Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Vietnamnet. |
Cô X., 54 tuổi, giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa bị UBND thành phố này ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,75 triệu đồng.
Kèm với quyết định xử phạt hành chính, nữ giáo viên phải xin lỗi công khai em T., nam sinh bị tát, trừ trường hợp học sinh, phụ huynh có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Lý do dẫn đến sự việc này là trong giờ kiểm tra, em T.G.V.T. có dấu hiệu xem tài liệu. Cô X. phát hiện và tát vào mặt em này 2 cái. Tình huống được camera của nhà trường ghi lại.
Một tình tiết cũng đáng chú ý khác là theo lãnh đạo trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều phụ huynh từng phản ánh cô giáo X. có hành vi đánh học sinh. Tuy nhiên, trước sự hòa giải của nhà trường, phụ huynh đã bỏ qua, không ngờ hành vi bạo lực lại tái diễn.
Chị Lê Bích (phụ huynh có con học lớp 9, TP.HCM) không đồng tình với hành vi của cô X.. Theo chị, giáo viên không có quyền xâm phạm thân thể, hành hung học sinh. Trong trường hợp học sinh sai, giáo viên cần nhắc nhở và xử phạt phù hợp với môi trường giáo dục.
Thầy Sơn, một giáo viên ở TP.HCM, cho rằng nữ giáo viên rất sai khi vung tay tát vào mặt học sinh. Trong trường hợp này, cô có thể nhắc nhở, đánh dấu bài thi em T.
Tuy nhiên, theo thầy Sơn, việc UBND TP Buôn Ma Thuột ra quyết định phạt tiền cô X. là hơi nặng. Lý do, cô X. đánh học trò nhưng chưa gây thương tích. Mặt khác giáo viên, gia đình cũng phải giáo dục học sinh không được làm những việc trái quy định.
Ngoài ra, lỗi này còn thuộc về Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, nơi cô X. dạy. Theo đó, cô X. vi phạm nhiều lần nhưng trường chưa có biện pháp xử lý. Nếu trường từng xử lý, sự việc như vừa rồi có lẽ không xảy ra.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng việc cô X. tát học sinh trong lớp cần nhìn ở nhiều góc độ. Thứ nhất, cô X. đã thiếu sự kiềm chế, nhưng cũng phải nhìn nhận ở đây “giọt nước đã tràn ly”.
Ngày nay, theo ông Phú, nhiều học trò trái khoáy. Thậm chí, các em tìm hiểu về pháp luật và biết rằng vi phạm như thế nào thì không bị đuổi học, không bị kỷ luật hay không có hạnh kiểm yếu.
"Học sinh biết rất rõ điều này nên trong khoảng 2 năm trở lại đây, bạo lực, sự hung hăng trong học đường, vô phép với thầy cô tăng một cách nghiêm trọng. Tôi từng gặp phụ huynh là trí thức nhưng họ bỏ mặc con. Chúng tôi mời rất nhiều lần, thậm chí mời qua công an để họ lên trường phối hợp với giáo viên dạy dỗ học sinh. Nhưng họ không tới vì nắm rõ luật là không đuổi học sinh”, ông Phú nói.
Ở góc độ cá nhân, theo ông Phú, hình phạt cho hai cái tát của cô X. khiến nhiều nhà giáo thấy ngán ngẩm. Họ sợ rằng “đụng” phải học trò là bị kỷ luật, xử lý. Ở đây, thầy cô đã bị tước hết “vũ khí”, nghĩa là không thể xử lý học sinh.
Cũng theo hiệu trưởng này, ở góc độ giải quyết vấn đề phải có sự hỗ trợ của nhà trường không nên bỏ mặc cô giáo. Các trường học hiện thiếu phòng giám thị trong biên chế.
Vì vậy với việc quản lý học sinh, trường nào cũng cố gắng thực hiện nhưng không danh chính ngôn thuận về chức danh quản lý học sinh. Không ít trường bỏ mặc thầy cô, hễ có sự việc thì xử lý thầy cô, chứ không phải tìm cách giải quyết, bảo vệ giáo viên.
“Lãnh đạo các trường yêu cầu thầy cô cứ làm đúng. Nhưng làm đúng là như thế nào? Có nghĩa là không đánh, phải kiềm chế cảm xúc dù học sinh không chịu học tập, cư xử thiếu tôn trọng? Trong khi đó, nếu học sinh học yếu trách nhiệm lại đẩy về phía thầy cô. Nghề giáo hiện nay rất khổ. Nếu lãnh đạo trường không sâu sát, không phải là chỗ dựa vững chắc cho giáo viên, thầy cô sẽ cảm thấy chơi vơi, đặc biệt khi có sự cố xảy ra”, ông Phú nói.
Ông Phú cũng cho rằng trường phải có đội ngũ tư vấn, có cách giáo dục làm sao những học sinh cá biệt có nhận thức đúng đắn về hành vi sai phạm. Cũng theo ông Phú, tại sao việc xử phạt cô giáo được cơ quan truyền thông đưa tin nhưng lại không đề cập kết quả xử lý học sinh T. trong khi em đã vi phạm.
"Quyết định phạt tiền của UBND TP.HCM Buôn Ma Thuột cũng làm nhà giáo chúng tôi chạnh lòng. Bên cạnh đó, cô X. đã 54 tuổi, phải khoanh tay xin lỗi học sinh, xin lỗi một đứa trẻ mà đứa trẻ đó làm sai. Đặc biệt hành vi của cô giáo chỉ xuất phát từ mục đích chỉnh đốn, rèn giũa các em”, ông Phú nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên