![]() |
Kể từ khi làm việc ở sở thú, Maya được tiếp xúc với đủ loại động vật, từ động vật ăn cỏ đến động vật ăn thịt. Ảnh: 163. |
"Tôi đến sở thú Thượng Hải vào tháng 2/2024. Đầu tiên, tôi làm việc ở chuồng voi, sau đó chuyển qua chăm sóc hà mã và tê giác. Tôi cũng chăm sóc khỉ vàng, khỉ đầu chó, vượn cáo đuôi vòng. Sau đó, tôi chuyển sang đội chăm sóc động vật ăn thịt và nuôi hổ, báo, linh miêu, cáo, chó sói và gấu trúc đỏ. Bây giờ, tôi đang làm việc ở đội chăm sóc động vật ăn cỏ, chuyên chăm sóc hươu và cừu"
Đây là phần giới thiệu công việc của Maya, sinh năm 2000, sống tại Nam Kinh. Theo 163, Maya tốt nghiệp cử nhân tại Imperial College London (Anh), sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Cambridge (Anh). Nhưng vào tháng 2/2024, cô từ bỏ công việc tại một công ty dược phẩm sinh học và ứng tuyển vào sở thú Thượng Hải với vai trò là người chăm sóc động vật.
Làm đủ công việc chân tay
Maya kể rằng sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Cambridge, cô trở về Trung Quốc và làm việc tại một công ty sinh học. Nhưng chỉ sau vài tháng làm việc, cô phát hiện công việc này không hề phù hợp với sở thích của bản thân.
Trong lúc chán nản với công việc, Maya bất ngờ phát hiện sở thú Thượng Hải thông báo tuyển dụng. Phần mô tả công việc nêu rằng nhiệm vụ của nhân viên là nhân giống động vật, nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin nghiên cứu với các sở thú khác.
"Đây đều là những công việc tôi muốn thử sức. Vì vậy, tôi đã đến Thượng Hải để nộp đơn", Maya chia sẻ.
Những ngày đầu đến sở thú làm việc, Maya được giao nhiệm vụ xúc phân ở chuồng voi. Ngoài ra, mỗi ngày, cô phải mang những chiếc xô đựng đầy thức ăn cho những chú voi ở sở thú.
Vì là người mới, chưa kịp làm quen với voi, Maya sợ chiếc vòi dài của con voi sẽ khiến mình bị thương. Nhưng sau một thời gian, cô bắt đầu quen và không còn sợ loài vật khổng lồ này.
Kể từ khi trở thành nhân viên sở thú, Maya làm việc từ 8h đến 17h cùng ngày. Cô tiếp xúc với động vật mỗi ngày, phải chịu đủ loại mùi hôi thối trong chuồng thú và làm một số công việc chân tay.
Dù đã học đủ kiến thức về thú y trong nhiều năm, Maya vẫn gặp khó khăn khi làm việc trong môi trường thực tế. Dù vậy, cô vẫn không bận tâm, ngược lại cảm thấy vui vì công việc đang làm.
Không chỉ chăm sóc động vật, Maya còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều loài và biết được nhiều điều mà trường lớp không nhắc đến. Cô cũng cảm thấy hạnh phúc khi được chứng kiến những khoảnh khắc các loài vật chăm sóc, che chở lẫn nhau, giống như cách con người đối xử với con người.
"Động vật có nhiều khía cạnh kỳ diệu mà chúng ta có thể không khám phá hoặc hiểu được. Nhưng nếu tiếp xúc hàng ngày, chúng ta sẽ hiểu vì sao chúng lại có những hành vi như vậy", Maya nói.
![]() |
Sở thú Thượng Hải - nơi Maya làm việc. Ảnh: 163. |
Vui vì được làm việc ở sở thú
Chia sẻ thêm về lý do làm việc ở sở thú, cô gái sinh năm 2000 cho biết trước đây, những nghiên cứu của cô chỉ thiên về lý thuyết khoa học, không được tiếp xúc thực tế với động vật. Vì thế, cô vẫn luôn muốn đến sở thú để làm việc vì công việc ở đây cho phép cô lại gần những con thú, hoặc làm một số công việc mang lại kết quả trực tiếp.
Không riêng Maya, trong những năm gần đây, sở thú Thượng Hải thu hút sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Cornell (Mỹ), Đại học Melbourne (Australia)... Những nhân sự này được yêu cầu làm việc luân phiên với thú nuôi trong vòng nửa năm, sau đó được bố trí tham gia các dự án nghiên cứu khoa học dựa trên chuyên môn sẵn có.
Khi câu chuyện của Maya được chia sẻ lên mạng, nhiều người nhận định sở thú là nơi có thể mang lại công việc ổn định. Dù vậy, Maya nói rằng sự ổn định không phải điều cô cân nhắc, điều quan trọng hơn cả là cô muốn làm công việc liên quan động vật.
Trái lại, một số dân mạng cho rằng cô gái sinh năm 2000 đang lãng phí tài năng, lãng phí tấm bằng thạc sĩ của trường đại học danh giá.
Bị chỉ trích, Maya chỉ nói rằng những kiến thức cô học được ở trường vẫn có ích cho công việc hiện tại. Ví dụ, cô áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu trong nghiên cứu khoa học để quản lý quần thể động vật, hoặc sử dụng các kiến thức về dược lý để chăm sóc, điều trị bệnh cho các con thú.
Công việc có vẻ lặp đi lặp lại, nhưng nó thực sự giúp cô gái trẻ hiểu sâu hơn về tình trạng hiện tại của ngành. Ngoài ra, cô cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn khi làm việc ở sở thú.
Trước đây, khi làm việc ở văn phòng, Maya thường xuyên bị đau lưng, cả người nhức mỏi. Nhưng khi làm việc ở sở thú, được vận động mỗi ngày, cô cảm thấy khỏe mạnh và năng động hơn.
Cha mẹ của Maya cũng ủng hộ con gái làm việc ở sở thú. Cô gái trẻ chia sẻ rằng cha mẹ cô đều học chuyên ngành liên quan ngoại ngữ, công việc không liên quan sinh học nhưng họ đều ủng hộ sở thích của con gái.
"Khi tôi đến Thượng Hải để phỏng vấn ứng tuyển, tôi hơi lo lắng, nhưng cha mẹ bảo tôi cứ tiếp tục thử sức đi", Maya vui vẻ kể lại.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, Maya nói rằng cô hy vọng bản thân sẽ được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu có hệ thống hơn về dinh dưỡng, điều trị bệnh cho động vật. Ngoài ra, cô cũng cân nhắc học thêm một số kỹ năng chăm sóc động vật bởi vì những kiến thức ở đại học cô có được đều thiên về lý thuyết nhiều hơn.
"Tôi hy vọng sẽ được tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, đồng thời có cơ hội tham gia những hoạt động tuyên truyền và hoạt động trao đổi với các tổ chức, cơ sở bên ngoài", cô gái trẻ bày tỏ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.