấm huy chương quý giá từ các cuộc thi quốc tế.