Việt Nam là một trong các quốc gia đón Tết Trung thu lớn ở Châu Á. Người Việt sẽ đón tết vào ngày 15/8 âm lịch. Ngày lễ này ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là tết đoàn viên mà còn được coi là ngày tết của trẻ em. Theo truyền thống, bố mẹ sẽ mua quà và các loại đồ chơi dân gian như đèn ông sao, mặt nạ, trống, lân... để tặng cho con cháu đi chơi, rước đèn trong đêm trăng. Ảnh: asianinspiration. |
Việt Nam chú trọng đến mâm cỗ cúng rằm. Mâm cỗ mâm ngũ quả với 5 loại quả, biểu trưng cho ngũ hành. Ngoài ra sẽ có món bánh nướng, bánh dẻo truyền thống với nhiều hương vị tượng trưng cho đất và trời. Ảnh: localtravelidea. |
Tại Hàn Quốc, Tết Trung thu được tổ chức hoành tráng vào ngày rằm tháng 8. Ngày lễ này được gọi là Chuseok (nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng đẹp nhất năm). Người dân sẽ được nghỉ lễ dài ngày với 3 ngày lễ chính. Ảnh: ubitto. |
Người Hàn có món bánh riêng cho dịp này với tên gọi là Songpyeon. Món bánh này có hình tựa vầng trăng khuyết hoặc bán nguyệt chứ không phải hình vuông hoặc tròn như các quốc gia khác. Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông. Màu sắc bánh đa dạng và đẹp mắt. Ảnh: maaching. |
Tết Trung thu ở Trung Quốc là ngày lễ lớn, được tổ chức hoành tráng. Theo truyền thuyết, người Trung Quốc thường sẽ uống rượu và ngắm trăng vào ngày lễ này, nên người ta còn gọi đây là tết ngắm trăng. Vào đêm Trung thu, bên cạnh ăn uống, trò chuyện, người Trung Quốc còn có các phong tục khác như tế trăng, thả đèn hoa đăng, giải câu đố, múa lân... Ảnh: thebeijinger. |
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc là bánh nướng, có hình tròn tượng trưng cho sự vẹn tròn, viên mãn. Bánh Trung thu của người Hoa rất giống của người Việt với phần vỏ mỏng, nhân hạt sen, đậu xanh, trứng muối… Ở mỗi vùng của Trung Quốc thì món bánh truyền thống này sẽ có sự biến tấu tùy khẩu vị. Ảnh: tasteofasianfood. |
Tết Trung thu ở Nhật Bản được gọi là Otsukimi, có nghĩa là lễ ngắm trăng. Đây là ngày lễ nhằm tôn vinh Mặt Trăng của mùa thu, thời điểm mà trăng tròn nhất theo quan niệm của người Nhật. Mặc dù không còn sử dụng lịch âm nhưng Nhật Bản vẫn là một trong các quốc gia đón Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8. Trong dịp lễ này, người Nhật sẽ ngắm trăng, thưởng thức các món ăn truyền thống và tham gia các trò chơi vui nhộn. Ảnh: vietreader. |
Món ăn truyền thống thường sử dụng ở Nhật trong dịp lễ này là khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen và đặc biệt là bánh tsukimi dango. Bánh tsukimi dango tượng trưng cho Mặt Trăng, được làm từ bột nếp và mật ngọt với hình tròn nhỏ. Ảnh: justonecookbook. |
Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn vào ngày 15/10 hàng năm. Lễ này được gọi là Ok Om Pok, diễn ra vào buổi tối là chủ yếu. Người Campuchia cũng tổ chức cuộc thi thả đèn gió trong ngày Trung thu để gửi những lời cầu nguyện, niềm tin đến thần Mặt Trăng. Ảnh: tripsavvy. |
Trong dịp lễ này, buổi sáng người dân Campuchia sẽ cúng tiết nguyệt với lễ vật là súp sắn, nước mía, gạo dẹt. Buổi tối sẽ cúng cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn… Ảnh: washoku. |
Trung thu ở Thái Lan được gọi là lễ cầu trăng, tổ chức đúng ngày 15/8 âm lịch. Người Thái Lan coi trọng ngày lễ này nên vào đêm rằm, mọi người đều sẽ quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện. Ảnh: reisexpert. |
Mâm cỗ cúng của người Thái sẽ có đào, bánh Trung thu để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên. Bánh Trung thu của người Thái cũng có hình quả đào, tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy theo quan niệm của họ. Ảnh: blogpinkoi. |