Theo Euronews, luật áp dụng cho người dân Tây Ban Nha và công dân nước ngoài, bao gồm 290.000 người Anh đang cư trú hợp pháp tại Tây Ban Nha, sẽ có hiệu lực sau ba tháng. Trong khi đó, các ủy ban kiểm soát khu vực được thành lập.
Khi đưa ra yêu cầu, bệnh nhân cần nhận thức đầy đủ và có ý thức. Yêu cầu được gửi bằng văn bản 2 lần, cách nhau 15 ngày. Bác sĩ có thể từ chối nếu các yêu cầu chưa được đáp ứng. Đồng thời, yêu cầu đó phải được bác sĩ thứ hai và cơ quan đánh giá chấp thuận.
Tây Ban Nha trở thành quốc gia thứ 5 ở châu Âu hợp pháp hóa luật "quyền được chết" hay còn gọi là Luật an tử. Ngày 18/3, Hạ viện Tây Ban Nha thông qua luật với 202 phiếu thuận, 140 phiếu chống và 2 phiếu trắng.
"Hôm nay chúng ta là quốc gia nhân quyền, công bằng và tự do hơn. Cảm ơn những người đã chiến đấu không mệt mỏi để được công nhận quyền được chết một cách xứng đáng ở Tây Ban Nha", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã viết trên trang cá nhân sau khi dự luật thông qua.
Các thành viên ủng hộ "quyền được chết" biểu tình tại Puerta del Sol ở Madrid. Ảnh: EPA. |
Theo Independent, việc thông qua dự luật đánh dấu hành trình lập pháp dài bắt đầu từ 3 năm trước, trải qua nhiều vòng sửa đổi tại ủy ban của Quốc hội và Thượng viện Tây Ban Nha. Trước đó, người hỗ trợ bệnh nhân kết thúc cuộc sống ở Tây Ban Nha có thể bị phạt tù 10 năm.
Một cuộc thăm dò dư luận năm 2019 cho thấy gần 90% người Tây Ban Nha ủng hộ việc trợ tử. Vấn đề này thu hút sự chú ý của người dân Tây Ban Nha sau khi bộ phim The Sea Inside đoạt giải Oscar vào năm 2004. Bộ phim kể về câu chuyện có thật của Ramon Sampedro, cựu thủy thủ bị liệt, dành cả đời muốn kết liễu cuộc đời của mình.
"Đó là chiến thắng cho những người có thể hưởng lợi từ nó và cũng là cho Ramon", Ramona Maneiro, bạn của thủy thủ Ramon, chia sẻ.
Luật mới đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phe cực hữu và các nhóm tôn giáo. Đảng cực hữu Vox cho biết họ sẽ phản đối điều luật trước Tòa án Hiến pháp.