Bộ luật hình sự hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, cụ thể là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nếu tử hình “nhầm” ai sẽ là người đền mạng?
Đóng góp ý kiến vào nội dung này của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), nhiều chuyên gia thống nhất quan điểm hạn chế hình phạt tử hình, tuy nhiên đề xuất bỏ hình phạt này với 7 tội danh vẫn có những ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Luật hình sự năm 1985 có 44 tội có tử hình, đến năm 1999 có sửa đổi thì còn 29 tội có tử hình và đến năm 2009 thì có 22 tội có tử hình.
“Dự thảo lần này rút xuống chỉ còn 15 tội có tử hình. Đó cũng là xu hướng chung của thế giới. Theo quan điểm của thế giới, nếu còn tử hình thì còn nguy cơ khi án đã tuyên, thì người chết cũng không sống lại được.
Vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, rất may ông Chấn là con liệt sĩ nên Tòa mới tuyên chung thân và đến 10 năm sau ông Chấn mới được minh oan. Trường hợp nếu không phải con liệt sĩ thì ông Chấn đã bị chết oan rồi. Vì thế xu hướng của thế giới tiến tới là không còn án tử hình”, ông Việt nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. |
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cần phải nhìn nhận cái gốc của vấn đề về vấn đề tử hình. Trên thế giới, xu hướng chung là giảm, bỏ án tử hình. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó nghĩa vụ bảo vệ quyền con người là một vấn đề lớn của quốc gia. Bên cạnh đó, lịch sử cho thấy việc duy trì án tử hình không làm giảm vấn đề tội phạm.
Luật sư Huỳnh cho rằng, Ban soạn thảo dự thảo Luật nên tổng kết lại quá trình duy trì tội tử hình thì số lượng người phạm tội có giảm đi không? Tác dụng răn đe, cải tạo có giảm hơn không?
“Nếu tử hình nhầm một con người, thì ai sẽ là tội phạm trong việc tước đi quyền sống của một con người mà không có căn cứ pháp luật? Vì thế nên cân nhắc về án phạt này. Tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương nhân đạo, hướng thiện, tăng cường quản lý của Nhà nước đối với xã hội, tăng cường các thiết chế để con người sống nhân đạo, hướng thiện hơn”, ông Huỳnh nói.
Theo luật sư Huỳnh điều cần nhấn mạnh là việc bỏ án tử hình cho một số tội phạm là nhằm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chính vì vậy, cần tăng cường tính chủ động, tích cực của xã hội trong việc giáo dục đạo đức, văn hóa, nhân phẩm con người, đồng thời tổ chức các điều kiện xã hội đề người dân có thể sống, làm việc tốt hơn. Việc bỏ án tử hình không chỉ đơn thuần là một biện pháp tư pháp mà kèm với nó chúng ta phải tổ chức xã hội tốt hơn.
Giảm án tử cho người tham nhũng để thu hồi tài sản
Cũng đồng tình với việc giảm án tử hình, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay.
“Không phải cứ tử hình là tội phạm giảm. Chẳng hạn như có lúc chúng ta tử hình hàng loạt tội phạm ma túy, nhưng trên thực tế tội phạm ma túy vẫn tăng chứ không hề giảm đi”, Tiến sĩ Dung chia sẻ.
Quan tâm đến vấn đề có tử hình tội phạm kinh tế và tham nhũng hay không, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa – xã hội của MTTQ Việt Nam dẫn lại án tử hình trong vụ án Tân Trường Sanh, Minh Phụng… trong đó có những người bị tử hình nhưng khắc phục được hậu quả gây ra nên họ không bị tử hình. Và hiện nay có những người trong số đó trở thành những người có đóng góp tích cực cho xã hội.
“Quan điểm của tôi, đối với những người bị án tử hình, nhưng họ có khả năng tìm mọi cách để khắc phục hậu quả và tích cực hợp tác với Nhà nước thì nên giảm án xuống chung thân. Đây không chỉ là góc độ nhân đạo mà quan trọng hơn là thu hồi được thất thoát của Nhà nước và của nhân dân. Điều đó cũng thể hiện sự văn minh của một xã hội phát triển, hội nhập với thế giới”- ông Túc nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, khi tòa tuyên án tử hình rồi, nhưng mà hoãn thi hành, nếu người phạm tội khắc phục hậu quả, chẳng hạn họ sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh nhưng đã khắc phục được hậu quả, thu hồi cơ bản hàng giả thì sẽ được tha tội chết.
“Hoặc tội tham ô, nhận hối lộ, nếu tiêm thuốc độc thì họ chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con” thì bố chết để lại tài sản cho con cháu. Có người tham ô hàng nghìn tỷ, mua đất mua nhà xong tẩu tán và khi họ chịu án tử thì số tài sản đó sẽ gần như không thu hồi được. Nhưng phía Nhà nước lại cần thu lại số tiền này. Cho người phạm tội cơ hội thoát án tử để họ lập tức báo cho gia đình bán tài sản đã tham ô để nộp tiền lại cho Nhà nước. Tôi cũng như nhiều người tin rằng, nếu làm được như thế có nhiều cái lợi”, ông Việt đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (VKSND Tối cao) cũng cho rằng, việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm là cần thiết, nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền sống”.
Tuy nhiên, không nên bỏ án phạt tử hình đối với các tội đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh… vì đây là những tội phạm có tính nguy hiểm cao, nếu xảy ra hậu quả sẽ rất nặng nề, do vậy cần tiếp tục quy định hình phạt tử hình đối với các tội này nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt trái phép các chất ma túy hiện nay khá phổ biến, nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây nhức nhối trong xã hội, vì vậy, cần tiếp tục quy định hình phạt tử hình với hành vi này.