Chúng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi trung tá Hà Thị Lan Hương, cán bộ nghiên cứu Phòng Súng, pháo Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có tên trong danh sách tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quân diễn ra vào cuối tháng 6 tới đây.
Sinh ra, lớn lên trong gia đình quân giới, ngay từ nhỏ Hà Thị Lan Hương đã sớm làm quen những thuật ngữ nghiên cứu, thiết kế, chế thử, thử nghiệm vũ khí…
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí, chị vào làm việc tại Nhà máy Z143 rồi về Viện Vũ khí. Những ngày đầu mới về nhận nhiệm vụ tại Viện Vũ khí, tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành súng pháo, Hà Thị Lan Hương gặp không ít khó khăn, thử thách và cả những áp lực về giới.
Lâu nay, trong suy nghĩ nhiều người vẫn cho rằng, “đụng” đến lĩnh vực súng pháo, nam giới còn “ngán”, phụ nữ "chân yếu tay mềm" thì làm được gì? Trò chuyện với chúng tôi, chị chia sẻ: So với nam giới, chị em tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực chế thử, thử nghiệm vũ khí có những khó khăn, vất vả hết sức đặc thù.
Làm việc ở lĩnh vực này không chỉ đòi hỏi phụ nữ phải có bản lĩnh, tinh thần thép mà hơn nữa, cần phải có nhiệt huyết và niềm đam mê để sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức trên con đường đi tới thành công. Đơn cử như đề tài thiết kế khẩu súng hoàn chỉnh để bắn thử, bắt buộc phải trải qua khâu bắn thử nghiệm, có như thế đề tài mới có tính khả thi khi đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Trung tá Hà Thị Lan Hương (thứ hai từ phải sang) và đồng đội kiểm tra vũ khí thử nghiệm được thiết kế tại Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: Quân Đội Nhân Dân. |
Từ chỗ chỉ được tham gia những phần việc đơn giản của các đề tài, chị đã phấn đấu để có thể đảm đương công việc độc lập, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bằng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và những nỗ lực của bản thân, dấu ấn cá nhân mang "thương hiệu" Hà Thị Lan Hương từng bước được khẳng định qua những đề tài, như: Súng chống tăng SPG-9 và RPG-7V-VN, súng đại liên PKMS, PKMS-N, súng ngắn K59, K54, súng máy phòng không 12,7mm…
Đến nay, chị đã tham gia 15 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và cấp Tổng cục; chủ trì 6 nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng và đang chủ nhiệm một đề tài nhánh cấp bộ.
Bên cạnh đó, chị còn tham gia công tác bảo đảm sản xuất cho công nghiệp quốc phòng, thẩm định các bộ tài liệu thiết kế của các nhà máy trong tổng cục, cũng như của các đơn vị ngoài tổng cục để bảo đảm chất lượng.
Cứ thế, lặng lẽ, miệt mài trong từng việc nhỏ, từng đề tài nhánh, từng nhiệm vụ khoa học, chị đã làm ra những sản phẩm mà cánh “mày râu” cũng phải nể phục.
Khi được hỏi “bí quyết” nào giúp chị đạt được những kết quả này, chị bảo, đó là lòng yêu nghề được bắt nguồn từ truyền thống gia đình quân giới và quyết tâm vượt qua chính bản thân mình.
Hiện nay, trung tá Hoàng Thị Lan Hương là một trong số ít nữ cán bộ nghiên cứu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được công nhận chức danh nghiên cứu viên chính và là thạc sĩ đầu tiên của Đông Nam Á về chuyên ngành súng pháo.