Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Teen ơi, làm bạn nhé' và 6 điều bạn trẻ thường hiểu nhầm cha mẹ

TS Vũ Thu Hương cho rằng con cái tuổi teen thường hiểu nhầm cha mẹ không yêu mình, không hiểu tuổi học trò, kỳ vọng quá nhiều, không tin tưởng, nghĩ xấu về con.

Cuốn Teen ơi, làm bạn nhé là những suy ngẫm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình nuôi dạy con.

Bằng kinh nghiệm của một bà mẹ và là người tiếp xúc nhiều tâm lý trẻ em, tác giả đúc rút mối quan hệ giữa trẻ tuổi dậy thì với cha mẹ, những hiểu nhầm, sai lầm từ hai phía và cách giải quyết vấn đề.

Được sự đồng ý của TS Vũ Thu Hương, sau 7 sai lầm thường gặp của tuổi mới lớn10 điều cha mẹ thường hiểu nhầm con, Zing xin trích một phần cuốn sách về hiểu nhầm của con cái về cha mẹ.

Riêng với cha mẹ, các bạn ấy hiểu nhầm nhiều hơn. Đó là những gì nhỉ?

Cha mẹ không yêu mình, chỉ yêu em (hoặc anh chị)

Tình trạng này gần như là tình trạng phổ biến, ở nhà nào có hơn một con cũng có đấy nhé. Bọn trẻ khi bị trách mắng không nghĩ là mình sai đâu, mà nghĩ ngay bị bố mẹ ghét mà thôi.

Để tránh tình trạng này, lâu lâu bố mẹ viết thư tỏ tình với con một cái nhé. Đừng tưởng lớn rồi thì không thích. Chẳng qua “người ta” thích nhưng không tỏ ra là thích vì ngượng thôi.

Teen oi lam ban nhe anh 1

Con cái thường có nhiều hiểu nhầm với cha mẹ. Ảnh minh họa: Today.

Bố mẹ là thế hệ cũ, chả hiểu gì về teen cả

Thực ra thì bố mẹ có thể nhìn xa hơn, trông rộng hơn lũ teen một tí đấy. Vì vậy, muốn ép con làm gì, ít nhất bố mẹ cũng nên giải thích cặn kẽ, đừng có trợn mắt lên quát “Tao là bố/mẹ mày”.

Cách đó sẽ không chỉ làm con khó chịu mà còn khiến con ngấm ngầm chống đối khi chẳng hiểu mô tê ra sao cả.

Bố mẹ kỳ vọng quá mức vào mình

À, vụ này nếu có thì cha mẹ nên nhìn lại nhé. Teen có thể đúng hơn cha mẹ trong việc nhìn nhận bản thân đấy. Hãy xem khả năng của con đến đâu rồi hẵng quyết định nhé.

Tuy nhiên, cũng có thể là con không nhận ra hết khả năng của mình. Vì thế, bố mẹ phải làm cách nào cho con nhận ra mà tự tin lên chứ đừng ép quá, con khó chịu.

Bố mẹ không tin ở mình

Vụ dưới này ngược với vụ trên kia. Dù gì, bố mẹ cũng nên có giải trình cụ thể mọi thứ và nên tin vào con nhiều hơn nhé.

Thử thách con không phải là hành hạ con mà là thể hiện lòng tin của mình với con. Hãy thử thách con đi, sẽ có lúc con cảm ơn bố mẹ đấy.

Bố mẹ nghĩ xấu về mình

Òa, vụ này xảy ra không ít đâu nha. Nhiều bố mẹ ngay lập tức bập vào các tưởng tượng xấu khi xảy ra một vấn đề nhiều khi nhỏ hơn con kiến. Hãy tìm hiểu kĩ trước khi hét váng lên chửi con.

Có lần, tôi chứng kiến một bạn bị bố chống nạnh chửi toáng lên khi bạn ấy có chút tình cảm với bạn trai ở lớp. Sau đó, bạn này bị bố mẹ giám sát còn hơn cả nghi phạm giết người cướp của. Thử hỏi cảm giác của bạn ấy ra sao?

Nghĩ con không yêu bố mẹ

Giời ạ, con không yêu bố mẹ mình thì yêu ai? Dù già cấc như bác Hương mà nghe bố mẹ bày tỏ tình cảm vẫn sướng điên người nữa là lũ trẻ.

Rất nhiều bạn trẻ đòi bác Hương phải khen bạn ấy trước mặt bố mẹ rồi đấy. Nghĩa là ai công nhận teen tốt giỏi đều không quan trọng. Quan trọng là 2 cái ông bà đẻ ra teen nghĩ gì kìa. Vì thế, hãy yêu con hơn và thể hiện con ra đi, đừng nghĩ sai về con nữa.

Còn vô vàn những suy nghĩ “lệch pha” giữa 2 chiến tuyến: Cha mẹ và con cái. Cách thức giải quyết chỉ có duy nhất 2 điều: Đối thoại nhẹ nhàng bình tĩnh và thể hiện tình cảm thật lòng thôi. Các cha mẹ, đừng tỏ ra xa cách với teen nhé, các con buồn đấy!

'Teen ơi, làm bạn nhé' - 10 điều cha mẹ thường hiểu nhầm con

Theo TS Vũ Thu Hương, nguồn cơn tranh cãi giữa cha mẹ và con cái đều bắt nguồn từ chuyện hai bên không hiểu nhau. Bà đưa ra 10 điều phụ huynh thường hiểu nhầm con.

Trích sách "Teen ơi, làm bạn nhé" của TS Vũ Thu Hương

Bạn có thể quan tâm