Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất, kéo dài nhất của người Việt Nam. Đây là dịp để những người con tha hương được trở về quây quần bên nhau và du xuân. Tết bắt đầu từ đêm giao thừa. 3 ngày đầu tiên được coi là 3 ngày quan trọng nhất với câu nói quen thuộc: “Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Tuy nhiên Tết của người Việt thường kéo dài đến hết rằm tháng Giêng với quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Tết và ông Táo
Trước khi Tết đến, nhà nhà đều miệt mài đuổi vận đen năm cũ ra khỏi nhà bằng cách lau dọn nhà cửa, trang hoàng, sơn sửa lại, mua thêm quần áo mới, trả hết công nợ, quên đi những chuyện bất hòa, không vui… để tĩnh tâm đón một năm mới sắp sang.
Người Việt Nam có một vị thần rất đặc biệt, được gọi là Táo Quân (vị thần cai quản việc bếp núc, củi lửa trong mỗi gia đình). Mỗi năm, ông Táo lên thiên đình báo cáo tình hình sinh sống của gia đình trong suốt một năm cho Ngọc Hoàng.
Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình người Việt sẽ làm lễ tiễn ông Táo lên chầu trời. Họ đốt vàng mã, trong đó đặc biệt phải có hình cá chép bằng giấy, hoặc cầu kỳ hơn sẽ mua cá chép sống đặt trong thau nước để gần bàn thờ gia tiên mời Táo Quân cưỡi chép lên thiên đình.
Ngày nay, người Việt Nam thường mua đào, quất hay mai để chơi Tết, nhưng trước đây, trồng cây nêu trước sân nhà mới là chơi Tết đúng kiểu. Cây nêu thực chất là một ngọn tre được dựng trước sân, trang trí với cờ đuôi nheo màu đỏ để gọi may mắn tới và ngăn không cho tà khí vào nhà trong suốt một tuần ông Táo đi vắng, bận lên chầu trời báo cáo với Ngọc Hoàng.
Ngày Tết, người Việt Nam luôn hướng tới tổ tiên, không chỉ dâng cơm cúng gia tiên trong ngày đầu năm mà hoa quả cũng được bày biện trên bàn thờ rất đẹp mắt, được giữ nguyên cho tới tận ngày hóa vàng. Trong suốt khoảng một tuần đầu năm mới, nhang và hương trầm được thắp liên tục tạo nên một mùi hương rất đặc trưng cho ngày Tết.
Hoa Tết
Tết ta trùng vào mùa xuân nên có các loại hoa quả vô cùng phong phú. Tết việt tùy theo từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng, miền Nam với sắc mai trong khi đó miền Bắc chọn quất, đào để trang trí. Hoa cắm bình thì có thể chọn các loại hồng, cúc, hướng dương,…
Mứt quả là không thể thiếu
Khi đến Việt Nam vào dịp lễ tết, du khách thường vô cùng ấn tượng với những sạp hàng bày bán đủ thứ mứt quả như mứt quất, mứt bí, mứt gừng, mứt dứa…
Dù nghèo khó hay sang giàu, gia đình nào cũng phải chuẩn bị một hộp bánh mứt – ô mai, ấm trà nóng, đĩa hạt bí hạt dưa… Người Việt cho rằng, khay bánh kẹo, ô mai đặt trên bàn tiếp khách là biểu tượng của sự may mắn, sum vầy. Chủ nhà mời khách chén trà thơm thảo, quả ô mai đậm đà cũng là một cách chia sẻ yêu thương, cầu may cho người được nhận, thể hiện văn hóa trọng nghĩa, trọng tình của người Việt.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng và bánh tét và hai món bánh hầu như không thể thiếu trong dịp tết của người Việt Nam. Món bánh đặc trưng ở miền Bắc là bánh chưng, miền Nam là bánh tét. Bánh chưng hình vuông, bánh tét hình trụ dài, cả hai đều được làm bằng gạo nếp, đậu xanh giã nhuyễn và những xúc thịt lợn được cuốn trong lá dong. Bánh luộc xong dẻo dính, có màu xanh nhạt ở mặt ngoài, món bánh này có thể ăn nguội với củ hành muối hoặc rán lên ăn với xì dầu đều rất thơm ngon.
Chúc Tết, lì xì đầu năm
Từ bao đời nay, chúc Tết không chỉ được coi là tục lệ trong ngày đầu năm mà còn trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Tục ngữ có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” cũng bởi người Việt thường đến chúc Tết ông bà, cha mẹ, cô thầy đầu tiên để bày tỏ tấm lòng hiếu kính. Bậc bề trên cũng sẽ mừng tuổi con cháu bằng những phong bao lì xì đỏ gửi gắm vận may, phước lộc trong năm mới, trẻ em lớn thêm một tuổi, người già sống thọ hơn. Trong ba ngày Tết, người ta cũng rủ nhau đến thăm nhà hàng xóm, người thân, bạn bè…lời chào xã giao lúc này sẽ được thay bằng những nụ cười rạng rỡ, cái bắt tay thân thiết và lời chúc an khang thịnh vượng.