Ngày Tết cận kề, nỗi nhớ quê nhà trong lòng Ánh Tuyết (29 tuổi, Bình Định) lại càng thêm sâu sắc. Suốt 9 năm lên TP.HCM lập nghiệp, năm nào cô cũng bị giằng xé giữa khao khát trở về nhà và nỗi lo cơm áo.
"Mình càng lớn, càng có nhiều gánh nặng trên vai. Nhiều năm dù nhớ nhà lắm nhưng vẫn cắn răng ở lại vì tiền thưởng Tết gấp hai, gấp ba. Chạy trên đường, nhìn thấy biển số xe quê hương mình thấy sống mũi cay cay.
Ngày bé, gia đình còn đông chị em, Tết năm nào cũng vui như hội. Lúc trưởng thành, cả căn nhà lớn chỉ còn bóng hai người già, nghĩ tới cảnh đó mình không kìm được nước mắt”, Ánh Tuyết chia sẻ với Zing.
Ánh Tuyết chia sẻ ảnh chụp bên mẹ mình. Ảnh: NVCC. |
Tốt nghiệp đại học xong, Ánh Tuyết quyết định ở lại thành phố làm việc. Bươn chải một mình nơi đất khách quê người, số lần cô về quê thăm gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm nay, dù bận rộn tới đâu, Tuyết cũng quyết khăn gói về quê đón Tết.
“Thời gian của mình còn nhiều nhưng bố mẹ thì không. Thế nên, mình càng trân trọng những phút giây được ở cùng gia đình. Tết năm nay dù bận mấy mình cũng phải về nhà, ăn với bố mẹ một bữa cơm".
Ước mong được về nhà đón Tết cùng gia đình
Chung tâm trạng, Như Quỳnh (20 tuổi, Lâm Đồng) chia sẻ với Zing: “Là sinh viên xa nhà, mình không mong gì hơn ngoài việc có một cái Tết đoàn viên với gia đình. Ở TP.HCM, không khí Tết đến sớm lắm. Trên khắp các nẻo đường, hoa nở đầy, người người tấp nập đi mua sắm Tết. Nhìn đâu cũng thấy cảnh gia đình dắt nhau đi chơi làm mình nhớ nhà da diết”.
Người trẻ chỉ mong có được một cái Tết quây quần bên gia đình. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Nhiều năm rồi, hương vị đó vẫn không thay đổi. Mình nhớ nhất là những bữa cơm đơn giản của mẹ. Ngày còn bé, mình hay chạy quanh bếp nhìn mẹ nấu ăn. Với mình, cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, đón giao thừa là cảm giác tuyệt vời nhất”, Như Quỳnh chia sẻ thêm.
“Từ khi lên thành phố học tập, mình gặp phải rất nhiều khó khăn. Chuyện công việc, tình cảm gần như vắt kiệt sức. Chỉ khi về nhà, mình mới được trở về làm cô công chúa nhỏ của bố mẹ mà không cần suy nghĩ điều gì cả. Nhà là nơi duy nhất mình đủ tin tưởng bỏ đi lớp vỏ bọc cứng rắn bên ngoài, bộc lộ những phần chân thực nhất”.
Đam mê xê dịch của giới trẻ
Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người trẻ khác thích xê dịch và tự do. Họ chọn đi du lịch khám phá thay vì về nhà. Đặc biệt, thanh niên thế hệ Millennials bị thu hút bởi cảm giác mới lạ mà những chuyến phiêu lưu mang lại.
Họ quan niệm tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất để đi. Tranh thủ khi còn đôi mươi, sức khỏe và đam mê nhiều, nhiều người lên kế hoạch sẵn cho những chuyến đi xa đầy mong đợi.
Kim Thoa, nhân viên văn phòng 30 tuổi, cho biết vì mải mê công việc mà quên mất sở thích của mình. Mấy năm gần đây Thoa có mới can đảm theo đuổi đam mê đó.
Nhiều người trẻ lựa chọn du lịch trong nước trong dịp Tết. Ảnh: NVCC. |
“Càng đi nhiều, mình càng bị nghiện cảm giác được chinh phục những vùng đất mới. Năm nay, Sa Pa sẽ là điểm đến tiếp theo. Mình khá háo hức vì đây là chuyến đi được lên kế hoạch từ lâu. Nó cũng là dấu mốc cho tuổi 30 của mình”.
Lý giải về nguyên nhân ngày càng nhiều người lựa chọn đón Tết ở một nơi xa thay vì nhà, một số người trẻ cho biết họ bị áp lực bởi chính gia đình. Họ sợ phải đối diện với những câu hỏi về lương bổng, khi nào cưới vợ/chồng… Du lịch xa nhà vừa tránh được những câu hỏi như vậy, vừa giải tỏa được áp lực công việc một năm qua.
“Mình cảm thấy khá quen với cuộc sống không có gia đình bên cạnh, ngày thường hay Tết với mình đều như nhau. Bây giờ hiện đại lắm, chỉ cần một cuộc gọi video là mình có thể nhìn thấy bố mẹ. Công nghệ rút ngắn dần khoảng cách, mình không còn lo lắng quá nhiều về việc này nữa. Quan điểm của mình có khác đôi chút với mọi người. Tuổi trẻ ngắn lắm phải đi trải nghiệm thôi, năm sau về nhà vẫn chưa muộn”, Kim Thoa chia sẻ.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài tiến hành giãn cách xã hội, mọi người càng có tâm lý muốn đi đây đi đó để bù lại những ngày chỉ ở nhà và làm việc online. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người chọn du lịch trong nước thay vì xuất ngoại.
Kim Thoa chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc trong chuyến du lịch năm 30 tuổi của mình. Ảnh: NVCC. |
Năm nay, Hoàng Nam (20 tuổi, Hà Tĩnh) - sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM - quyết định không về quê ăn Tết.
“Vì dịch Covid-19, Tết năm trước mình phải ở nhà tận 3 tháng. Năm nay mình quyết định đón Tết tại TP.HCM. Thật ra, từ lâu mình đã muốn thử cảm giác đón Tết xa nhà để biết được sức chịu đựng của bản thân tới đâu. Đây là một quyết định khá táo bạo, mình có hỏi qua ý kiến và nhận được sự đồng ý từ bố mẹ”, cậu chia sẻ.
Trả lời Zing, Hoàng Nam cho biết đây là cơ hội tốt để rèn luyện tính tự lập cho bản thân. Cậu mong mình có thể vượt qua nỗi nhớ nhà, tìm một công việc để kiếm thêm thu nhập để muốn mua quà tặng bố mẹ bằng tiền do chính tay mình làm ra.
Khi được hỏi Tết năm sau có tiếp tục chọn ăn Tết xa nhà hay không, Nam trả lời ngay: “Một lần trải nghiệm với mình là đủ rồi, năm sau phải về quê ăn Tết cùng bố mẹ chứ. Nói gì thì nói, mình vẫn thấy nhà là nơi tuyệt vời nhất. Mình biết, dù có đi đâu về đâu, bố mẹ luôn ở nhà đợi mình trở về”.
Những chặng đường dài khám phá thật đáng quý nhưng sẽ đáng trân trọng hơn nếu ta có một nơi để thuộc về. Tết không đơn thuần chỉ là một dịp nghỉ lễ. Với nhiều người, Tết là thời gian duy nhất để gia đình đoàn viên.
“Mình luôn tự hào với những nơi từng đi qua trong dịp Tết. Nhưng nó chẳng còn ý nghĩa gì nếu bên cạnh mình không có sự động viên của bố mẹ. Trên hành trình của tuổi trẻ, con người thường bị hấp dẫn bởi những điều mới mẻ ngoài kia. Nhưng cuối cùng, nhà vẫn là nơi để trở về, là bến đỗ bình yên nhất cuộc đời”, Ánh Tuyết chia sẻ.