Với sản phẩm này, nhóm vừa đoạt giải nhì Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Trên thực tế, tàu đệm khí ứng dụng trong quân sự như chở binh lính biển, chở các loại vũ khí máy móc có trọng tải lớn. Chia sẻ về ý tưởng, Hoàng Ngọc Giang cho biết nhìn thấy tàu đệm khí nhiều lần trong các bộ phim chiến tranh hay phim hành động Mỹ nhưng không biết phải chế tạo như thế nào. Các bạn bắt đầu tìm kiếm thông tin trên mạng rồi thử nghiệm.
Với mô hình tàu đệm khí, ba chàng sinh viên mơ ước một ngày sẽ được đầu tư và nâng cấp thành chiếc tàu thật phục vụ trong quân sự. |
Nhiều lần không thành, trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là vật liệu, đến khi chiếc tàu chạy thành công trên mặt hồ, niềm vui của họ không thể tả. Đồng Quốc Khánh chia sẻ: “Trước khi gợi mở ý tưởng, thầy hướng dẫn đã nói với nhóm là nhiều bạn không thực hiện được vì… khó quá. Cũng có lúc cả nhóm tính đến nước rút lui, xin thầy cho làm đề tài khác vì gần như không có vật liệu để làm. Tất cả quạt khí, môtơ… nhóm đều phải tìm mua ở các shop chuyên bán đồ máy bay mà ở Việt Nam mình cực kỳ ít”.
Tàu đệm khí hoạt động trong thực tế có thể hỗ trợ ngành du lịch biển, cứu hộ hay phục vụ ngư dân đánh bắt cá. |
Ròng rã năm tháng liền dày công tìm sách tiếng Anh về đọc, tính toán vật liệu và động cơ sao cho đảm bảo tính bền cũng như trọng lượng hợp lý với kích thước của tàu, ba chàng trai như gầy xọp đi. Cuối cùng đến chiếc thứ năm, tàu đệm khí đã chạy thành công với vận tốc tối đa 20 km/giờ trên địa hình bằng phẳng và chạy dưới nước với vận tốc 12 km/giờ. Dự tính chi phí bỏ ra làm chiếc tàu đệm khí này hết khoảng 7 triệu đồng.
“Chế tạo mô hình thành công, nhóm mình vẫn tiếp tục phát triển với mong muốn tương lai ở Việt Nam sẽ có một chiếc tàu đệm khí hoạt động trong thực tế, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế như hỗ trợ ngành du lịch biển, cứu hộ hay phục vụ ngư dân đánh bắt cá. Và nếu hình thành một chiếc tàu đổ bộ, tàu chiến trong quân sự thì điều đó thật tuyệt vời” - Khánh mơ ước.
PGS.TS Vũ Toàn Thắng, viện phó Viện Cơ khí - ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Cả ba bạn đều là những sinh viên có niềm đam mê, yêu thích nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu này giúp các bạn có khả năng ứng dụng kiến thức về cơ khí học vào thực tế. Tôi kỳ vọng sau này các bạn ra làm việc sẽ có kinh nghiệm nghiên cứu không chỉ ở đề tài này mà còn nhiều đề tài khác”.