Giới trẻ săn lùng rắn phong thủy để... giải hạn
Nuôi rắn cảnh đang trở thành "mốt" của giới trẻ trong những ngày đầu năm mới Quý Tỵ. Với nhiều người, nuôi rắn cảnh còn là con vật phong thủy đem lại nhiều may mắn.
A dua nuôi rắn phong thủy
Những ngày gần đây, nhiều bạn trẻ Hà thành cũng "bắt sóng" xu hướng này của giới trẻ Sài Gòn và bắt đầu những cuộc "săn" rắn phong thủy hợp theo tuổi của mình. Lâm "cá" (một tay chơi cá cảnh ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết nuôi chó, mèo, cá cảnh... đã quá phổ biến với giới trẻ, vì thế nhiều người đã chọn nuôi một loại thú cưng lạ và khác biệt đó là rắn.
"Tôi cũng đang tìm hiểu về loài rắn cảnh và cũng có ý định "tậu" một chú rắn về nuôi. Tôi nghe nói, nuôi rắn trong năm Quý Tỵ cũng đem lại nhiều may mắn, nó cũng là con vật phong thủy", Lâm "cá" nói. Trước khi lựa chọn mua một chú rắn về nuôi, Lâm đã tìm hiểu kỹ về thị trường rắn. Theo lời Lâm, hiện có 3 dòng rắn được bán làm cảnh nhiều nhất đó là rắn ngô (corn snake), rắn sữa (milk snaske) và rắn chúa (king snake). Đây là những dòng rắn ngoại nhập, nguồn chủ yếu từ Thái Lan, không thuộc dòng rắn có nọc độc, có hình dáng nhỏ nhắn, màu sắc đẹp nên được giới trẻ "chuộng". Giá của loài rắn cảnh khoảng 1 triệu đồng/con, với kích cỡ 25 - 30cm, nó được bán tại các shop thú nuôi online, kèm "khuyến mại" hướng dẫn cách nuôi rắn một cách tỉ mỉ.
Lướt một vòng các trang web, nhiều bạn trẻ chia sẻ những thông tin về việc nuôi rắn cảnh. Một topic bộc bạch: "Rắn là loại vật nuôi chưa phổ biến ở nước ta vì nhận thức của chúng ta về rắn (loại nào độc, loại nào không) vẫn chưa rõ ràng. Rắn bị xem là mồi nhậu nhiều hơn là một con vật kiểng. Nhắc đến nuôi rắn nhiều người nghĩ mình bị "hâm" vì cho rằng rắn nào cũng có độc. Thế nhưng, ở châu Âu và các nước khác, rắn đã là một con vật nuôi quen thuộc".
Nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn rắn làm "thú cưng". |
Chủ nhân của topic này bật mí, trong các loài rắn hiện có tại Việt Nam thì có loài Thạch Anh hay một số nơi khác gọi là rắn đầu đỏ là được ưa chuộng nhất. Loài này vừa hiền, vừa "hoành tráng" về mặt kích thước cũng như màu sắc. "Nếu bạn có sở thích về nuôi rắn làm cảnh mà hàng "made in Việt Nam" thì mình nghĩ nên tậu "em" Thạch Anh, mới thoả mãn thú chơi. Những chú rắn Thạch Anh tương đối đẹp và dễ nuôi", chủ nhân topic cho biết.
Theo tìm hiểu, phần lớn người chọn nuôi "linh vật" làm cảnh đều mê hình ảnh di chuyển khéo léo, uốn người hay ép người chui qua những khe nhỏ của chúng. Loài rắn sữa không nguy hiểm đối với con người. Do có màu sắc sặc sỡ với các sọc ngang màu trắng hoặc kem, viền đen trên nền thân màu đỏ hoặc đỏ nâu nên chúng rất được ưa chuộng, nuôi làm cảnh ở nhiều nơi trên thế giới. Chiều dài cơ thể của loài rắn này có thể đạt tới 150cm, vảy nhẵn bóng. Rắn non thường ăn ốc sên, côn trùng, dế và giun đất; rắn trưởng thành thường ăn các loại ếch nhái, thằn lằn, chim nhỏ. Tuổi thọ của nó khoảng 12 năm.
Tình cờ vào trang immopets.com, chúng tôi tìm hiểu được thông tin khá thú vị, trên diễn đàn có một nhóm phụ trách dịch thuật kiến thức nuôi rắn từ các website nước ngoài rồi chia sẻ cùng các bạn. Cứ 3 tuần/lần, khoảng 40 tay nuôi rắn nghiệp dư ở immopets.com sẽ có buổi offline để chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn.
Rắn có thể... giải hạn?
Theo thông tin của PV thì xu hướng nuôi rắn cảnh của giới trẻ đã khởi phát từ hơn năm nay nhưng do tin đồn thổi nuôi rắn là vật nuôi phong thủy có thể giải hạn nên từ đầu năm 2013, không ít người đổ xô đi "săn" rắn cảnh. Mấy ngày gần đây, ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai), có khá nhiều điểm bán rắn mọc lên dọc các đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi thu hút sự chú ý của người đi đường...
Những người bán rắn luôn miệng quảng cáo đây là "linh vật", hợp với "mạng" của người tuổi Tỵ nên nếu mua rắn nuôi trong nhà thì sang năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công. Các loại rắn được bán phổ biến là rắn lãi, rắn nước, rắn lục hay hổ mang. Được biết, rắn lãi, rắn nước được bán với giá dao động 50.000 - 200.000 đồng/con, các loại rắn độc nổi như cạp nong, cạp nia hay hổ mang giá từ 500.000 đồng/con đến hàng triệu đồng/con. Điều đáng nói, những người bán rắn đều quảng cáo rắn là "linh vật" có thể giải hạn.
Trong quá trình tìm hiểu về thú nuôi rắn cảnh, chúng tôi cũng khá bất ngờ vì Lâm "cá" đang dự tính nuôi rắn vì tin vào lời đồn rắn có thể giải hạn. "Tôi nghe nói, nếu sở hữu rắn trong nhà thì chủ nhân làm ăn sẽ phát đạt. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng tôi thấy rất nhiều người chuyển hướng sang nuôi rắn. Tôi cũng đang "săn" chú rắn Thạch Anh trên shop online. Chủ cửa hàng báo giá 1,2 triệu đồng/con", Lâm cho biết.
Không chỉ riêng Lâm mà rất nhiều bạn trẻ chia sẻ trên các diễn đàn về việc lựa chọn "linh vật" làm thú cưng. Khởi đầu cho xu hướng chơi rắn cảnh phong thủy chính là ở TP.Biên Hòa cũng như các tỉnh, thành lân cận, nhất là TP.HCM. Những câu chuyện được thêu dệt và lan truyền trong dư luận. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít bạn trẻ lựa chọn nuôi rắn là vì thích nuôi con vật "lạ", "độc". Đặc biệt những chú rắn sữa sọc vàng được lựa chọn nhiều nhất bởi theo quảng cáo loại rắn này hiền lại hiếm, giá cũng không quá đắt.
Đem câu chuyện nuôi rắn phong thủy để giải hạn đến ông Nguyễn Hồng Quang, chuyên gia phong thủy, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Đó là chuyện nhảm nhí. Nuôi rắn cầu may, đến năm rắn nuôi rắn, vậy đến năm rồng thì nuôi con vật gì? Rắn không phải là vật nuôi phong thủy, đó chỉ là những chiêu quảng cáo của người bán".
Nói về loài rắn sữa, TS. Nguyễn Quảng Trường, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (viện KH-CN Việt Nam), cho biết: Rắn sữa có tên khoa học là Lampropeltis triangulum. Do loài này có màu đỏ tươi nên tên tiếng Anh gọi là "Scarlet Kingsnake" (tức là "rắn vua màu đỏ"). Rắn sữa hiện có 25 phân loài, sống chủ yếu ở Bắc và Trung Mỹ từ Canada qua Mỹ về phía Nam tới tận Columbia, Venezuela và Ecuador.
Cũng theo TS. Trường, do đây là loài du nhập (ngoại lai), nên việc nuôi nhốt là không khuyến khích, vì rất dễ ảnh hưởng đến các loài phân bố trong tự nhiên của Việt Nam. Hơn nữa, về mặt hình thái loài này khá giống với các loài thuộc giống rắn lá khô có tên khoa học là Sinomicrurus, phân bố ở các khu vực miền núi của Việt Nam. Các loài rắn lá khô lại là rắn độc, do vậy nếu có sự nhầm lẫn thì có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo bác sỹ Nguyễn Thu Hà (bệnh viện Saint Paul), rắn là loài ăn thịt sống, thường mắc các bệnh về kí sinh trùng như giun, sán, ve, các bệnh nấm da, nấm miệng rất dễ lây. Vì thế, khi nuôi rắn làm cảnh, rắn có thể gây bệnh sang người tiếp xúc với rắn hàng ngày. Kế đến, thức ăn của rắn là chuột, gà, chim - những động vật trung gian gây bệnh dịch hạch, cúm gia cầm... rất nguy hiểm với con người.
Theo Người Đưa Tin