Ai trong chúng ta cũng đều cố gắng cho một cái Tết đủ đầy, nhưng hãy nhớ rằng “Tết ổn” không chỉ đong đếm bởi giá trị vật chất, mà còn là khoảnh khắc gia đình mạnh khoẻ bên nhau.
Kỳ vọng lớn lao về một cái “Tết ổn” vô hình tạo áp lực đè nặng lên vai người trẻ. Nếu Khánh Duy đứng trước mối lo về sức khỏe, Đình Tú vùi mình vào công việc 365 ngày trong năm chỉ để chuẩn bị Tết đủ đầy, thì Thùy Chi lại phải chia ly với người thân khi chưa sẵn sàng. Dẫu vậy, sau tất cả, họ đã tìm thấy định nghĩa của riêng mình về một “cái Tết ổn”.
Tôi được chẩn đoán trầm cảm từ đầu năm nay. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài và stress không ngừng trong những lần chạy deadline, dẫn đến trạng thái lo âu. Ngẫm lại chẳng sai, vì có những đợt chạy sự kiện, tôi chẳng thể chợp mắt trong 12 tiếng liên tục, dù chỉ vài phút. Tôi quyết định giấu mẹ vì biết bà phải trăn trở nhiều việc, lại gặp vấn đề sức khỏe. Phần khác, tôi không nghĩ mẹ - người của thế hệ trước - có thể hiểu trầm cảm là bệnh mà không phải cảm xúc “chán đời, chán người” thông thường.
Nhưng mọi chuyện không giấu được lâu. Khi biết tin, mẹ chỉ ôm lấy tôi, bình tĩnh trò chuyện về những điều bà đã trải qua. Thì ra, hai mẹ con cùng gặp vấn đề tương tự và có lẽ, ở thời điểm nào đó, bà cũng đã bị trầm cảm mà không biết.
Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra giây phút còn được đồng hành cùng người thân của mình, cả nhà khỏe mạnh mới thật sự trân quý.
Năm mới đang gần kề, tôi lại càng thấm thía ý nghĩa của việc cả gia đình đoàn viên, sum vầy. “Tết ổn” hóa ra chỉ là bản thân và những người thân yêu được khỏe mạnh, là khoảnh khắc bình dị bên nhau mà chúng ta lúc nào cũng bỏ quên.
Để sẵn sàng cho một năm 2024 với rất nhiều thay đổi, tôi hiểu rõ phải chăm chút sức khỏe, “thương lấy thân mình” hơn, không chỉ vì bản thân mà còn vì người thân yêu. Và chỉ khi có cơ thể khỏe mạnh cùng tinh thần lạc quan, chúng ta mới trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những gì đang chờ đợi phía trước, dù là cơ hội hay thách thức.
Nhận tin ba mất đột ngột vào giữa năm nay, tôi không thể nhìn mặt ông lần cuối, vì chuyến bay sớm nhất từ TP.HCM về Huế cất cánh sau khi ông mất khoảng 6 tiếng.
Tôi từng nghe ai đó bộc bạch “còn bố, còn mẹ, còn tuổi thơ”. Câu nói này thật đúng khi nghĩ về Tết. Ngày còn nhỏ, Tết với tôi là những mâm cao cỗ đầy, mai đào khoe sắc, bao lì xì đỏ tươi… Lớn hơn một chút, tôi nhận ra Tết không chỉ nằm trong một bữa cơm đầy đặn, một căn nhà rạng rỡ với mai, đào và bánh mứt, mà là khoảnh khắc cả nhà còn sum vầy. Tết có ba, có mẹ là trọn vẹn nhất. Kể cả khi đã lớn, Tết trong tôi vẫn gắn với những kỷ niệm gia đình xưa cũ, khi bản thân còn bé bỏng.
Chưa đầy 50 ngày nữa là Tết. Khắp nẻo đường ở TP.HCM, ngã năm, ngã bảy sáng trưng những biển hiệu quảng cáo. Ai cũng nhìn thấy Tết đang tràn về, nhưng người ta nói phải chờ đến lúc đoàn viên mới cảm nhận được Tết. Đôi lúc tôi tự hỏi, Tết này có ổn khi gia đình chẳng còn được đoàn viên?
Vô tình nghe được câu nói trong podcast: “Áp lực thời nay không chỉ đến từ bên ngoài, mà thậm chí từ kỳ vọng quá cao, tham vọng quá nhiều của chính bản thân”, trong tôi dần lắng lại. Tôi tự nhủ bản thân phải học cách nghĩ về “cái Tết ổn” như nó vốn có, thay vì kỳ vọng một điều không thể hoặc quá tầm với.
Thật may, tôi còn có mẹ ở bên, để cùng bước qua thời khắc chuyển giao trọn vẹn, khỏe mạnh bên nhau. Dẫu Tết này chỉ “sum vầy một nửa”, so với nhiều người, Tết của tôi đã ổn lắm rồi!
Tôi mất việc trước Tết khoảng 3 tháng. Tài chính gom góp cạn đáy khiến đường về nhà của tôi khó khăn hơn nhiều.
Mọi người thường nói cố thêm một chút để gia đình có cái Tết ổn. Tôi cũng cho rằng Tết phải đủ đầy, tiền bạc rủng rỉnh, nhà cửa tươm tất nên chẳng ngại “cày” đến 30 Tết. Ngoài nhận một số công việc freelance thiết kế, tôi chạy xe ôm công nghệ mỗi tối để có thêm thu nhập.
Nhưng hóa ra, điều mình đang nỗ lực đôi lúc chẳng phải cái người thân ta thật sự mong đợi. Một tối gọi về nhà, mẹ nói: “Bố mẹ không mong mỏi gì ngoài con khỏe mạnh trở về”. Trong tôi ùa đến thứ cảm xúc khó tả.
Điều ba mẹ trông chờ ở tôi không phải là mang bao nhiêu tiền về, mà chỉ đơn giản là đứa con xa nhà luôn khỏe mạnh và có thể về sớm hơn một chút. Nhìn con trưởng thành qua mỗi mùa Tết, chỉ cần con ổn với cuộc sống của chính mình, cha mẹ đã cảm thấy đủ.
Năm nay, tôi muốn về nhà sớm, bỏ lại tất cả để đổi lấy mùa Tết trọn vẹn bên gia đình, bạn thì sao?