Teen mạo hiểm nuôi rắn làm thú cưng
“Nuôi chó, mèo, hamster, cá cảnh đã quá phổ biến, mình thích nuôi một loại thú cưng lạ và khác biệt, ít người nghĩ đến, đó là rắn", đó là tâm sự của các teen khởi đầu trào lưu này.
Nuôi rắn có dễ?
Theo lời T. Anh (lớp 11, THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM), người mới tập tễnh nuôi rắn thú cưng gần một năm, hiện trên thị trường có 3 dòng rắn thú cưng là corn snake (rắn ngô), milk snaske (rắn sữa) và king snake (rắn chúa).
Đây là những dòng rắn ngoại nhập, nguồn chủ yếu từ Thái Lan, không thuộc dòng rắn có nọc độc, có hình dáng nhỏ nhắn, màu sắc đẹp nên những teen thích nuôi thú lạ sẵn sàng “tậu” về một bé rắn.
Giá của loài rắn thú cưng tầm 1 triệu đồng/con, với kích cỡ 25 - 30cm, được bán tại các cửa hàng thú nuôi trên mạng. Hướng dẫn cách nuôi rắn tại các cửa hàng cũng khá đơn giản: teen chỉ cần trang bị một hộp có nắp đậy, thiết kế một cái hang, đặt một khay nước thế là xong tổ ấm cho “người bạn không chân”.
Để rắn tiếp xúc với cơ thể thường xuyên sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. |
Đa phần teen yêu thích loài rắn cưng đều mê hình ảnh di chuyển khéo léo, uốn người hay ép người chui qua những khe nhỏ của “người bạn không chân” này. Chỉ đến khi tậu một "bé rắn" về nhà nhiều teen mới tá hỏa vì hàng loạt những rắc rối mà chúng mang lại cho mình lẫn người thân.
Mẹ H.Phúc trong một lần vào phòng thăm con trai muốn té xỉu trước cảnh chú rắn chầm chậm trườn ra khỏi hộp giấy. Vừa định thần lại mẹ Phúc quyết liệt yêu cầu anh chàng phải “tống cổ chàng rắn ra khỏi nhà ngay lập tức”.
Tệ hơn, H. Thuận (lớp 12, THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) có một kỷ niệm đau thương khi đùa quá trớn với chú rắn cưng nhà mình. “Có lần, mình thọc tay vào mắt chú liền bị rắn cắn ngay một phát vào tay, đau điếng. Rắn cắn xong thì ngậm chặt trong họng một hồi rất lâu, mình phải nhúng bàn tay vào thùng nước đầy, rắn bị ngạt nước nên nhả ra. May mà rắn cưng không độc, không thì mình tiêu rồi”, Thuận kể.
Thiết kế chuồng nuôi đơn giản sẽ làm tăng khả năng xổng chuồng của rắn thú cưng. |
Rắc rối hậu kỳ nuôi rắn
Theo lời Xuân Hào, chủ nhân một trang về rắn, trên diễn đàn mạng luôn có một nhóm phụ trách dịch thuật kiến thức nuôi rắn từ các website nước ngoài rồi chia sẻ với mọi người. Cứ 3 tuần/lần, khoảng 40 tay nuôi rắn nghiệp dư ở trang này sẽ có buổi gặp gỡ bên ngoài để chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn.
“Những rắc rối teen thường gặp phải là rắn bỏ ăn đột ngột, bị viêm phổi do nhiễm lạnh, không biết cách trị ve chét cho rắn hoặc những kiến thức về quy trình lột da của rắn”, Hào cho biết.
Một rắc rối khó giải quyết nhất là những teen nuôi rắn theo trào lưu được vài tháng thì chán đành tìm cách rao bán trên diễn đàn. Nếu không bán hoặc đổi được thú cưng khác teen đành ngậm ngùi nuôi tiếp mà không biết cách nào để “giải phóng” những người bạn không chân này.
Ở góc độ chuyên gia, trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc trại rắn Đồng Tâm nhận định thói quen nuôi rắn thúcưng trong nhà là trào lưu của giới trẻ thế giới và nay đã lan đến Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với chó, mèo, chim là những loài thú cưng quen thuộc, chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ khi teen “tậu bé rắn” về nhà nuôi. Đầu tiên, rắn là loài ăn thịt sống thường mắc các bệnh về kí sinh trùng như giun, sán, ve, các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây sang người khi tiếp xúc với rắn hàng ngày.
Kế đến, thức ăn của rắn là chuột, gà, chim – những động vật trung gian gây bệnh cho người như dịch hạch, cúm gia cầm... rất nguy hiểm với con người. Tuy rắn thú cưng cắn không gây chết người bằng nọc độc, nhưng đôi khi vết cắn bị nhiễm trùng do các loại vi khuẩn cũng sẽ gây nguy hiểm tính mạng người nuôi.
“Từ những nguy cơ trên, chúng tôi khuyến cáo các bạn trẻ không nên nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình”, bác sĩ Lương khuyên.
Tuổi thọ của những dòng rắn thú cưng trung bình là 6-8 năm. Ở điều kiện nuôi trong nhà, chúng có thể sống đến 20 năm. Hãy cân nhắc teen có khả năng nuôi rắn trong khoảng thời gian dài như thế không trước khi tậu một "bé rắn" về nhà, nếu không sẽ gặp tình huống rắc rối với loài vật này. Những teen không có nhu cầu nuôi rắn thú cưng thì liên hệ và gửi đến những nơi có chức năng bảo tồn rắn như trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) hay Thảo Cầm Viên (TP.HCM). Theo thông tin từ TS. Võ Đình Sơn (GĐ Trung tâm Giáo dục Vườn Thú — Thảo Cầm Viên Sài Gòn), muốn nhập một loài động vật hoang dã từ nước ngoài, các công ty phải có giấy phép CITES ở nơi nhập lẫn tổ chức CITES Việt Nam. Sau đó, cơ quan kiểm lâm sẽ tiến hành cho nuôi cách li loài động vật ngoại lai này trong một thời gian để xem chúng có bộc phát bệnh hay không. Sau khi đã vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe an toàn này, chúng mới được phép đưa vào nuôi. |
Theo Mực Tím