Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vừa vào hè, trẻ đã phải học thêm 8 buổi/tuần

Con gái chị Đ.V. học thêm tiền tiểu học 8 buổi/tuần. Đây cũng là số buổi học thêm của con gái chị Nguyễn Lê trong kỳ nghỉ hè năm nay.

hoc them he anh 1

Nhiều phụ huynh đăng ký cho con học thêm hè ngay khi kỳ nghỉ vừa bắt đầu. Ảnh minh họa: Pexels.

Sáng ngày 26/5, sau lễ tổng kết ở trường mầm non, con gái 5 tuổi của chị Đ.V. (Hà Nội) mới chính thức nghỉ hè. Thế nhưng, chỉ được nghỉ ngơi 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, sáng thứ hai (29/5), con gái chị V. lại dậy từ 6h30, ăn sáng và cắp cặp đi học thêm.

Theo chia sẻ của chị V., để con vững vàng vào lớp 1, chị đăng ký cho con học thêm lớp tiền tiểu học ở gần nhà.

“Các bạn cùng lớp con đi học tiền tiểu học từ trong năm, đã biết đọc, biết viết. Thấy vậy, tôi cũng sốt ruột. Hiện tại, con mới thuộc chữ cái và đánh vần đơn giản, chưa biết viết gì. Nếu không đi học, khi vào lớp 1, con không theo kịp sẽ rất vất vả", chị V. chia sẻ.

Sợ con quên kiến thức, không theo kịp các bạn

Chị V. cho biết dù chuẩn bị vào lớp 1, con còn rất mải chơi, khi học thường không tập trung, hay nói chuyện. Chính vì vậy, đi học thêm tiền tiểu học cũng là cách để con làm quen với tác phong, nề nếp. Khi vào lớp 1, con sẽ không bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó, khi nghe người thân nói kiến thức lớp 1 rất nặng, chị V. khá lo lắng. Vì thế, chị nghĩ nếu không có sự chuẩn bị từ trước, con sẽ không theo kịp.

“Mình cũng tìm hiểu và biết ở chương trình lớp 1 hiện tại, bài đầu tiên đã học c-a-ca, hôm sau lại học sang bài mới. Nếu không học tiền tiểu học, con cực kỳ vất vả. Chưa kể, các bạn khác biết rồi mà con lại không biết, rất dễ sinh tự ti", chị V. nói.

Nữ phụ huynh cho biết ban đầu, lịch học tiền tiểu học của con là 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2-2,5 giờ.

Thế nhưng, nhận thấy con ở nhà nhiều sẽ “dán” mắt vào tivi, chị xin cho con học từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy. Chưa kể, con sẽ học thêm 2 buổi tiếng Anh vào sáng chủ nhật và chiều thứ ba. Vậy là, con gái chị cứ tất bật học thêm, trong khi vài tháng nữa mới chính thức vào lớp 1. Dù vậy, chị V. cho rằng con vẫn còn rất nhiều thời gian vui chơi vào buổi chiều và tối, không đến mức quá căng thẳng.

Nữ phụ huynh cho biết sau 2 buổi đầu tiên học tiền tiểu học, con có vẻ hào hứng, khoe được cô dạy những gì và đòi đi học. Chị dự tính nếu ổn, con sẽ duy trì lịch học như hiện tại đến khi vào năm học. Nếu không, chị sẽ rút lại, chỉ cho con học 3 buổi/tuần như ban đầu, bởi chị cũng lo việc học nhiều sẽ khiến con sợ học.

“Gia đình cũng lo vào năm học chính thức, con lại sợ, không muốn học hoặc chủ quan khi đã biết trước. Nhưng nếu không đi học thêm, bố mẹ lại lo con không theo kịp các bạn”, chị V. chia sẻ.

Không sợ con xem tivi suốt mùa hè như chị V., chị Nguyễn Lê (Hà Nội) lại lo con không theo kịp các bạn khi lên lớp mới. Từ giữa tháng 5, chưa đến kỳ nghỉ hè, chị Lê đã tất bật lên mạng tham khảo, nhờ người quen giới thiệu để tìm lớp học hè cho con gái dù năm tới, bé mới lên lớp 2.

Gia đình chị Lê mới chuyển về từ Nhật Bản, con gái từng học lớp 1 ở nước ngoài và mới hoàn thành chương trình lớp 1 tại Việt Nam trong năm học 2022-2023. Dù con đã học xong lớp 1, chị Lê vẫn lo lắng con đọc, nói tiếng Việt kém hơn các bạn khác nên muốn tìm lớp phụ đạo hè để con học thêm.

Nhờ một đồng nghiệp giới thiệu, chị Lê đã tìm được lớp học hè môn Tiếng Việt và Toán ngay gần nhà. Ngoài 2 môn này, chị còn chuẩn bị đăng ký cho con học tiếng Anh ở trung tâm và học đàn piano.

“Tôi dự định sau khi tổng kết năm học, tôi sẽ cho con về quê chơi với ông bà một tuần. Sau đó, tôi sẽ đưa con trở lại Hà Nội để đi học thêm”, chị Lê chia sẻ.

Từ ngày 12/6, con chị Lê sẽ bắt đầu học thêm môn Tiếng Việt và Toán. Mỗi tuần, bé học 4 buổi sáng (2 buổi Tiếng Việt và 2 buổi Toán), mỗi buổi kéo dài trong 2 giờ. Thời gian còn lại, chị Lê cho con học tiếng Anh (2 buổi/tuần) ở trung tâm và học piano (2 buổi/tuần) tại nhà.

Chị Lê nói thêm con chị học môn Tiếng Việt còn chậm nên chị đã nhờ giáo viên kèm con chặt hơn ở môn này. Nếu cần thiết, chị sẽ nhờ giáo viên tăng buổi để dạy thêm cho con.

hoc them he anh 2

Giáo viên cho rằng việc cho trẻ học hè quá sớm và quá nhiều là điều không nên. Ảnh minh họa: Pexels.

Nguy hại từ việc học trước kiến thức

Cho con đi học hè là tình trạng chung của nhiều phụ huynh, thế nhưng, cô Lê Thảo, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cho rằng việc cho trẻ học hè quá sớm và quá nhiều là điều không nên vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thái độ học tập của trẻ.

Bản thân là một giáo viên tiểu học, cô Thảo thấy hàng năm, ngay khi vừa kết thúc năm học, nhiều giáo viên đã mở lớp dạy hè cho trẻ và dạy trước kiến thức của lớp mới. Nhiều giáo viên cho rằng dạy trước kiến thức cho trẻ thì khi vào năm học mới, việc dạy học sẽ nhàn hơn vì học sinh đã biết hết. Thực tế, việc dạy trước sẽ tạo cho trẻ tâm lý chủ quan, không muốn học và mất tập trung khi lên lớp.

“Nếu dạy trước kiến thức, trẻ sẽ nghĩ là ‘à cái này mình biết rồi nên khi đến lớp mình không cần học nữa’. Suy nghĩ này sẽ rất nguy hiểm vì khiến các con chây ỳ, lười học và không muốn cố gắng. Chưa kể, việc này ảnh hưởng đến những trẻ không đi học hè. Bạn bè biết trước kiến thức nhưng các con chưa biết, các con sẽ bị áp lực vì cảm thấy bản thân không giỏi bằng các bạn”, cô Thảo nói thêm.

Cùng mối lo, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội nhận định hiện nay, nhiều lớp, trung tâm dạy tiền tiểu học mở tràn lan mà không đảm bảo chất lượng giáo viên và chất lượng, nội dung chương trình.

Nhiều nơi cho trẻ học trước chương trình, khiến các em hình thành thói chủ quan, không tập trung khi học chính thức. Vị này cho rằng việc cho con học thêm tiền tiểu học tùy thuộc vào nhu cầu mỗi gia đình, tuy nhiên, việc này là không quá quan trọng bởi khi vào lớp 1, giáo viên sẽ dạy chương trình từ đầu, vẫn phải cầm tay nắn từng chữ.

Thực tế, nhiều trẻ không học tiền tiểu học nhưng đến khi học cùng nhau, chỉ khoảng một thời gian ngắn, con theo kịp, thậm chí ngang hoặc hơn các bạn học trước.

“Phụ huynh không cần quá áp lực cho các con vì lên lớp 1, các con vẫn sẽ có 2 tuần đầu để làm quen. Thay vào đó, phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế cho các con một cách vui vẻ, thoải mái, khơi gợi cho con niềm yêu thích với việc học”, vị hiệu trưởng nói và cho biết chương trình lớp 1 hiện tại phù hợp với học sinh, không quá sức với các con để phải học trước.

Bàn thêm về việc học thêm hè, cô Thảo nói rằng cha mẹ vẫn có thể cho con đi học, tùy vào nhu cầu của từng gia đình và sở thích học tập của trẻ. Tuy nhiên, việc học hè không nên diễn ra quá sớm và càng không nên học ngay khi mới nghỉ hè. Trẻ vẫn cần 1-2 tháng nghỉ ngơi, vui chơi sau 9 tháng học ở trường.

Ngoài ra, khi đăng ký học thêm cho con, cha mẹ chỉ nên tìm những lớp học mang tính chất hệ thống, ôn lại kiến thức đã học ở lớp cũ, không nên học trước kiến thức ở lớp mới. Lịch học hè cũng không nên quá dày đặc, một tuần chỉ nên giới hạn trong khoảng 3-4 buổi, mỗi buổi tối đa 2 giờ.

“Mùa hè là mùa để trẻ nghỉ ngơi, không phải mùa chạy đua với thành tích học tập. Cha mẹ có thể cho con học vài buổi để tránh quên kiến thức, nhưng điều cốt yếu vẫn là tạo cho con không gian học thoải mái, không áp lực, nặng nề”, cô Thảo nhấn mạnh.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Chi chục triệu để trẻ có chỗ chơi, cha mẹ có nơi gửi con

Thay vì kỳ vọng con cải thiện, tiến bộ, nhiều phụ huynh chi cả chục triệu đồng cho con tham gia trại hè chỉ để con được trải nghiệm, vui chơi, hay đơn giản là có chỗ để gửi gắm trẻ.

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm