Câu 1: Lễ hội hoa ban được tổ chức hàng năm ở tỉnh nào?
Lễ hội hoa ban là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức vào mùa xuân của đồng bào Tây Bắc. Trong 4 năm gần đây, lễ hội hoa ban đều đặn được tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Năm 2019, lễ hội này chính thức khai mạc vào tối 16/3. Đây là lễ hội có quy mô lớn, thu hút khách thập phương. |
Câu 2: Lễ hội hoa ban là văn hóa của dân tộc nào?
Lễ hội hoa ban (còn gọi là lễ hội Sên bản, Sên mường) cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Nó diễn ra vào dịp tháng hai âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. |
Câu 3: Theo quan niệm của người Thái, hoa ban do ai hóa thành?
Theo truyền thuyết người Thái, một cô gái xinh đẹp tên Ban yêu chàng trai nghèo. Gia đình nàng không chấp nhận chàng trai, ra sức chia rẽ đôi lứa. Không cam chịu chia ly, hai người bỏ trốn, mong có thể sống hạnh phúc bên nhau. Không may, chàng và nàng chết đi khi tình yêu còn chưa trọn vẹn. Nàng hóa thành cây cho sắc trắng tinh khôi phơn phớt tím. Người ta lấy tên nàng đặt cho loài hoa ấy. Từ đó, câu chuyện về loài hoa mang tình yêu nồng nàn của họ sống mãi trong tim của người dân miền Tây Bắc. |
Câu 4: Xã nào ở huyện Mường Nhé, Điện Biên là ngã ba biên giới?
Điện Biên là tỉnh miền núi ở vùng Tây Bắc nước ta. Điện Biên giáp tỉnh Sơn La về phía Đông và Đông Bắc, giáp tỉnh Lai Châu về phía Bắc, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về phía Tây Bắc và giáp nước bạn Lào về phía Tây và Tây Nam. A Pa Chải ở Điện Biên là ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. |
Câu 5: Căn cứ Điện Biên Phủ hiện nay ở địa phương nào của tỉnh Điện Biên?
Cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa nay thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên. Thành phố Điện Biên Phủ cũng chính là tỉnh lỵ của tỉnh này. |
Câu 6: Món ẩm thực nổi tiếng của người dân Điện Biên?
Xôi nếp nương là một trong những đặc sản ẩm thực của người dân tỉnh Điện Biên. Cách làm xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ, đồ xôi mới không bị khô. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ của người dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. |
Câu 7: Tên hang động nổi tiếng của tỉnh Điện Biên?
Động Pa Thơm nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, thuộc địa phận 2 xã Na Ư và Pa Thơm. Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia động Pa Thơm hay còn có tên gọi khác như Thẩm Nang Lai (hang nhiều nàng), động Tiên Hoa. Nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đánh giá là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, hiếm có ở tỉnh Điện Biên. |
Câu 8: Tên gọi Điện Biên xuất hiện dưới triều đại nào?
Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị nhà Nguyễn đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. "Điện" nghĩa là vững chãi, "Biên" nghĩa là vùng biên giới, biên ải, "Điện Biên" tức là miền biên cương vững chắc. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó. |