Càng cận kề dịp Tết Nguyên đán, các anh chị trung niên trong cơ quan Trương Lê (26 tuổi) thì thào hỏi nhau: “Năm nay đi Tết sếp thế nào?”, “Ngày nào tới lễ sếp hợp lý?”, “Mua gì biếu để vừa phải phép, vừa đỡ tốn kém?”…
Thấy anh chị nào cũng lo ngay ngáy việc đi Tết sếp, mấy nhân viên trẻ công tác chưa tròn năm như Lê có đôi chút băn khoăn. Chị Ngân đồng nghiệp bảo đây là truyền thống của cánh nhân viên mỗi khi tới “tháng củ mật”.
Các phòng rủ nhau ùn ùn tới nhà biếu quà, chúc Tết sếp. Sớm là 29 tháng Chạp, vừa là khoảng mùng 2.
“Em bận việc riêng, không đi Tết sếp thì sao chị?”, Lê đã lên kế hoạch đi chơi xa “trốn Tết” cả nửa năm với bạn thân.
“Hỏi vớ vẩn. Làm cơ quan như mình làm gì có chuyện không? Tết mà không tranh thủ đi chào sếp, chỉ ở nhà ăn, nghỉ thì còn gì là Tết!”, chị Ngân quả quyết.
Trong khi nhiều bậc phụ huynh coi biếu quà, đến nhà chúc Tết sếp là buộc phải làm, nhiều người trẻ hiện nay không bận tâm đến vấn đề này. Ảnh: BI. |
Chị Ngân giải thích thêm chuyện đi Tết sếp chẳng thể không đi vì đây đã thành thông lệ, là cơ hội ngoại giao, tạo thiện cảm hơn trong mắt cấp trên. Những tối giáp tết, mọi việc gia đình phải tạm gác để đến nhà sếp trước.
Suy đi tính lại, Lê vẫn đặt vé máy bay đi chơi cùng Hà cả dịp Tết. Cô cho rằng suốt cả năm bận rộn, Tết là dịp cần dành thời gian nghỉ ngơi, đầu tư cho bản thân, không nhất thiết phải quá lễ nghi khi 28 tháng Chạp đi làm mới gặp sếp mà mùng 2 lại gặp tiếp. Lê nói sẽ chúc mừng năm mới sếp khi trở lại cơ quan sau kỳ nghỉ Tết.
Không riêng Trương Lê, nhiều bạn trẻ hiện đại không quan trọng chuyện biếu quà, chúc Tết sếp sớm. Họ muốn dành chủ yếu tiền bạc, thời gian để sắm sửa cho gia đình, bản thân.
Ngược lại, nhiều phụ huynh tỏ ra sốt ruột và thúc giục con cái chuyện đi Tết sếp. Họ sợ công việc sau này của con trẻ không trôi chảy, bị làm khó bởi chính đây cũng là suy nghĩ, thói quen khó bỏ ở thời mình.
Ai cũng biếu sếp quà Tết, chẳng nhẽ mình lại không?
“Chị thích cái áo này lắm, định mặc diện Tết mà bận quá chẳng có thời gian đi mua”.
Thanh Thanh (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) nhớ lại lời người sếp 7X “nhắc khéo” trong những ngày làm việc cuối năm.
Thực tế, chẳng cần sếp gợi ý, từ trước Tết Nguyên đán cả tháng, mẹ Thanh đã rục rịch nhắc nhở cô nhiều lần về chuyện tặng quà Tết cho sếp.
Với không ít nhân viên trẻ lẫn lớn tuổi, Tết là dịp xã giao cần thiết, nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp với cấp trên để công việc thuận lợi hơn. |
Ra trường với tấm bằng cử nhân loại giỏi ngành Ngân hàng, cộng với một vài mối quen biết của mẹ, cô gái may mắn có một vị trí tại một ngân hàng tên tuổi.
“Năng lực thôi là chưa đủ, để thăng tiến thì phải chịu khó duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên nữa. Có vậy công việc mới dễ bề ‘thuận buồm xuôi gió’”, Thanh đã nằm lòng câu dạy của mẹ và thừa nhận mình có suy nghĩ tương tự.
Do đó, các dịp quan trọng như Tết Âm lịch là dịp xã giao cần thiết, không thể bỏ qua.
“Ông mất chân giò, bà thò chai rượu. Quan hệ có đi có lại thôi nếu muốn sếp để tâm đến, trao cho nhiều cơ hội hơn. Mọi chuyện cứ như lẽ đương nhiên”, Thanh giải thích.
“Hơn nữa, các nhân viên khác đều biếu tặng quà cho sếp, mình không theo thì tự mình thiệt thôi”, cô nói thêm.
Mặt khác, Thanh cho hay với cấp trên của cô là người khó tính, “không phải cứ tặng là xong mà phải là quà cáp sang trọng”.
Các món đơn giản như đặc sản hay giò, bánh chưng sẽ "không có cửa" chiếm thiện cảm. Ngược lại, cấp trên thích được tặng các món đồ đắt tiền như giỏ phong lan, chậu cây cảnh có giá tiền triệu trở lên.
Biết tính sếp, không riêng gì Tết, Thanh luôn cẩn thận chọn đồ hợp với gu sếp, không dám “cái chính là tấm lòng”. Nỗi lo không biết tặng sếp quà gì còn khiến cô “đau đầu” hơn việc chọn lựa, mua sắm đồ cho gia đình hay bố mẹ bạn trai.
Vất vả cả buổi chiều cuối tuần, đi nhiều cửa hàng mới sắm được giỏ quà được trang trí cầu kỳ, giá cả hợp lý để tuần sau mang lên cơ quan, Thanh thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi một gánh nặng.
"Nhân viên làm được việc là sếp vui rồi"
“Đi làm gần 5 năm nay, cũng qua một vài công ty rồi nhưng tôi chưa hề biết mua quà đi Tết sếp bao giờ”, Trung Tín (27 tuổi, nhân viên bán hàng) cười khi được bạn hỏi: “Mày chuẩn bị quà đi Tết sếp chưa?” .
Tín cho hay công việc của mình bán được hàng thì ăn doanh thu, không có chuyện phải đi Tết sếp sớm.
Mọi câu chúc, nhắn nhủ đều được để lại tới bữa liên hoan sau Tết.
Thay vì lo nghĩ dành số tiền thưởng để mua quà Tết tặng sếp, nhiều bạn trẻ dành số tiền đó để sắm sửa cho bản thân, gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Không riêng Tín, tất cả nhân viên nơi anh làm việc đều như vậy. Càng gần cuối năm, công việc của họ càng nhiều hơn, ai chưa đủ KPI càng hối hả “cày cuốc” nốt. Bởi vậy, không ai có thời gian để nghĩ tới chuyện tặng quà Tết gì cho sếp.
Mọi người chỉ quan tâm đến kết quả công việc của một năm qua và mức thưởng xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
“Nhân viên làm được việc, đem lại nhiều tiền cho công ty là sếp vui rồi. Còn mấy thứ quà biếu, chúc Tết này kia sếp mình cũng chẳng câu nệ”, Tín nói.
Tương tự Trung Tín, Lan Anh (26 tuổi, nhân viên giao dịch của một ngân hàng tư nhân) cũng chưa từng đi Tết sếp. Theo cô, ở những môi trường tư nhân, kết quả làm việc của nhân viên trực tiếp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và sếp là người được hưởng sau khi trừ chi phí, lương, thưởng cho cấp dưới.
Bởi vậy, sếp và nhân viên đều có quan điểm sòng phẳng, bình đẳng. Với họ, chuyện quà cáp, đến nhà chúc Tết là thủ tục rườm rà, phiền phức, tốn tiền, mất thời gian.
“Các khoản lương, thưởng mình nhận được trong cả năm làm việc đều từ công sức mình bỏ ra mà có. Tết hay bất cứ dịp lễ nào, mình thấy không cần phải ‘nịnh’ ai nếu bản thân cảm thấy không cần thiết”, Lan Anh cho hay.
“Đâu phải cứ đi chúc Tết sếp là nịnh nọt?”
Những năm mẹ còn đương chức hiệu trưởng của trường mầm non ở thành phố, Nguyễn Phương (27 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung) quá quen với cảnh cận Tết, nhân viên của mẹ ùn ùn kéo tới biếu mẹ quà hay tới chơi trong Tết.
“Có những hôm 29, 30 Tết bận dọn nhà, người ta vẫn đến. Mẹ mình phải bỏ dở việc để tiếp. Không phải họ đến sớm, mà là đến 2 lần. Họ mang quà tới biếu mẹ mình trước Tết, còn mùng 2 đến để chúc Tết, mừng tuổi con lãnh đạo. Có người ngồi tới 3 tiếng khiến mình còn ngán ngẩm”, Phương nói.
Theo lời cô gái 27 tuổi, hầu hết nhân viên đều đi riêng, không chỉ có giáo viên, mà bảo vệ cũng tới. Người tặng quà có, biếu tiền cũng có, thậm chí đưa phong bì thật dày để nhờ xin việc.
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, thị trường quà Tết phục vụ việc đem đi biếu tặng lại nhộn nhịp, sôi nổi. Ảnh: Phương Lâm/ Khánh Huyền. |
Tuy nhiên, theo Phương, không phải ai cũng tới thăm cấp trên dịp Tết nhằm tư lợi, có ý đồ.
“Nhiều người tình cảm, quý mẹ mình nên bà nghỉ hưu 5 năm rồi vẫn đến chơi, biếu hoa quả, bánh kẹo”, Phương kể.
Chung quan điểm với Nguyễn Phương, Đức Thịnh (30 tuổi, nhân viên kiểm toán) khẳng định: “Đâu phải cứ tặng quà hay đến nhà chúc Tết sếp là vì tư lợi?”.
“Bác giám đốc cũ của mình chuyển công tác được 5-6 năm nhưng năm nào, mình và các đồng nghiệp cũng hẹn nhau một buổi đến chúc Tết, lý do đơn thuần xuất phát từ tình cảm của những người nhân viên cũ thôi”, anh nói.
Nhớ lại quãng thời gian còn dưới “trướng” sếp cũ, Thịnh không ít lần được “người sếp tâm lý, thường xuyên quan tâm nhân viên” tận tình giúp đỡ trong những năm đầu anh mới đi làm.
“Mối quan hệ đáng để mình giữ gìn nên mục đích chính là hỏi thăm sức khỏe, cập nhật tình hình của nhau chứ không phải vì muốn nịnh nọt lấy lòng hay mong được du di ưu ái. Hơn nữa, Tết là thời gian hiếm hoi được nghỉ dài nên dễ dàng gặp mặt đông đủ, còn trong năm ai cũng bận rộn công việc cả”, Thịnh nói chắc nịch.