Đã là cái Tết thứ ba ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được sum họp cùng gia đình sau 10 năm bị tù oan.
Ngày về trọn niềm vui
Tháng 11/2013, người đàn ông 55 tuổi được TAND Tối cao hủy hai bản án kết tội Giết người trong phiên tái thẩm. Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn và 59.000 đồng.
Ngày cận Tết Nguyên đán, vợ chồng ông Chấn cùng người con trai út đang dọn dẹp xung quanh căn nhà mới xây đang trong quá trình hoàn thiện. Căn nhà mới hai tầng được dựng lên cạnh nhà cũ, nơi ông từng gắn bó trước khi vướng lao lý.
Để dở việc sửa sang lại chiếc xe đạp cũ kỹ - kỷ vật gắn bó hơn chục năm về trước và cũng là vật gắn liền với vụ án oan, ông Chấn pha vội ấm nước rồi tâm sự “mấy năm trước, gia đình ăn Tết không trọn vẹn nhưng năm nay, cả nhà sẽ tổ chức đón năm mới thật to. Có lẽ, Tết năm nay chúng tôi cảm thấy vui nhất”.
Dù đã được minh oan nhưng những vết tích của hơn 3.600 ngày tù còn hằn in trên đôi bàn tay và khuôn mặt của người đàn ông trung niên. Nhưng khuôn mặt ấy ánh nên một niềm vui trọn vẹn bởi “Tết năm nay, lần đầu tiên cả nhà được đoàn tụ đông đủ. Cô con gái thứ hai đi làm ăn xa, hơn chục năm không gặp cũng về sum họp”, ông Chấn phấn khởi nói.
Thế nhưng bên sự vui vẻ ấy còn là những điều phiền muộn. Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cho biết, chồng không còn được nhanh nhẹn như trước bởi tuổi cao và những di chứng còn lại sau bao năm chấp hành án phạt tù. Cũng chính vì thế nên từ khi được tự do, ông Chấn hay quên, có lúc cáu gắt vô cớ.
Theo những người thân, hai cái Tết sau khi được minh oan, ông Chấn tỏ ra bỡ ngỡ ngay trong chính căn nhà của mình. Ông như một người xa lạ với những người thân, hàng xóm.
“Đây là năm thứ ba kể từ lúc ông được trở về với tư cách là người trong sạch, tuy nhiên tinh thần thì không còn được như trước, sức khỏe cũng giảm sút”, bà Chiến chia sẻ.
Trong căn nhà cấp bốn ở thôn Me, người đàn ông vẫn giữ lại những đồ vật cũ kỹ đã từng gắn bó trước khi vào tù. Trở về là một người nông dân, ông Chấn vẫn làm những công việc ngày xưa với việc chăn nuôi và vận hành chiếc máy xay lúa ông mua từ hàng chục năm trước.
Từ ngày được minh oan, ông Chấn được nhiều người gọi điện hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Từ ngày chiếc máy xay ấy vận hành trở lại bằng đôi bàn tay của người nổi tiếng nhất thôn Me, hàng xóm vẫn thường vẫn đến nhà ông Chấn để thuê xát lúa. Ông Chấn bùi ngùi tâm sự "hơn chục năm trước, tôi mua chiếc máy để giúp người dân trong xã. Sau khi bị kết án, xưởng xay xát đóng cửa, toàn bộ máy móc vẫn còn ở đó cho đến khi tôi trở về”.
Số tiền bồi thường nhận được, gia đình dùng tiền để trả nợ, sửa sang nhà cửa và chăm sóc con cháu, ông Chấn chia sẻ.
Tết đoàn tụ đầu tiên
Bà Chiến cho hay, từ khi chồng vướng lao lý, những người thân trong gia đình gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong mối quan hệ với người dân cùng thôn.
Khoảng thời gian hơn 10 năm ông Chấn ở trại giam, một mình người phụ nữ vừa chăm sóc gia đình, vừa tìm cách giải oan cho chồng. Bên cạnh đó là nỗi đau khi chị Quyền bỏ đi xuất khẩu lao động.
“Sáu năm ở xứ người, phần vì mặc cảm, lại không có người thân ở bên nên tôi giấu bạn bè chuyện của bố. Tôi cũng ít nói về chuyện gia đình mình trong suốt thời gian đi làm thuê”, chị chia sẻ.
Theo cô con gái thứ hai, cho đến tận cuối năm 2013, khi hay tin ông Chấn chính thức được minh oan, Quyền mới cho bạn bè xem bức ảnh có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Cô nhớ lại, lúc ấy, khi biết ông Chấn, bạn bè của cô mới kéo đến chúc mừng, chia sẻ niềm vui được minh oan.
“Căn phòng trọ chật chội của tôi chưa bao giờ đón tiếp nhiều khách đến thế, phần đông họ là bạn bè, đồng hương đến chúc mừng gia đình tôi”, Quyền kể.
Gia đình ông Chấn tất bật gói bánh chưng chiều 28 Tết. Ảnh: N.H. |
Đến cuối năm 2015, Quyền quyết định về hẳn Việt Nam, làm việc ở một khu công nghiệp gần nhà. Lần ấy, ông Chấn dẫn cả nhà đi đón đứa con ly hương bao nhiều năm mới trở lại.
13 năm mới nhìn thấy mặt con, một lần nữa giọt nước mắt sung sướng và tủi hổ lại chảy trên khuôn mặt già nua tuổi tác của ngươi tù oan khuất. Ông đứng đó, ôm chầm lấy đứa con gái bé nhỏ, lau từng giọt nước mắt của con rớt trên áo.
Cô gái có khuôn mặt đậm nét duyên quê chia sẻ, bố mẹ cô đã có thời gian vất vả, chịu nhiều oan ức, vì thế, cô quyết định về hẳn ở nhà để chăm sóc gia đình, đặc biệt là ở cạnh ông Chấn để bù lại cho ông quãng ngày khổ cực.
Hơn 3.600 ngày tù oan, ông Chấn đã lỡ hai đám cưới của con. Vì thế, chỉ sau mỗi lần gia đình có chuyện vui, người thân mới lại vào gặp ông để báo hỷ và động viên.
Sáng 28 Tết Nguyên đán, Quyền dành một phần tiền lương mua tặng bố mình cây sung với mong ước một năm mới sung túc, ấm no. Cô kể, nhìn cây trĩu quả, ông Chấn chỉ cười, nụ cười hạnh phúc mà Quyền từng mong đợi trước ngày về quê.
“Tôi mua cây sung sai quả với mong muốn rằng, gia đình mình sẽ sống sung túc, đầm ấm trong cái Tết đoàn tụ đầu tiên”, con gái ông Chấn chia sẻ.
Tháng 8/2003, Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là thủ phạm giết hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án tuyên ông phạm tội giết người, xử án tù chung thân.
10 năm ngồi tù, ông Chấn liên tục kêu oan và tìm cách tự tử nhưng được các phạm nhân khác can ngăn kịp thời. Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cũng gửi đơn đến nhiều cơ quan công quyền để kêu oan cho chồng.
Tháng 7/2013, bà chiến gửi đơn đến VKSND Tối cao, nói rằng đã tự xác minh được thủ phạm là Lý Nguyễn Chung. Sau đó, Cục điều tra VKSND Tối cao đã làm rõ.
Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm ở tù. Hai ngày sau, TAND Tối cao hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người trong phiên tái thẩm. Vụ án được điều tra lại. Sau đó, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng.
Tháng 3/2015, ông Chấn chính thức vô tội. Cuối tháng 5/2015, TAND Tối cao đạt được thoả thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng trong khoảng 9,3 tỷ đồng ông yêu cầu, sau 10 tháng thương lượng.