Theo chính quyền tỉnh Yamanashi thông báo ngày 20/8, có ít nhất 4 người được báo cáo gãy xương sau khi đi tàu lượn siêu tốc Do-Dodonpa tại công viên Fuji-Q Highland. Những người bị thương đều ngồi ở các vị trí khác nhau, theo Mainichi.
Chính quyền tỉnh đã cho đình chỉ hoạt động tàu lượn này cho đến khi xác định được nguyên nhân chính xác và sẽ tìm cách ngăn chặn sự cố lặp lại. Cùng ngày, đơn vị quản lý Fuji-Q Highland cũng thông báo đã đóng cửa tàu lượn để tiến hành kiểm tra từ 12/8.
Theo chính quyền tỉnh, các sự cố người chơi gãy xương được ghi nhận xảy ra từ tháng 12/2020 đến tháng 8 năm nay. 4 người bị gãy xương, bao gồm cả ở cổ và lưng, nằm trong độ tuổi 30-50, cần một đến 3 tháng để hồi phục sức khỏe.
Tàu lượn siêu tốc tại công viên Fuji-Q Highland là trò cảm giác mạnh thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Flickr. |
Tàu lượn siêu tốc Do-Dodonpa là một trong những trò chơi hút khách tại công viên giải trí Fuji-Q Highland. Tàu được xây dựng vào năm 2001, cải tạo một lần vào năm 2017, có thể tăng tốc từ 0 lên 180 km/h trong 1,56 giây.
Tuy nhiên, công viên chưa ghi nhận trường hợp nào gãy xương khi tham gia trò chơi mạo hiểm này cho đến tháng 12/2020. Theo phía công viên, điều tra ban đầu chưa cho thấy có vấn đề kỹ thuật nào trên tàu.
Các trường hợp gây ra thương tích nặng khi chơi tàu lượn cũng là điều hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản. Trường hợp cuối cùng tử vong liên quan đến tàu lượn siêu tốc ở nước này là vào năm 2007 ở Osaka.
Tuy nhiên, người tham gia trò chơi này cũng cần đảm bảo tình trạng sức khỏe nhất định. Fuji-Q Highland luôn đưa ra cảnh báo cho người chơi và yêu cầu họ ngồi đúng tư thế.
Tháng 12/2020, một phụ nữ khoảng 30 tuổi nói bị thương sau khi đi tàu lượn ở đây cũng cho biết có thể bản thân đã "ngả người về phía trước khi chơi" trong khi tư thế đúng phải là dựa lưng về phía sau và giữ khoảng cách giữa lưng với ghế càng nhỏ càng tốt. Ở vụ việc này, công viên cũng không phát hiện có vấn đề gì với máy móc.