Câu 1. Người Việt trồng cây nêu mỗi dịp Tết Nguyên Đán để làm gì?
Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt, vào dịp Tết Nguyên Đán, khi các vị thần trông coi nhà cửa lên thiên đình báo cáo công việc với Ngọc Hoàng, nhà cửa không được trông coi, quỷ sẽ lợi dụng vào nhà hại người. Việc trồng cây nêu là để xua đuổi quỷ. |
Câu 2. Cây nêu của người Kinh được trồng vào khoảng thời gian nào?
Cây nêu được trồng vào 23 tháng Chạp - ngày được quan niệm Táo quân về trời, nhà cửa không có người trông, quỷ từ biển sẽ vào hại người. |
Câu 3. Dân tộc nào có tục trồng cây nêu vào dịp Tết?
Ngoài người Kinh, người Mường và H’Mông cũng có tục trồng cây nêu vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Người Mường trồng cây nêu vào 28 Tết. Người H’Mông trồng cây nêu vào khoảng ngày 3-5 Tết. Người Sán Dìu cũng trồng cây nêu nhưng vào mỗi dịp đại lễ mùa màng. |
Câu 4. Theo quan niệm, ngày lễ hạ nêu là?
Theo tín ngưỡng dân gian, cây nêu được trồng đến ngày mồng 7 Tết, các gia đình sẽ làm lễ hạ nêu. |
Câu 5. Tết Nguyên Đán có tên khác là gì?
Tết Nguyên Đán ở nước ta còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết cổ truyền. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Vì tính theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng, Tết Nguyên Đán chậm hơn tết Dương lịch. |
Câu 6. Tết Âm lịch có từ bao giờ?
Theo sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam", Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế ở Trung Quốc cách đây gần 5.000 năm, sau này du nhập vào các nước láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên... |
Câu 7. Tết Nguyên Đán ở nước ta có từ thời nào?
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, Tết Nguyên Đán ở nước ta có từ thời các vua Hùng. |
Câu 8: Tất niên được tính vào ngày nào?
Tất niên được tính vào ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm, có thể là 30 tháng Chạp (nếu tháng đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu tháng thiếu). Đây chính là bữa cơm sum họp gia đình cuối cùng của năm cũ trước khi bước sang năm mới. |